(Baonghean.vn)  - Có 2 bà vợ, 14 đứa con là "kỷ lục" được thiết lập bởi ông La Văn Liệu ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn huyện Con Cuông (Nghệ An). Ông Liệu được cho là người đàn ông đông con nhất của cộng đồng Đan Lai.

Ở tuổi 58 nhưng La Văn Liệu vẫn còn sức vóc của môt tráng điền. Dù đã có tuổi, vẻ ngoài khắc khổ, nhưng mái tóc vẫn đen nhánh. Ông Liệu cho biết từ ngày còn trẻ đến giờ luôn thích để tóc dài. Để tóc dài cũng là cách không ít đàn ông Đan Lai và Tày Poọng ở Nghệ An thể hiện cá tính phái mạnh.

CoPhat1.JPG
Chân dung người đàn ông đông con nhất cộng đồng Đan Lai.

Trước kia người Đan Lai cư trú ở vùng rừng núi hẻo lánh thuộc các xã Châu Khê, Môn Sơn, Lục Dạ huyện Con Cuông. Nhưng địa bàn này khá biệt lập với thế giới bên ngoài, nay những vùng đất này đều thuộc vùng lõi của Vườn Quốc Gia Pù Mát. Người Đan Lai được biết đến là cộng đồng có tục “ngủ ngồi”, ngủ trên cây để tránh thú dữ. Nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn còn tồn tại ở cộng đồng này.

Từ hơn 10 năm nay, theo chính sách bảo tồn tộc người Đan Lai của chính phủ Việt Nam, một bộ phận cộng đồng này được “di dời” ra cư trú cạnh người Thái ở bản Tân Sơn, Cửa Rào (xã Môn Sơn), bản Thạch Sơn xã Thạch Ngàn huyện con Cuông. Một bộ phận khác cư trú khá lâu dài ở bản Châu Sơn xã Châu Khê.

Bữa sáng trong gia đình ông La Văn Liệu phải "tổ chức" 2 mâm mới đủ chỗ cho cả gia đình.

“21 tuổi, tức là vào năm 1979, tôi kết hôn vời bà La Thị Hường, người cùng bản.”, ông Liệu chia sẻ. Khi đó bà Hường mới 17 tuổi. Hai người sinh được 13 người con. Theo bà Vi Thị Kỷ, người vợ thứ 2 của ông Liệu thì hai người gặp nhau và “nên duyên trời định” từ năm 1981 và có với nhau 1 người con trai. Người phụ nữ nhiều hơn chồng 3 tuổi cho biết bản thân cảm thấy “vui vẻ” khi làm vợ thứ 2 của ông Liệu, mặc dù không có giấy tờ hôn thú.

Theo những người dân sống trong bản Cò Phạt lâu năm thân thiết với gia đình ông Liệu thì cả 2 bà sống rất hòa thuận. Người ta tin rằng nhờ “bùa ngải”, 2 người vợ mới chung sống “hòa bình” được với nhau. Tuy nhiên bà Vi Thị Kỷ lại chẳng tin vào điều này. “Trời đã cho tôi xuống là vợ hai của ông ấy”- bà Kỷ quả quyết.

Trong thời gian 35 năm chung sống cùng 2 người vợ, ông Liệu đã dựng vợ gả chồng cho 9 người con. Đứa bé nhất hiện mới 6 tuổi và đang học lớp 1. Khi được hỏi, về tổng số con cháu của mình, người đàn ông “đa thê”, có lẽ là duy nhất của cộng đồng Đan Lai cho biết hiện không thể nhớ được. 

Trong căn nhà nhỏ ông Liệu và 2 bà vợ cùng các con mình sống rất hoà thuận, vui vẻ.
Một thửa ruộng của gia đình ông Liệu ở bản Cò Phạt

Đông con, nhưng cuộc sống của ông Liệu và 2 bà vợ có vẻ khá lạc quan. Người đàn ông sống bằng nghề hái lượm tự nhiên và bốc thuốc nam hiện đang dựng ngôi nhà gỗ to bậc nhất ở bản Cò Phạt cho biết việc nuôi được đàn con là chuyện không hề đơn giản. Đó cũng là lí do khiến sau hơn 35 năm lập gia đình, ông mới làm được ngôi nhà gỗ cho riêng mình.

Ông La Văn Linh, Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt chia sẻ: Do đồng bào Đan Lai lâu nay sống trong rừng sâu nên không được tiếp cận đầy đủ các chính sách dân số, các biện pháp kế hoạch hoá gia đình nên hầu hết đẻ nhiều. 

Tộc Đan Lai có nguồn gốc từ người Kinh, chủ yếu là dòng họ La. Theo như lời kể của các già làng thì dòng họ này vốn dĩ chạy trốn sự ác bá của bạo chúa miền Hoa Quân (nay thuộc Thanh Chương, Nghệ An). Dòng họ La phải tìm cho ra 100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền chèo liền mái, nếu không sẽ bị thảm sát cả họ.

Những thứ trên là hoàn toàn không thể có. Cả làng họ La gồng gánh nhau trốn chạy lên núi, họ chạy mãi, mãi mãi đến khu rừng thượng nguồn con sông Giăng, nơi không còn nghe thấy tiếng người mới dám dừng chân - một bộ tộc mới ra đời từ đây.

Bun My

TIN LIÊN QUAN