Đó là bà Lô Thị Miện (trú ở bản Đình Hương, xã Tam Đình, huyện Tương Dương), mẹ của nạn nhân Lô Văn Mạnh. Sắp tròn 1 năm ngày giỗ của con, bà Miện cùng đứa con trai cả mang theo cơm đùm cơm nắm xuống thành phố Vinh dự phiên tòa xét xử những người đã gây ra cái chết của con mình.
Phiên tòa hôm 19/4 phải đến tận 9 giờ mới bắt đầu, mẹ con bà Miện ngồi thất thần chờ đợi. 3 bị cáo mang tội "giết người" cũng ngồi cách đó không xa. Nhưng điều hiếm thấy là cả phòng xử án tuyệt nhiên không một lời hằn học, chửi bới.
Bà Miện đưa ánh mắt nhìn 3 bị cáo rồi khóc, ánh mắt đau đớn, thê lương đến tận cùng. Hẳn bà đang nhớ con, đứa con trai vừa tốt nghiệp đại học của bà cũng trạc tuổi 3 bị cáo, vậy mà...
Bà còn nhớ, hôm đó vào tối 1/2/2017, ăn tối xong, Mạnh bảo với mẹ sang bản bên chơi với bạn. Nghĩ con trai đi học đại học lâu ngày, giờ về quê thăm bạn, bà Miện cũng không nghĩ ngợi gì, nhưng chẳng hiểu sao, khi con ra khỏi cổng, bà cứ có cảm giác bất an. Đến tận khi đứng trước tòa, bà mới ngân ngấn nước mắt bảo rằng đó là linh cảm của người mẹ.
Nghe đại diện Viện Kiểm sát đọc bản cáo trạng, mô tả chi tiết hành vi của các bị cáo khi đánh con mình, bà Miện lòng đau như cắt, liên tục gục xuống bàn nức nở. Hôm đó, lúc đang đi chơi, Mạnh và bạn gặp 1 nhóm người, trong đó có Kha Văn Huy. Bạn của Mạnh vốn có mâu thuẫn với Huy nên xảy ra xô xát, Huy liền gọi điện cho anh trai là Kha Văn Vũ và nói về việc mình bị đánh.
Nghe vậy, Vũ cùng 2 người bạn nữa của Huy là Lương Văn Vọng và Kha Ngọc Quý cầm theo gậy để đánh trả thù.
Đến khu vực cầu Khe Bì thuộc bản Đình Thắng, xã Tam Đình, huyện Tương Dương thì bắt gặp nhóm thanh niên, trong đó có Mạnh. Sau đó, hỗn chiến xảy ra, Mạnh bị Kha Ngọc Quý, Lương Văn Vọng và Kha Văn Vũ dùng gậy đánh liên tiếp nhiều nhát vào vùng đầu và vai, Mạnh bị thương nặng. Sau 3 tháng điều trị tại bệnh viện, Mạnh tử vong vào ngày 30/4/2017.
Rốt cuộc, giữa Mạnh và 3 người gây ra tội kia, cũng là 3 bị cáo đang đứng trước tòa không hề có xích mích hay bất kỳ mâu thuẫn gì. Chỉ vì nông nổi, chỉ vì bồng bột, chỉ vì hiếu thắng nên người chết, kẻ vào tù. Còn nỗi đau sẽ đeo bám người mẹ suốt phần đời còn lại. Bà bảo, con nằm viện 3 tháng trời rồi mới bỏ mẹ ra đi, nhưng 3 tháng ấy con hôn mê chẳng nói chẳng rằng, lòng người mẹ như đứt dần từng khúc ruột.
Phần xét hỏi nhiều lần bị ngắt quãng bởi bà Miện quá xúc động. Khi bình tĩnh trở lại, bà vẫn xưng hô với các bị cáo là "dì" với "các cháu", bà không giận dữ mà nhẹ nhàng nói như trút hết lời gan ruột: "Con dì chết rồi thì không trở về được nữa, các cháu đi tù thì còn được trở về. Dì mong các cháu cải tạo tốt, ra tù thì cố gắng làm ăn mà báo hiếu cho cha mẹ, đừng rủ rê, lôi kéo nhau làm điều phạm pháp nữa...", người mẹ dân tộc thiểu số nói từng tiếng Kinh chậm rãi, từng câu từng chữ như ứa lệ.
HĐXX hỏi bà Miện về số tiền yêu cầu bồi thường, bà nói rằng 3 tháng chạy chữa cho con cả gia đình phải chạy vạy, vay mượn, nên giờ mong 3 gia đình trang trải chi phí đó. Trong lá đơn gửi tòa trước đó, bà Miện yêu cầu bồi thường 600 triệu đồng. Thế nhưng, tại tòa, nhìn thấy ánh mắt đau khổ của cha mẹ 3 bị cáo, bà hiểu rằng họ cũng như bà, là những người phải gánh lấy nỗi đau khi con cái mình trót dại.
Nghe gia đình 3 bị cáo nói số tiền đó quá lớn, trong khi hoàn cảnh kinh tế của họ cũng không khấm khá gì, sau một hồi suy nghĩ, bà Miện nói rằng họ chỉ cần bồi thường thêm 300 triệu đồng, để bà đỡ phần nào tiền trả nợ chạy chữa cho con. Số tiền đó được 3 gia đình bị cáo đồng ý.
Trước khi HĐXX vào nghị án, bà Miện lại nước mắt ngắn dài xin giảm án cho 3 bị cáo để các cháu được sớm trở về với gia đình, không quên dặn dò các cháu phải gắng làm người tốt. 3 bị cáo lén đưa ánh mắt nhìn bà Miện rồi cúi đầu im lặng...
HĐXX tuyên phạt 3 bị cáo, Lương Văn Vọng 12 năm tù, Kha Văn Vũ 10 năm tù và Kha Ngọc Quý 9 năm tù. Phiên tòa kết thúc, bà Miện cùng đứa con trai cả lững thững đội nắng ra về. 2 mẹ con dìu nhau, lòng vẫn nặng trĩu...