(Baonghean.vn) - Bằng sự tâm huyết của mình, chị Trương Thị Hiền, cán bộ văn hóa- truyền thanh xã Tái định cư Thanh Sơn, Thanh Chương đã thực hiện rất tốt chức năng nhiệm vụ làm ấm tiếng loa, ấm lòng dân bản được mọi người yêu quý.
Đã từ hơn hai năm nay ngày nào cũng vậy chị Vi Thị Tuyết, bản Thái Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương thường thức dậy vào lúc 5 giờ sáng. Đây là thời điểm mà núi trừng vẫn còn âm u bởi sương mù nhưng là lúc những người phụ nữ Thái ở đây bắt đầu thức dậy để chuẩn bị cơm nước cho cả gia đình. Có được điều này là nhờ tiếng loa truyền thanh của xã. Chị Tuyết chia sẻ: "Nhờ tiếng loa mà tôi và mọi người hiểu được nhiều thứ, nhờ tiếng loa mà tôi dậy được sớm. Bựa mô mà loa hư tôi không biết đường mô mà dậy cả”
Chị Vi Thị Tuyết là một trong số hàng ngàn người dân ở xã Tái định cư vùng biên nay luôn trông ngóng vào tiếng loa truyền thành của “O Hiền”, tức chị Trương Thị Hiền cán bộ văn hóa truyền thanh của xã.
Được bà con trìu mến gọi như vậy nhưng trong đời thực chị Trương Thị Hiền còn rất trẻ. Sinh năm 1990, quê gốc tại Quỳ Hợp, sau khi tốt nghiệp ngành Công tác xã hội – khoa Lịch sử Trường Đại học Huế, chị lấy chồng và về sinh sống tại xã Thanh Sơn này. Chị bắt đầu đảm nhận chức danh cán bộ văn hóa - truyền thanh từ tháng 12 / 2014.
Là sinh viên mới ra trường tất cả mọi việc đều bỡ ngỡ nhưng được sự hỗ trợ của lãnh đạo xã và chồng là anh Lô Văn Cả - xã đội phó, Hiền đã sớm bắt nhịp và thực hiện tốt các công việc của một cán bộ văn hóa. Trong đó chị đã giành rất nhiều công sức cho công tác truyền thanh. Chị chia sẻ: “xã có một đài Truyền thanh với 15 cụm gần 40 loa ở các bản hoạt động rất tốt nhưng tôi thấy nội dung còn nghèo, chủ yếu chỉ là đọc thông báo của xã và của huyện thôi”. Từ nhận thức đó, Hiền đã nghiên cứu quy chế hoạt động của Đài TTCS của tỉnh và của huyện, xây dựng quy chế cho Đài xã vả tham mưu cho lãnh đạo phê duyệt.
Từ đó mỗi ngày chị mở đài 2 lần vào sáng sớm và chiều tối để phát sóng các chương trình thời sự của Đài Trung ương, đài tỉnh, đài huyện và tự biên tập chương trình cho đài xã. Để biên tập được một chương trình đài xã chị đã nghiên cứu tìm các bài trên các báo phù hợp với đời sống của bà con dân bản để phát lại. Đó là các kinh nghiệm về sản xuất chăn nuôi, gương người tốt việc tốt. Đặc biệt là các tin bài về nạn buôn bán người, phòng chống ma túy và các tệ nạn khác. Chị và bà con rất tâm đắc với các bài điều tra của Báo Nghệ An về hoạt động bán hàng đa cấp liên quan đến cán bộ và hơn 80 người dân trong xã. Nhờ đó mà đã xử lý được người xấu, củng cố niềm tin và giúp bà con cảnh giác hơn.
Cùng với việc tìm, chọn giới thiệu các bài trên báo, Trương Thị Hiền còn rất xông xáo trong việc tự xây dựng chương trình. Ngoài việc thông báo các chủ trương chính sách của cấp trên là thông tin nội bộ xã và các gương điển hình làm kinh tế giỏi, điển hình về học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gương về giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương.
Nhờ vậy các tấm gương già bản Vi Tuyền Quynh, Lay Thanh Phùng ...đã được rất nhiều người đến tham quan học tập. Ngoài làm chương trình Hiền còn thường xuyên đến các điểm cắm loa để kiểm tra chất lượng âm thanh, nghe bà con phản ánh về nội dung chương trình để bổ cứu rút kinh nghiệm. Nhận xét về Huyền, đồng chí Vi Trọng Thủy - P. Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho rằng: "Đây là một cán bộ xông xáo, được việc mà xã và dân cần. Tiếng loa của đài xã đang làm ấm đời sống của bà con, bởi nó không chỉ thông tin chủ trương, chính sách mới mà còn cổ vũ phong trào”.
Với những gì mà Trương Thị Hiền đã làm được, với tình cảm và sự mong đợi mà người dân đang giành cho chị tin rằng tiếng loa truyền thanh của đài xã Thanh Sơn sẽ còn mãi ấm, còn bay cao bay xa đến tận các bản làng góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Trần Đình Hà
Đài Thanh Chương