Chiếc xe lăn cũ kỹ là người bạn đồng hành cùng ông Tân vượt qua biết bao gian khó. Ảnh: Lê Thảo
Chiếc xe lăn cũ kỹ là người bạn đồng hành cùng ông Tân vượt qua biết bao gian khó. Ảnh: Lê Thảo

Học bước đi bằng tay  

Trong căn nhà cấp 4 chỉ vỏn vẹn 15m2 với nền đất ẩm ướt, những vết bùn đất loang lổ quanh tường do cơn lũ đợt nửa cuối năm ngoái, âm thanh máy xay bột vẫn nổ đều đặn xen lẫn với tiếng xèn xẹt của chiếc máy khâu.

Nghe tiếng khách đến, ông Tân đẩy cánh cửa gỗ lâu năm ọp ẹp, xỏ vội hai bàn tay vào chiếc dép tổ ong đã ngả màu vàng đất. Ông đi dép bằng tay. Đôi chân ông co quắp lại, bắt chéo thành hình chữ V. Ông bò đi từng bước một với đôi tay xỏ dép “gánh việc” cho hai chân bại liệt đã chai sạn sần sùi.

Tay rót bát chè xanh còn ấm nóng, ông Tân xúc động kể lại cuộc sống đầy cơ cực từ thuở mới lọt lòng của mình.

Ông sinh năm 1958, khi hơn 1 tuổi vừa chập chững những bước đi đầu tiên trong đời thì bị sốt nhiều ngày. Ban đầu, bố mẹ ông chỉ nghĩ trẻ con thì nóng sốt là chuyện thường tình, nhưng sau nhiều ngày không thuyên giảm, bố ông mới tá hỏa đưa con ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Trên chiếc xe đạp cũ, bố ông đã cuống cuồng, gò lưng đạp chở theo cậu con trai nhỏ vượt hàng trăm cây số những mong chữa trị kịp thời. Nhưng tất cả đã muộn. Lại thêm gia cảnh quá nghèo, ngày qua ngày phải nhờ vào gộc sắn, khoai mót thì lấy đâu ra tiền để chữa trị bệnh. Mọi người nuốt nước mắt nhìn chân đứa con trai teo dần đến bại liệt.

Ngày đó, cậu bé Tân quá nhỏ để hiểu được những gì đã xảy ra và sẽ đến xung quanh cuộc đời mình. Rồi Tân cũng lớn và đành chấp nhận cuộc sống có chân nhưng không thể đi. 

Dù bị bại liệt nhưng Tân luôn ước mơ được đến trường, và ngày đó chiếc xe lăn đối với ông là một giấc mơ xa xỉ. Vì thế hàng ngày, bố mẹ ông vẫn thay nhau cõng ông đến trường. Đến năm lên cấp 3, trường quá xa, con đường đến trường đã cực khổ nay càng khó hơn, ông đành ngậm ngùi bỏ học, ở nhà 

Vượt lên số phận

Bằng cách tự học, ông Tân trở thành người may vá giỏi trong làng. Ảnh: Lê Thảo

Mặc dù không thể đi lại bằng hai chân như những người bình thường nhưng tinh thần học tập, ý chí vượt khó trong ông Tân chưa bao giờ nguội tắt. Năm 8 tuổi, ông đã tự học cách đan lát. Qua những lần bò sang nhà hàng xóm chơi, ông thấy họ vót từng thanh tre, chẻ từng sợi mây, ông về nhà cũng học cách làm. Lâu dần, ông đan được cái rổ, cái mẹt, cái thúng đem ra chợ bán lấy tiền phụ bố mẹ.

Ông Tân bắt đầu làm quen với nghề đan lát lúc 8 tuổi, nay ông vẫn làm khi khách yêu cầu. Ảnh: Lê Thảo

Năm 25 tuổi, ông học thêm nghề may vá. Ban đầu ông học từ những người thợ may gần nhà, nhưng dần dần họ cũng xua đuổi vì sợ… mất nghề. Ông lại đành đan mẹt, thúng kiếm tiền mua sách tự học may vá. Ban đầu ông làm những việc nhỏ như tra cúc, sửa lại phéc - mơ - tuya. Có những hôm hết đồ nghề để học, ông lại tự bò bằng hai tay đến các cửa hàng may xin đồ để về thực hành. 

Thấy ông đam mê nghề may, bố mẹ ông vay mượn họ hàng mua cho chiếc máy may để mong sao ông có thể kiếm được cái nghề cầm tay. Nhờ đó tay nghề ngày càng được nâng cao, người ta tìm đến ông nay may cái áo, mai sửa cái quần ngày một nhiều. Vậy là thêm một lý do để ông vui sống. 

Năm 1994, người em ruột Nguyễn Bá Nghĩa mua cho ông một chiếc xe lăn kiểu lắc tay. Chiếc xe như người bạn nâng đỡ ông: “Từ ngày có chiếc xe, tôi vui lắm cô ạ, tôi có thể tự đi xuống huyện lấy hàng về may vá chứ không phải đi vay, đi xin của các hàng khác nữa. Bây giờ xe lăn nhiều kiểu, đẹp lại tiện, ai cũng nói tôi vứt quách cái xe cọc cạch, nhưng tôi xem nó như người bạn rồi không bỏ đi được. Mua xe mới tốn tiền, tiền đó để cho con cái thêm cái chữ cô ạ” - ông Nguyễn Bá Tân cười mãn nguyện. 

