(Baonghean.vn) - Ông Nguyễn Thái Hiền ở khối 10, Thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đam mê làm nhiều 'nhà' nuôi ong lấy mật, cung ứng cho người nuôi ong trong vùng.
Năm 2003, sau khi nghỉ hưu, ông Hiền tìm hiểu nhiều tài liệu kỹ thuật nuôi ong. Từ đó đến nay, ngoài nuôi ong giỏi, ông còn "mê" làm nhà cho ong.
Hàng ngày, ông sản xuất đủ các loại vật liệu nuôi ong lấy mật, đồng thời soạn thảo nhiều tài liệu kỹ thuật nuôi ong, cung ứng cho người nuôi ong trong và ngoài huyện tham khảo. Ông bộc bạch: "Để làm ra những vật liệu nuôi ong phù hợp, mình phải ham hiểu côn trùng "khó tính" này. Nếu không ong sẽ không ở, mà tìm cách bốc bay".
Không nhớ nổi đã cung cấp bao nhiêu vật liệu, tài liệu nuôi ong cho bao nhiêu người trong và ngoài huyện, nhưng từ đầu năm 2016 đến nay đã có trên 200 người trong và ngoài huyện tìm đến với ông để học hỏi kinh nghiệm phát triển nghề nuôi ong. Và hầu như ngày nào cũng có người đến trao đổi kinh nghiệm và mua các loại vật tư nuôi ong.
Vật tư nuôi ong có đến mười mấy thứ: thùng quay mật, dao cắt tầng ong, nón bắt ong, lưới mũ, lồng nhốt chúa, chân tầng, thùng gỗ không chân, thùng gỗ có chân, ván chắn... và tầng ong. Tất cả những dụng cụ đó ông lúc nào cũng có sẵn, ai cần là cung cấp được ngay.
Gỗ để đóng thùng cũng phải biết chọn, tốt nhất là những loại gỗ không có mùi, như: gỗ da, sung, gạo. Đóng thùng xong là phải quét sơn phía ngoài để chống mốc, mọt. Loài ong mật thích màu xanh lá cây nên phía ngoài hộp phải quét sơn màu xanh.
Hiệp hội nuôi ong Tân Kỳ thành lập cách đây 4 năm, đến nay Hiệp hội đã có hơn 800 hội viên nuôi ong lấy mật, với tổng số hơn 4 nghìn đàn ong. Theo người nuôi ong cho biết, 1 tổ ong mỗi năm quay được 10 chai mật, vậy là mỗi năm Tân Kỳ sản xuất được khoảng 40 nghìn chai mật ong, mỗi năm người nuôi ong Tân Kỳ thu về khoảng 6 tỷ đồng.