Hám tiền, xách thuê ma túy
Chiều 13/8, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị đã bàn giaoVi Văn Học (SN 1964, quê thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn) cho cơ quan chức năng điều tra theo thẩm quyền. Học là đối tượng đã trốn truy nã ròng rã 26 năm qua.
Thiếu tá Hoàng Chí Hiếu – Phó trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) cho biết, Vi Văn Học là đối tượng trốn nã khiến cho lực lượng trinh sát mất rất nhiều thời gian, công sức. Bởi từ khi bị cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định truy nã, Học chưa hề một lần về thăm nhà hay liên lạc với người thân. Vì thế, những thông tin về Học đều rất mơ hồ, khó xác định.
Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Vi Văn Học là rạp trưởng chiếu bóng huyện Kỳ Sơn. Công việc vác máy chiếu đi khắp vùng biên giới đã khiến Học làm quen với Phu My – một trùm ma túy người Lào. 2 người chơi thân với nhau đến nỗi những chuyện bí mật đều được chia sẻ.
Sau một thời gian, Phu My đặt vấn đề thuê Học xách ma túy từ biên giới xuống TP Vinh để bán. Phu My hứa sẽ trả tiền công hậu hĩnh cho bạn, với mỗi chuyến có thể lên tới hàng triệu đồng. Thời điểm đó là số tiền quá lớn, nếu so với mức thu nhập của việc đi làm chiếu bóng thì cao gấp hàng chục lần. Thấy quá hời, Học đồng ý.
Ngày 11/7/1992, Phu My giao cho Học 1 túi chứa 13,2kg thuốc phiện và cho ứng trước 200 nghìn đồng để vận chuyển “hàng” từ Kỳ Sơn xuống TP Vinh. Đến ngày 15/7, Phu My sẽ có mặt tại TP Vinh để nhận hàng trước khi giao cho khách.
Học mang theo số ma túy trên cùng chiếc máy chiếu phim hỏng xuống TP Vinh. Sau khi mang máy hỏng đến xưởng sửa chữa, Học đưa ma túy đến nhà bạn xin ở nhờ và cất giấu. Đến ngày 15/7, do Phu My chưa tìm được khách mua nên vẫn nhờ Học nán lại ở TP Vinh để giữ hàng.
Sau nhiều ngày lang thang ở TP Vinh, nhờ các mối quan hệ, Học bắt được mối mua "hàng". Sau khi bàn bạc, 2 bên thống nhất sẽ mua số ma túy trên với giá 850.000 đồng/kg và hẹn ngày giao hàng.
Ngày 17/7/1992, Học mang 8 gói thuốc phiện đi giao cho khách theo địa điểm đã hẹn. Trước khi đi, Học bí mật giấu 2 gói thuốc phiện với mục đích riêng. Nhưng khi đang trên đường đến điểm hẹn thì y bị Công an TP Vinh bắt quả tang, thu giữ số thuốc phiện trên.
Trong quá trình điều tra, Vi Văn Học tìm cách bỏ trốn. Từng có thời gian dài sống bám dọc đường biên giới nên Học thông thuộc đường đi lối lại. Lo sợ cảnh sát bắt nên Học băng rừng, lội suối trốn một mạch sang Lào. Năm 1998, cơ quan cảnh sát điều tra phát lệnh truy nã toàn quốc đối với Vi Văn Học.
Đầu thú vì... nhớ mẹ
Thời gian ở Lào, Học thay tên đổi họ và sống dưới vỏ bọc là một người đi làm ăn. Với họ tên giả, Học nhập được quốc tịch Lào, từ đó làm quen và kết hôn với một người phụ nữ địa phương. Do bản tính chịu khó nên Học chiếm được cảm tình của người dân xung quanh.
Nhiều năm sau, Học thông qua nhiều mối quen biết nên xin được đi làm lái xe tuyến Viên Chăn – Hà Nội. Dù vậy, Học không dám trở về quê nhà để thăm gia đình, vợ và 2 đứa con. Về sau, tích lũy được một số vốn, Học chuyển sang kinh doanh vật liệu xây dựng và làm ăn có hiệu quả.
Theo Thiếu tá Hoàng Chí Hiếu, do Vi Văn Học quen biết nhiều đối tượng hình sự, cộng với sự cảnh giác cao độ nên rất nhiều lần các trinh sát tìm cách tiếp cận để xác minh đều thất bại. Tuy nhiên, với quyết tâm bắt Học phải về quy án vì những hành vi phạm tội của mình, các trinh sát vẫn không bỏ cuộc.
Các trinh sát bắt đầu tiếp cận nhiều hơn với anh em, vợ con của Học hiện đang sống ở Kỳ Sơn. Sau quá trình vận động, thuyết phục, người anh trai của Học đồng ý thuyết phục em trai trở về đầu thú. Tuy nhiên, việc thuyết phục một người trốn truy nã hơn 26 năm, đã lập gia đình mới với một cuộc sống ổn định là điều không dễ dàng.
Những ngày ở bên Lào, người anh trai của Học đã kể về mẹ. Người mẹ của 2 anh em năm nay đã hơn 90 tuổi, sức khỏe đã kém. Suốt 26 năm qua, bà vẫn đau đáu, ngóng trông về người con trai 26 năm chưa một lần gặp lại. Nguyện vọng của bà là trước khi về với tổ tiên, được gặp lại đứa con này là mãn nguyện. Nghe đến đây, Học khóc nức nở như một đứa trẻ thơ và ôm chầm lấy anh.
Sau cuộc nói chuyện đó, Học đồng ý trở về Việt Nam đầu thú, nhưng với điều kiện là được ghé qua nhà, được thăm người mẹ của mình. “Tôi nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ cha mẹ. Có những lần về đến thị trấn Mường Xén nhưng không dám đến gần nhà. Nhiều khi nghĩ mình chỉ cần đủ dũng cảm để bước qua cánh cổng vào nhà là có thể gặp lại những người thân yêu nhưng sợ bị bắt nên vội vã quay ngược sang Lào”, Vi Văn Học chia sẻ tại cơ quan công an.
Ngày 12/8, sau khi hoàn tất hồ sơ, PC52 Công an tỉnh Nghệ An đã bàn giao Vi Văn Học cho đơn vị liên quan để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật. Với vẻ mặt bình thản, Vi Văn Học đoán được điều gì đang chờ đợi mình phía trước.