Dân làng gọi ông Tân là người đa năng. Ông có thể may vá, đan lát, làm hương trầm, lại còn mở thêm nghề xay xát. Ảnh: Lê Thảo

Học may vá thành thạo, năm 1994 có xe đi lại, ông Tân mò mẫm học thêm nghề xay bột khô. Nhờ vào số tiền tích góp được cộng với tiền vay hàng xóm được 1,5 triệu đồng, ông mua một chiếc máy xay bột. Người dân trong làng chẳng còn phải đi đâu xa mà chỉ việc đến nhà ông Tân là có bột mang về cho gà, cho vịt hay làm bánh. Những nhà đưa bột đến xay nếu chưa kịp sàng sảy sạn, ông lại cẩn thận làm sạch rồi mới đem xay. Khách hàng hài lòng lắm.  

Không chỉ đan lát, may vá, xay bột ông còn kiêm luôn nghề làm hương. Năm 2000, sau khi xem cách làm hương từ một người bạn, về nhà ông mày mò mua sách về tự học. Những dịp lễ Tết, người ta đến xay bột làm bánh tiện thể mua hương. Ông chú trọng chọn nguyên liệu tự nhiên để làm hương nên cũng được lòng bà con trong vùng. “Làm hương thì đồng lãi nó cũng giữ đồng vốn, nhưng thêm nghề thêm vui, mình làm nghề giúp mình lại giúp được bà con, hàng xóm” - ông Tân chia sẻ.  

Người chồng, người cha mẫu mực

Phút giây hạnh phúc của vợ chồng ông Tân và vợ. Ảnh: Lê Thảo

Tôi được gặp vợ ông Tân - bà Lương Thị Từ (SN 1957) khi bà vừa quảy gánh cỏ về nhà. Vợ chồng nhìn nhau với ánh mắt, nụ cười tràn đầy hạnh phúc khiến cho người ngoài cảm nhận có một tình yêu lớn giữa hai người. 

Năm 1992, một lần qua nhà ông Tân mua thúng đựng cỏ, nhìn thấy người đàn ông mặc dù bị bại liệt hai chân nhưng vẫn thoăn thoắt đan từng thanh tre, sợi mây, bà  Từ đem lòng mến phục. Nhưng tình yêu đó đã bị gia đình của bà cấm đoán. “Hồi đó, anh trai tôi nói tôi có lấy thì lấy người bình thường, ai lại đi lấy người què” - bà quệt giọt nước mắt nhớ lại. Nhưng đã trót yêu người đàn ông đa tài, giàu nghị lực, cô gái Lương Thị Từ nhất quyết quyết định cuộc đời mình. Một đám cưới không một bữa cơm mừng hạnh phúc, không một lời chúc phúc thay vào đó là sự ngoảnh mặt từ con, từ em của những người ruột thịt trong gia đình.

Từ ngày lấy nhau, thấu hiểu cho vợ, ông Tân luôn cố gắng vun đắp gia đình, ông đỡ đần bà từ việc chăm gà, lợn, nấu cơm canh. Ông còn học cách nấu rượu giúp cho vợ. Mùa gặt, chẳng thể ra đồng gánh lúa, ông lại ngồi bệt xuống cạnh chiếc máy tuốt, khóm từng bó lúa chuyền tay cho vợ, đỡ vợ phải cúi xuống lại thêm cái đau lưng. 

Kết quả của tình yêu đẹp ấy là 3 cô con gái vừa hiền lành lại chăm ngoan, học giỏi, nhiều năm liền là học sinh xuất sắc, được tặng Bằng khen của tỉnh Nghệ An và đỗ vào các trường đại học top đầu cả nước. 

“Có hôm Nguyên (con gái út) đi học về, thấy tui đang cắt chuối cho gà ăn, nó nói để nó mần nhưng thôi nó đi học về mệt, tui bảo nó nghỉ đi để cha làm nốt, tui thương lắm, tôi cũng hạnh phúc vì có các con” - gương mặt người đàn ông như sáng lên trong gian nhà hẹp. 

Ngày được tin con gái lớn đỗ vào Trường Cao đẳng Kinh tế, ông tự lăn chiếc xe cọc cạch hơn 10 cây số xuống huyện làm giấy tờ cho con nhập học. Trời mưa, đường lầy lội đẩy mãi xe mới đi, tối về tay ông lại đau nhức nhưng ông vui vì con ông học giỏi, trưởng thành. Rồi đứa thứ hai đỗ vào Học viện Tài chính, đứa thứ ba đỗ Đại học Dược Hà Nội, vẫn trên chiếc lăn cũ ông lại lăn hơn 10 cây số làm giấy tờ nhập học cho con. 

Ông đang tính hôm nào cô con út về thì học thêm nghề sửa chữa đồ điện. Ông nói rằng có thêm nghề là thêm cuộc sống mới, có cái nghề thì vợ con mới có cuộc sống ấm áp, no đủ hơn. 

Chia tay bữa cơm đạm bạc với canh cà, dưa muối cùng gia đình ông, tôi trở về mang theo những ấm áp và sự khâm phục cho người đàn ông với nụ cười rạng rỡ , bằng nghị lực đã vững vàng trên đôi tay của mình.