Cuối tháng 12-2011, ông Dương Quan Hà - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP. Hồ Chí Minh đã trân trọng tặng Bằng khen của Ủy ban MTTQ Thành phố cho nhân sĩ – nhà sử học Nguyễn Đình Đầu về thành tích "có nhiều đóng góp trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.
Tại Hội Khoa học Lịch sử TP Hồ Chí Minh, nhắc đến nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, ai cũng biết đó là một nhà nghiên cứu địa đồ cổ nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh cũng như miền Nam. Dù nay đã 92 tuổi, cụ vẫn cất công sưu tầm những tài liệu, bản đồ cổ quý giá tại nhiều kho lưu trữ trên thế giới.
Cụ Nguyễn Đình Đầu đang trình bày những bản đồ quý hiếm về biển, đảo sưu tầm tại Paris (Pháp)
Bên cạnh mấy chục công trình nghiên cứu lịch sử đã xuất bản, sau hơn nửa thế kỷ nghiên cứu địa lý, lịch sử Việt Nam, nhất là vùng đất Nam Bộ xưa, cụ Nguyễn Đình Đầu đã sưu tầm hơn 3.000 tấm bản đồ Việt Nam, trong đó có hàng trăm bản đồ miêu tả rất tỉ mỉ những vùng thềm lục địa và các hải đảo của Việt Nam, nhiều bản đồ lập rất chi tiết và tỉ mỉ về các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Để có được bộ sưu tập 3.000 tấm bản đồ ấy (trong đó có rất nhiều bản đồ chứng minh quyền sở hữu nước ta đối với các quần đảo cùng nhiều vùng biển khác), cụ Nguyễn Đình Đầu đã dành nhiều thời gian và cả tiền bạc để cất công sưu tầm.
Những tấm bản đồ cổ mà cụ sưu tầm được, hầu hết là bản đồ Việt Nam qua các thời kỳ (từ thế kỷ 15 đến nay) do người Việt, người Trung Quốc, người châu Âu, châu Mỹ và cả Ai Cập... đã vẽ để phục vụ chinh chiến, đi thám hiểm. Số bản đồ do nước ngoài thực hiện về thềm lục địa và hải đảo của Việt Nam, cho dù sơ sài (từ thế kỷ 15) hay thật tỉ mỉ như tấm bản đồ của hải quân Pháp (giữa thế kỷ 19), đều có một điểm chung: khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ rất lâu, trên 500 năm trước đã là của Việt Nam.
Cụ Nguyễn Đình Đầu đã say mê tìm kiếm trong thư tịch, trong các tài liệu cổ, đã đóng góp nhiều tư liệu quý, bản đồ, hình ảnh để trưng bày triển lãm Hoàng Sa - Trường Sa - Biển đảo Việt Nam vào ngày 1-9-2009, tại Nhà triển lãm Tp Hồ Chí Minh. Trong cuộc triển lãm này, được chia 3 phần: Phần một: Bản đồ vùng thềm lục địa, hải đảo Việt Nam do chính các triều đại, nhà nước Việt Nam thực hiện; Phần hai: Bản đồ do hải quân Pháp thực hiện giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 - Đây là phần quan trọng nhất vì các bản đồ này được thực hiện rất tỉ mỉ, miêu tả chi tiết các vùng nước nông sâu, những vị trí có thể cập bến tại các đảo, vị trí các giếng nước ngọt, nơi trồng cây, khu vực đóng quân (thời Pháp), dựng nhà dân... Tất cả bản đồ này đều có tên tác giả, ngày, tháng cụ thể, trong số đó, tấm bản đồ do nhà hàng hải Bồ Đào Nha vẽ vào năm 1.525 là xưa nhất, để ta có căn cứ rõ về chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phần 3: Bản đồ do thể hiện Hoàng Sa - Trường Sa nằm trong vùng biển Việt Nam, được gọi là Giao Chỉ Dương ( gọi nước ta là Giao Chỉ). Qua đó đã góp phần cho sự khẳng định mà các nhà khoa học nước ta đã công bố : Hoàng Sa - Trường Sa là thuộc về chủ quyền của Việt Nam.
Hôm chúng tôi tìm đến thăm cụ và cũng để tham khảo một tư liệu cổ, cụ Nguyễn Đình Đầu cho biết: hiện giờ vẫn còn lưu giữ hơn 200 tấm bản đồ cổ tại nhà riêng của mình (Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh). Đó là các bản đồ cổ rất có giá trị qua nhiều thời kỳ, nay còn truyền lại tại Pháp và một số nước, mà cụ có điều kiện sưu tầm. Đánh giá về những công trình khoa học của cụ, năm 2009, Hội đồng Giải thưởng Trần Văn Giàu đã tặng thưởng giải thưởng xuất sắc nhất về các công trình nghiên cứu của năm 2009. Cụ cũng được giới khoa học xã hội đánh giá là người say mê và có nhiều thành công trong đóng góp những tư liệu, bản đồ, hình ảnh quý về Hoàng Sa - Trường Sa và biển đảo Việt Nam, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc ta.