Một người dân Trung Quốc viết trên trang mạng Sohu: “Chúng ta đang giống như cướp biển. Xấu hổ vì là người Trung Quốc”.
Một nghịch lý đang xảy ra tại Trung Quốc. Đó là trong khi những người lãnh đạo nước này đang cố gắng đưa ra những vu cáo trắng trợn cùng những xuyên tạc quanh việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam thì người dân lại lên tiếng phản đối.
Trên một số diễn đàn mạng như Sohu, Sina, weibo.com… của Trung Quốc, nhiều bạn đọc đã thẳng thắn lên tiếng tôn trọng lẽ phải, ủng hộ sự thật. Trên trang mạng Sohu, bạn đọc Fanfanhe ở Bắc Kinh viết: “Mọi người đều thấy rõ, lần này Trung Quốc chủ động gây chuyện, người Việt Nam tố cáo ra quốc tế. Bây giờ Trung Quốc lại giả bộ bị bắt nạt, nói bị tàu Việt Nam tông húc để mong tìm kiếm sự cân bằng”.
Cũng ở trang mạng này, bạn đọc Kuangyelangren đặt nghi vấn: “Sao tôi xem chương trình “Tin tức 360” thấy tàu Hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng và tông húc vào tàu Việt Nam?”. Bạn Xianrenruyuan viết: “Chao ôi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cố ý làm ra vẻ ta vô tội. Thực ra, tàu Việt Nam bị húc đến thảm. Phía ta toàn là tàu chiến hoán cải thành hải giám, sao có thể bó tay chịu húc? Vậy mà toàn thấy đưa tin “bị khiêu khích, bị bắt nạt”. Người Trung Quốc bình thường chỉ cần có chút đầu óc khẳng định đều không thể thấy lọt tai”.
Bạn đọc Jiubannongju ở Tứ Xuyên viết: “Chúng ta đang giống như cướp biển. Xấu hổ vì là người Trung Quốc”.
Trong một diễn biến khác, báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng chỉ trích hành vi đối đầu với các nước láng giềng ở Biển Đông của Trung Quốc là hung hăng, ngạo mạn, sô-vanh và chủ nghĩa vị chủng. Bắc Kinh không chỉ để lộ ra những chiếc răng nanh bành trướng đối với Việt Nam và Philippines, mà giờ đây điều đó còn tiếp tục diễn ra trong việc làm thay đổi lập trường của Indonesia.
Tờ South China Morning Post (tờ báo uy tín nhất Hong Kong) dẫn lời Phó giáo sư Vi Dân, chuyên gia Đông Nam Á thuộc Đại học Bắc Kinh: "Nếu không giải quyết sớm, thì bất kể lời giải thích nào mà chính phủ Trung Quốc đưa ra cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Uy tín và lòng tin với chính phủ Trung Quốc sẽ bị suy giảm mạnh mẽ, làm tồi tệ hơn nữa tình hình bất ổn tại Biển Đông”.
Ông Lý Lệnh Hoa, chuyên viên nghiên cứu thuộc Trung tâm Thông tin Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc, một nhà nghiên cứu nổi tiếng về luật biển của Trung Quốc thẳng thắn: “Trung Quốc là nước đã ký Công ước biển LHQ (UNCLOS 1982), cần phải hành xử theo các điều 74, 83 của công ước, phải tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước láng giềng”. Theo thông tin trên báo điện tử Tiền Phong.
Ông này cũng đã từng khẳng định: “Đường lưỡi bò là một đường hư ảo, đường này không có kinh độ, vĩ độ cụ thể, cũng không có căn cứ pháp luật. Trung Quốc nên chủ trương giải quyết tranh chấp bằng đàm phán hòa bình theo tinh thần của Công ước Luật Biển Liên hợp quốc năm 1982, không được sử dụng vũ lực”.
Cũng theo nguồn trên, nhà báo Chu Phương, biên tập viên của Tân Hoa Xã đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm cực lực phản đối chính sách sử dụng vũ lực ở Biển Đông, đòi xóa bỏ cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Người này viết: “Ý nghĩa lớn nhất của việc lập ra “thành phố Tam Sa” là chường cho bàn dân thiên hạ thấy nỗi nhục của Trung Quốc; đồng thời cũng sẽ buộc chính phủ và quân đội Trung Quốc phải giở bài ngửa với các quốc gia xung quanh và quốc tế. Thiết lập “thành phố Tam Sa” là trò cười quốc tế, mạnh mẽ yêu cầu hủy bỏ ngay!”.
Còn nhớ, tại diễn đàn mang tên "Tranh chấp biển Đông: Chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế" do Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc và Báo điện tử Sina.com tổ chức, nhiều học giả Trung Quốc đã thẳng thắn bác bỏ những lập luận của Chính quyền Bắc Kinh về yêu sách "Đường lưỡi bò".
Theo đó, giáo sư Triết học Hà Quang Hộ (Đại học Nhân dân Trung Quốc) cho rằng, nhìn vào bản đồ, "Đường lưỡi bò" là không thể chấp nhận. Cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp là tôn trọng các điều khoản liên quan trong Luật Quốc tế. Giáo sư Thượng Hội Bằng (Học viện Quan hệ Quốc tế Bắc Kinh) thì khẳng định: "Đường lưỡi bò" không phải đã là lãnh thổ của chúng ta, mà đó là vấn đề chưa được giải quyết trong lịch sử và trong quá trình giải quyết cần tôn trọng các quy tắc quốc tế. Đồng quan điểm, Giáo sư Trương Kỳ Phàm (Học viện Pháp luật Đại học Bắc Kinh) nói, khi xử lý vấn đề quốc tế, đặc biệt những vấn đề liên quan đến lãnh thổ, Trung Quốc cần tôn trọng pháp luật.
Trung Quốc cắm các “chốt” an ninh giả danh dân sự
“Để tiếp tục thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” - chấn hưng dân tộc với ý đồ “Độc chiếm Biển Đông” mà trước hết là “độc quyền khai thác tài nguyên”, Trung Quốc đã triển khai nhiều bước đi và cách tiếp cận. Đáng chú ý là họ ngang nhiên công bố ra Liên hợp quốc “Yêu sách phi lý về Đường lưỡi bò 9 đoạn đứt khúc” vào năm 2009, chiếm 80% diện tích Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của các quốc gia láng giềng quanh Biển Đông, trong đó có Việt Nam.
Đồng thời để chứng minh khả năng quản lý thực tế không gian đường lưỡi bò phi lý này, Trung Quốc đã triển khai hàng loạt hoạt động được che đậy và giả danh “dân sự”. Bằng cách đó Trung Quốc chiếm bãi cạn Hoàng Nham/Scarborough do Philippines tuyên bố chủ quyền năm 2012, chiếm bãi James do Malaysia tuyên bố chủ quyền năm 2013 và lần này Trung Quốc đưa giàn khoan “khủng” Hải Dương 981 xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là cách Trung Quốc cắm các “chốt” an ninh giả danh dân sự để nắn gân các nước láng giềng, để rồi sẽ “gặm nhấm dần” các các vị trí chiến lược trên Biển Đông”.
(Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục biển và đảo Việt Nam, hiện là giảng viên cao cấp của Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên của Diễn đàn Đại dương Thế giới nhận định trên báo Pháp luật TP.HCM).
Theo Soha.vn