(Baonghean) -  Cảm thông và chia sẻ những thiệt thòi của các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số, chị Lục Thị Hoa - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Đức (Nghĩa Đàn) đã đứng ra tổ chức lớp học xóa mù chữ. 

Vượt gần 10 km đường đồi núi quanh co, từ trung tâm xã chúng tôi có mặt tại Nhà văn hóa xóm Nung, địa điểm tổ chức lớp học cho chị em đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là vùng khó khăn nhất của xã Nghĩa Đức (Nghĩa Đàn) với 76 hộ, 260 nhân khẩu, 100% đồng bào dân tộc thiểu số, xóm có nhiều người chưa biết chữ, trong đó có nhiều phụ nữ.

images1690451_bna_57e092703b176.jpgChị Lục Thị Hoa dạy chữ cho học viên.

Trong số 35 người theo học, có 28 người nữ và 7 nam. Có người chưa bao giờ được đến lớp, cũng có người đã từng được đi học, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên quên hết chữ, được chị Hoa và cô giáo của trường tiểu học đến tại xóm mở lớp xóa mù chữ ai cũng háo hức, phấn khởi. Chị Trương Thị Luyến, 45 tuổi, người lớn tuổi nhất ở lớp học chia sẻ: “Trước đây khổ quá, không có cái ăn phải đi vô rừng vô rú để làm ăn nên có cô giáo ở xã và phụ nữ xã vô đây mở một lớp xóa mù chữ. Chị em chúng tôi rất mừng và ai cũng phấn khởi cũng muốn đến lớp học để học cho biết chữ”. 

Hơn 10 năm gắn bó với công tác hội, với vai trò là Chủ tịch Hội phụ nữ xã, chị Lục Thị Hoa nhiều lần được nghe những lời tâm sự từ các phụ nữ rằng, muốn được học để biết cái chữ, biết viết, biết đánh vần, để không còn phải điểm chỉ mỗi khi đến giao dịch tại xã nữa. Chính những tâm sự rất thật này đã thôi thúc chị Hoa quyết tâm phải mở được lớp học xóa mù chữ cho các chị ở xóm đặc biệt này.

Chị Hoa tâm sự: “Qua nắm bắt thực tế của xóm Nung, tỷ lệ chị em mù chữ rất nhiều. Cũng thương chị em quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà bản thân mình lại không biết chữ, giao tiếp với xã hội rất hạn chế, tôi đã nảy ra ý tưởng sẽ mở ra lớp xóa mù cho chị em trong dịp hè này”. 

Ngày đầu mở lớp cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì phần lớn các chị đều đã lớn tuổi, hàng ngày bận bịu với công việc gia đình, nương rẫy, có nhiều người nói tiếng phổ thông chưa rõ nên rất ngại khi đến lớp học đặc biệt này. Bằng cách đến từng nhà hội viên vận động, hỗ trợ sách, vở bút mực, chị Hoa đã dần khiến các chị thay đổi nhận thức. Lớp học xóa mù do chị Hoa đứng ra tổ chức ngày càng đông, không chỉ có chị em tham gia mà còn có cả nam giới theo học.

Mặc dù không có chuyên môn, nghiệp vụ sự phạm nhưng bằng tình cảm, trách nhiệm của mình, chị Hoa luôn cần mẫn, kiên trì với những buổi lên lớp. Với những chị nói chưa rõ tiếng phổ thông, chị Hoa lại phải dùng cử chỉ, điệu bộ và tiếng đồng bào để các chị hiểu bài. Từ sự mặc cảm, ngại ngùng trong cách phát âm, đánh vần ê, a của buổi đầu đến lớp, sau một tháng miệt mài, đến nay các chị đều đã biết đọc, biết viết tên của mình và các thành viên trong gia đình. 

Chi Lục Thị Hoa thường xuyên quan tâm, động viên hội viên.

Ngoài việc dạy chữ, trong các buổi học chị Hoa còn lồng ghép thêm các nội dung tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em; lồng ghép sinh hoạt các câu lạc bộ kế hoạch hóa gia đình không sinh con thứ ba, mẹ chồng nàng dâu, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con khỏe con ngoan…

Không chỉ là cán bộ Hội Dân tộc thiểu số tiêu biểu, nhiệt tình trong công việc, luôn gần gũi quan tâm giúp đỡ chị em trong việc nâng cao nhận thức, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, chị Lục Thị Hoa còn là người phụ nữ luôn làm tròn trách nhiệm, bổn phận của người con dâu hiếu thảo, người vợ đảm đang, người mẹ hiền mẫu mực trong gia đình. Năm 2009, chị được Trung ương Hội Phụ nữ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen cán bộ cơ sở giỏi. 

Chị Hồ Thị Thanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Nghĩa Đàn khẳng định: “Đồng chí Lục Thị Hoa - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Đức là một trong những cán bộ hội trẻ, có nhiều kinh nghiệm, đồng chí đã bám sát nhiệm vụ của hội cấp trên, nhiệm vụ chính trị của địa phương để triển khai rất năng động sáng tạo. Đặc biệt, mô hình lớp xóa mù chữ cho các hội viên phụ nữ xóm Nung được Hội Phụ nữ huyện triển khai nhân rộng trong toàn huyện”.

Ngọc Linh - Đức Anh
(Đài Nghĩa Đàn)

TIN LIÊN QUAN