Tsutomu Yamaguchi có mặt ở cả Hiroshima và Nagasaki đúng lúc Mỹ thả bom hạt nhân, nhưng vẫn sống sót một cách thần kỳ.

images1956586_nguoi_dan_ong_nhat_song_sot_qua_hai_vu_nem_bom_nguyen_tu_597136de70a7c.jpgTsutomu Yamaguchi khi về già. Ảnh: NPR.

Bom nguyên tử chỉ được sử dụng để tấn công đúng hai lần trong lịch sử, lần đầu vào ngày 6/8/1945 ở Hiroshima và lần thứ hai sau đó hai ngày tại Nagasaki, Nhật Bản, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Một người đàn ông Nhật đã có mặt ở hai thành phố vào đúng ngày hai quả bom phát nổ, nhưng đều sống sót, khiến ông được mệnh danh là "Lucky Yamaghuchi" (Yamaguchi may mắn), theo War History.

Tsutomu Yamaguchi lẽ ra không có mặt ở Hiroshima khi quả bom hạt nhân Little Boy được Mỹ thả xuống thành phố. Trên thực tế, ông đang trên đường rời Hiroshima. Trước đó ba tháng, tập đoàn Mitsubishi cử Yamaguchi đi công tác ở thành phố này. Sau khi hoàn thành công việc, ông dự kiến trở về Nagasaki vào ngày 6/8.

Vào ngày định mệnh đó, Yamaguchi xuất hiện lần cuối ở chi nhánh Hiroshima của tập đoàn Mitsubishi. Trước khi đến nơi, ông nghe thấy tiếng máy bay trên cao và nhận ra oanh tạc cơ B-29 của Mỹ. Chiếc máy bay ném một vật thể nhỏ xuống và bay đi lúc 8h15 sáng.

Ngay sau đó, một vụ nổ cực lớn xảy ra. Yamaguchi  nhảy xuống một con suối gần đó theo bản năng, nhưng sóng xung kích hất văng ông khỏi nơi ẩn nấp. Ông bị ném vào một ruộng khoai và bất tỉnh, trong khi dư chấn của quả bom vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng. Đám mây hình nấm của Little Boy lớn dần trên bầu trời Hiroshima. Yamaguchi đứng cách khu vực bom nổ chưa đầy 3 km. Ông bị bỏng trên mặt và cẳng tay, mất đi tai phải và thủng cả hai màng nhĩ nhưng vẫn sống.

Sống sót sau vụ nổ kinh hoàng, Yamaguchi đi tới tòa nhà văn phòng đã bị phá hủy, cố gắng xâu chuỗi lại những gì đã xảy ra. Ông tìm ra hai đồng nghiệp cũng sống sót sau vụ nổ. Khi phát hiện xe lửa vẫn chạy ra khỏi thành phố, họ băng qua tàn tích của Hiroshima đến ga xe lửa để trở về Nagasaki.

Sau khi trở về nhà, mặc dù bị bỏng, băng quấn đầy người và mất thính lực, Yamaguchi vẫn tới nhà máy Mitsubishi ở Nagasaki vào ngày 9/8. Khi ông kể lại sự việc xảy ở Hiroshima, giám sát viên cho rằng Yamaguchi bị điên, câu chuyện của ông quá khó tin đối với những người chưa bao giờ chứng kiến vũ khí hạt nhân phát nổ.

Thành phố Hiroshima sau vụ ném bom. Ảnh: War in Context.

Trong khi họ đang nói chuyện, Mỹ thả quả bom hạt nhân thứ hai mang tên Fat Man xuống Nagasaki. Giống những gì Yamaguchi chứng kiến ở Hiroshima, thứ dường như là một chấm nhỏ trên bầu trời bỗng nhiên bùng nổ thành ánh sáng trắng rực rỡ. Yamaguchi ngã xuống sàn khi quả bom làm nổ tung tất cả cửa sổ của tòa nhà.

Ông tin rằng dư chấn của vụ nổ Hiroshima lan tới Nagasaki. Trên thực tế, Nagasaki bị tấn công bởi quả bom mới, mạnh hơn cả Little Boy. Một lần nữa, người đàn ông may mắn này lại thoát chết.

Yamaguchi ngay lập tức tìm chỗ ẩn náu. Gia đình ông gặp nguy hiểm, ông tìm thấy họ ẩn nấp trong đống đổ nát của nhà mình. May mắn là không ai bị thương nặng. Cả ba người đi đến hầm trú ẩn, nơi họ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp của bức xạ từ Fat Man. Yamaguchi bị rụng tóc, vết thương ở Hiroshima liên tục nhiễm trùng và hoại tử, đồng thời ông bị nôn mửa, nhưng ông vẫn sống sót.

Cuộc đời của Yamaguchi dần trở lại bình thường. Ông sống ẩn dật, làm việc với quân đội Mỹ trong thời gian họ đóng quân tại Nhật Bản. Yamaguchi nằm trong nhóm "hibakusha", những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử, nhận được hỗ trợ tài chính và y tế cho tình trạng của mình. Tuy nhiên, Yamaguchi chỉ đăng ký trạng thái hibakusha cho vụ nổ đầu tiên ở Hiroshima.

Khi Yamaguchi già đi, ông bắt đầu phải chịu đựng những vấn đề sức khoẻ do bức xạ gây ra, đồng thời cảm thấy chính phủ nên biết về câu chuyện độc nhất của mình. Vào tháng 1/2009, Yamaguchi đệ đơn xin công nhận là hibakusha kép. Ông được Nhật Bản công nhận sau đó hai tháng, trở thành người duy nhất trong lịch sử sống sót sau cả hai cuộc tấn công hạt nhân.

Một năm sau khi được công nhận là người sống sót kép, ngày 4/1/2010, Yamaguchi qua đời vì ung thư dạ dày ở tuổi 93.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN