(Baonghean.vn) - Người dân xóm 4, xã Khai Sơn (Anh Sơn) có đơn phản ánh gửi Báo Nghệ An với nguyện vọng xin được trả lại con đường dẫn xuống phà Tri Lễ. Theo người dân, đây là con đường hàng chục năm qua họ đi lại sản xuất, lấy nước sinh hoạt. Đồng thời, đó còn là một chứng tích của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nên cần được giữ gìn.

Tuy nhiên, sau khi có dự án Nhà máy sản xuất củi và than sạch xuất khẩu được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư tại đây thì con đường này đã nằm trong khuôn viên của nhà máy. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động, hàng ngày người dân phải đi ké qua đất nhà máy mới ra được bãi bồi ven sông, nơi có 25ha diện tích ngô của hơn 40 hộ dân xóm 4. 

Nhưng thời gian gần đây, nhà máy đã đóng cọc và chuẩn bị rào thép gai để bảo vệ tài sản. Người dân đang hết sức lo lắng vì khi nhà máy rào lại, họ sẽ không có con đường nào để đi. Nếu muốn, người dân phải vòng lên đường mòn Hồ Chí Minh rồi đi xuống con đường mới được một công ty khai thác cát sạn mở. Con đường này dài hơn đường cũ khoảng 3km. 

Nguyện vọng của người dân là các cấp chính quyền cần sớm mở đường cho người dân có điều kiện đi lại sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, đối với con đường dẫn xuống phà Tri Lễ cần được bảo vệ vì đây là một chứng tích của chiến tranh, nơi lưu dấu dân của hàng vạn chiến sỹ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến vượt sông tiếp viện cho mặt trận miền Nam. 

Dưới đây là một số hình ảnh PV Báo Nghệ An ghi lại được trong quá trinh tìm hiểu, xác minh đơn thư bạn đọc:

images1170611_a1.jpgCon đường hàng chục năm qua mà người dân đi lại sản xuất nay sắp bị rào lại khiến người dân hết sức lo lắng
Đây cũng là con đường dẫn xuống phà Tri Lễ, một chứng tích của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Người dân lo lắng khi doanh nghiệp xây dựng hàng rào, bịt kín lối việc sản xuất nông nghiệp rất khó khăn
Nguồn thu nhập chính của 40 hộ dân xóm 4 Khai Sơn là từ trồng ngô, lạc trên diện tích bãi bồi ven sông
Anh Nguyễn Văn Cần (xóm 4, Khai Sơn) không giấu nổi lo lắng với phóng viên khi nhà máy xây dựng hàng rào thì anh sẽ đi vào trang trại của mình bằng cách nào
Hiện nay, để vào được trang trại của anh Cần thì chỉ còn một cách là đi ké trên phần đất của nhà máy
Trang trại của anh Cần có diện tích 5 ha, thuê lại đất công ích của xã với thời gian 10 năm. Mỗi năm, anh Cần thu về từ việc nuôi lợn, gà, cá hàng chục triệu đồng.
Nhà máy sản xuất củi và than sạch xuất khẩu được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư trên diện tích 15 ha tại KCN Tri Lễ (Khai Sơn, Anh Sơn). Hiện nhà máy đã xây dựng được 1 nhà xưởng chế biến gỗ và 1 nhà ở cho cán bộ, công nhân.
Người dân xóm 4 nói riêng và xã Khai Sơn nói chung vui mừng và ủng hộ việc xây dựng nhà máy tại địa phương. Tuy nhiên, mong muốn của họ là phải đảm bảo hài hòa lợi ích của 2 bên. Phía doanh nghiêp có đất sản xuất nhưng người dân cũng cần đường để đi lại sản xuất nông nghiệp

 Phạm Bằng