Khoản 2, Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định: Trường hợp người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động trợ cấp cho người lao động theo quy định tại Khoản 5, Điều 38 của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, đối với trường hợp người lao động bị tai nạn khi đi làm từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở, tại địa điểm và thời gian hợp lý (căn cứ theo hồ sơ giải quyết vụ tai nạn của cơ quan công an hoặc giấy xác nhận của công an nơi xảy ra tai nạn) thì người lao động được trợ cấp tai nạn lao động từ người sử dụng lao động.
Tuy nhiên, một số công ty băn khoăn, vậy đơn vị quản lý lao động có phải chi trả chi phí y tế, tiền lương trong thời gian điều trị cho những trường hợp người lao động bị tai nạn giao thông khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở, tại địa điểm và thời gian hợp lý hay không?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Để có cơ sở giải quyết chế độ tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc đến nơi ở cần căn cứ vào biên bản điều tra tai nạn lao động. Căn cứ vào biên bản điều tra tai nạn nêu trên, trường hợp xác định người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc đến nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động trợ cấp cho người lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 39 Luật An toàn vệ sinh lao động.
Luật An toàn vệ sinh lao động không quy định bắt buộc người sử dụng lao động phải chi trả chi phí y tế, tiền lương trong thời gian điều trị tại trường hợp tai nạn nêu trên.
Trong một số trường hợ, đơn vị quản lý lao động và người lao động có thể áp dụng Khoản 1 Điều 4 Bộ luật Lao động 2012, quy định khuyến khích những thỏa thuận có lợi hơn cho người lao động.