Chính sách nhân văn

Từng là chi hội trưởng chi hội phụ nữ ở địa bàn mình sinh sống, tháng 5/2005, bà Phan Thị Hà (SN 1966) cùng chồng là ông Nguyễn Văn Bình (SN 1963) ở khối 3, thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc) tham gia Bảo hiểm xã hội nông dân.

Năm 2009, khi Bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An được chuyển đổi sang Bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Quyết định 41/2009/QĐ-TTg, trong khi nhiều người từng tham gia Bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An không tiếp tục tham gia để nhận Bảo hiểm xã hội 1 lần thì sau khi nghe tư vấn của cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Nghi Lộc, vợ chồng bà Hà quyết định tiếp tục tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, với mức đóng là 100.000 đồng/tháng. Đến tháng 4/2022, đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm tham gia Bảo hiểm xã hội, bà Phan Thị Hà quyết định đóng thêm 1 lần 3,5 triệu đồng cho 35 tháng còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Từ đó đến nay, bà Phan Thị Hà đều đặn được nhận lương hưu hơn 917.000 đồng/tháng. Số tiền tuy không lớn nhưng giúp bà vừa có chi tiêu cuộc sống hàng ngày. Bà Hà cho hay, mình thấy rất may khi không rút Bảo hiểm xã hội 1 lần, vì như thế là rất thiệt thòi cho bản thân.

Bà Phan Thị Hà ở khối 3, thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc) với giấy nhận lương hưu từ tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ảnh: Minh Quân

“Sau khi nghỉ công tác hội phụ nữ, tôi làm nghề buôn bán tự do hơn chục năm nay. Nhưng nhờ tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện nên những trường hợp như tôi vẫn được hưởng lương hưu hàng tháng để trang trải các chi phí trong cuộc sống. Ngoài ra, tôi còn được chăm sóc sức khỏe bằng thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí, rất an tâm khi tuổi già, sức yếu không phải phụ thuộc, trở thành gánh nặng cho con, cháu”, bà Phan Thị Hà chia sẻ.

Cùng ở thị trấn Quán Hành, từng là công nhân cơ khí, cách đây hơn 20 năm, ông Phạm Đình Nhi (SN 1962), nghỉ hưu theo Quyết định 176/HĐBT. Sau đó, ông Nhi tham gia Bảo hiểm xã hội nông dân rồi tiếp tục tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Từ tháng 11/2022, khi đã đủ 60 tuổi 6 tháng, ông được nhận lương hưu hằng tháng và được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí đến trọn đời. Theo ông Nhi, Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước mà mỗi người dân cần nắm được, từ đó có cơ hội được thụ hưởng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Được hưởng lương hưu từ tháng 3/2023, bà Trần Thị Châu ở khối 10, phường Trường Thi (thành phố Vinh) cho biết, bà tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện từ tháng 5/2010.

Làm nghề buôn bán nhỏ, năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, thu nhập bấp bênh, đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn, bà Châu có ý định rút Bảo hiểm xã hội 1 lần. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh giải thích rõ về quyền lợi khi nhận lương hưu hàng tháng và những thiệt thòi khi nhận Bảo hiểm xã hội 1 lần, bà Châu đã suy nghĩ lại và quyết định tiếp tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng lương hưu.

“Tháng 3 vừa qua, khi đến tuổi nghỉ hưu, tôi đã đóng 1 lần cho số năm tham gia còn thiếu để được nhận lương hưu. Đến nay, tôi đã nhận lương hưu với mức 1.853.000 đồng/tháng. Số tiền này tuy không nhiều nhưng giúp tôi trang trải cuộc sống, chủ động về kinh tế và vui hơn nữa là tôi có thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí”, bà Châu chia sẻ.

Thực tế trong khi có nhiều người đã tham gia Bảo hiểm xã hội nhiều năm nhưng vừa qua lại lựa chọn rút 1 lần, cũng có không ít trường hợp như bà Phan Thị Hà, ông Phạm Đình Nhi, bà Trần Thị Châu… lại lựa chọn tiếp tục tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện để được nhận lương hưu, bởi họ hiểu rất rõ không có nguồn thu nhập ổn định, lại đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe khi về già sẽ mang đến nỗi lo rất lớn cho bản thân và gia đình.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An, số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh đến nay là hơn 105.160 người, bằng 6,59% lực lượng lao động.

Hội viên nông dân huyện Anh Sơn được tuyên truyền về chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế. Ảnh: Thái Hiền

Những năm qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các nhóm đối tượng tại cơ sở để tư vấn, đối thoại về chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức hội nghị tư vấn, đối thoại về chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho nông dân các xã, phường, thị trấn; công nhân các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh; công khai các thủ tục, mức đóng, phương thức đóng và quyền lợi được hưởng khi tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nhờ đó, Nghệ An được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Khắc phục những khó khăn

Theo quy định hiện hành, người tham gia Bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên thì đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu, sẽ được giải quyết hưởng lương hưu hàng tháng. Với trường hợp đóng Bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, người lao động có thể đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đủ số năm, hoặc đóng 1 lần cho số năm còn thiếu (tối đa 10 năm) để có lương hưu. Lương hưu được chi trả hàng tháng, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người hết tuổi lao động. Mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu, định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống người hưởng.

Người dân phường Trường Thi (TP. Vinh) được tư vấn về Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế. Ảnh: Đình Tuyên

Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu, lần gần nhất là từ đầu năm 2022, và dự kiến từ ngày 1/7/2023 sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng với một số nhóm đối tượng đang nhận lương hưu. Người nhận lương hưu còn được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí, được hưởng các quyền lợi khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trọn đời. Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả với mức hưởng 95% (cao hơn mức hưởng trung bình của người tham gia Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình). Trường hợp người nhận lương hưu không may qua đời, thân nhân sẽ được hưởng chế độ mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở và thân nhân còn được chi trả chế độ tuất 1 lần hoặc hàng tháng với nhiều quyền lợi.

Theo ý kiến của nhiều người đã, đang tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, thực tế trong công tác Bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay còn một số khó khăn. Đó là thời gian tham gia đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện quá dài (thời gian đóng đủ 20 năm), nên chăng giảm xuống khoảng 15 năm. Trước mong muốn này, cán bộ ngành Bảo hiểm xã hội, Bưu điện và các tổ chức dịch vụ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cũng cố gắng để tuyên truyền cho người dân về lộ trình giảm đóng Bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết 28 mà cơ quan chức năng đang bàn thảo để người dân yên tâm.

Một khó khăn nữa, là do đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện hầu hết là lao động tự do, người làm nông nghiệp, thu nhập không cao và không ổn định, hiện phần lớn người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện chọn mức đóng dưới 1,5 triệu đồng/tháng, nên việc nâng mức chuẩn nghèo từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng từ năm 2022 đã ảnh hưởng đến việc tiếp tục tham gia cũng như phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội tự nguyện mới.

Do đó, để thu hút người dân tham gia, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thêm phần đóng và giảm thời gian đóng theo như dự thảo mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thêm nhiều đợt tuyên truyền để người dân hiểu đúng, đủ về chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm y tế hộ gia đình, từ đó, tích cực và tự nguyện, yên tâm tham gia, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời giảm thiểu tình trạng ồ ạt rút bảo hiểm xã hội 1 lần như thực trạng nhiều tỉnh, thành đang diễn ra hiện nay./.