Với quy định mới của Thông tư 26, nhiều người có nhu cầu mua nhà ở đang lo lắng mình sẽ không vay được vốn, kế hoạch mua nhà bị đổ bể. Còn các chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường bất động sản khó “bùng nổ” dịp cuối năm.

Người dân 'khó' tiếp cận vốn đối với nhà ở hình thành trong tương lai? ảnh 1
 

Kế hoạch mua nhà của nhiều người dân sẽ đổ bể nếu không tiếp cận được nguồn vồn vay. Ảnh: Chí cường

Nhiều người bị từ chối cho vay

Thông tư 26/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về thủ tục thế chấp và giải chấp tài sản là dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai đang khiến dư luận xôn xao. Nhiều người lo lắng, người mua nhà ở hình thành trong tương lai sẽ khó được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, cũng như vốn từ ngân hàng thương mại khi mua nhà ở hình thành trong tương lai do chủ đầu tư đã thế chấp để thực hiện dự án từ trước đó.

Khoản 5, Điều 3 của Thông tư 26 quy định: “Trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khi thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở đó chỉ được thế chấp phần dự án không bao gồm nhà ở hình thành trong tương lai này”.

Khoản 6, Điều 3 của Thông tư này cũng quy định: “Trường hợp đã thế chấp quyền tài sản liên quan đến dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai thuộc diện được thế chấp theo quy định của pháp luật thì không thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai đó theo quy định tại Thông tư này”.

“Tôi đã chọn được căn hộ là nhà ở xã hội ưng ý để mua sau 15 năm lập gia đình. Vợ chồng tôi khá lận đận trong việc làm thủ tục để vay gói 30.000 tỷ đồng. Nhưng khi làm xong thủ tục thì nhân viên ngân hàng cho biết theo Thông tư 26 của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi không thuộc diện được vay vốn nữa vì dự án bất động sản nơi chúng tôi đặt mua căn hộ đã được chủ đầu tư thế chấp khi nó chưa hình thành. Theo đó, người mua nhà ở dự án này sẽ không được đặt căn hộ để vay thế chấp nữa, trừ khi chủ đầu tư trả hết nợ về khoản vay nhà hình thành trong tương lai trước đó cho ngân hàng. Chúng tôi không biết xoay sở thế nào để mua nhà nếu không vay được vốn”, chị Chu Thị Thanh (phố Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Chị Thanh cho rằng, việc quản lý nợ xấu là rất cần thiết. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ người khó khăn về nhà ở. Không nên từ chối người mua nhà vì chủ đầu tư đã hưởng trước quyền lợi vì đương nhiên người mua nhà là “người đi sau”. “Vợ chồng tôi đều làm công nhân, thu nhập chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng, nuôi một mẹ già, hai con học trung học phổ thông và trung học cơ sở. Điều kiện sống hiện nay khá chật chội, vợ chồng tôi và vợ chồng anh trai chồng ở chung một thổ đất 30m2 với diện tích sử dụng của hai hộ gia đình 9 người chỉ 54m2. Ngày mới cưới, mẹ chồng hiểu ý cứ hôm nay ngủ chỗ này, ngày mai lại ngủ chỗ khác. Nghĩ lại thấy tội lắm”, chị Thanh thổ lộ.

Anh Phạm Văn Giang (phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) than thở: “Năm ngoái, vay mượn mãi vợ chồng tôi mới đủ đóng tiền mua nhà đợt 1. Cuối tháng 1 này lại đến hạn đóng đợt 2 nhưng chỗ nào vay được thì đã vay hết cả. Ra ngân hàng làm thủ tục vay vốn thì được nhân viên ngân hàng cho biết, chủ đầu tư đã sử dụng hết quyền được vay vốn của dự án, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai từ trước đó. Bây giờ chúng tôi đang không biết xoay ở đâu ra tiền để đóng tiếp tiền mua nhà”.

Anh Giang cho biết, anh đã làm xong hết hồ sơ và thủ tục vay gói 30.000 tỷ đồng nhưng đi đến một số ngân hàng… đều bị từ chối. Nhân viên ngân hàng giải thích rằng theo quy định mới họ chỉ nhận thế chấp bằng tài sản khác chứ không thế chấp bằng chính căn hộ đang mua vì quyền lợi này chủ đầu tư đã sử dụng trước đó.

Vẫn giải ngân bình thường?

Trả lời về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng vẫn giải ngân bình thường và người mua nhà vẫn có thể vay khi đủ điều kiện quy định. Thông tư 26 của Ngân hàng Nhà nước là nhằm mục đích quản “nợ xấu” phát sinh.

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trịnh Thị Hiền, Văn phòng Luật sư Hiền Nguyên (Hà Nội) phân tích, thực tế có một số dự án bất động sản thường được chủ đầu tư sử dụng làm tài sản đảm bảo để vay tiền ngân hàng. Giá trị dự án khi chưa khởi công chủ yếu là giá trị quyền sử dụng đất. Có ngân hàng cho vay dựa trên việc thẩm định quyền sử dụng đất và cả tài sản hình thành trên đất trong tương lai, nhưng cũng có ngân hàng chỉ cho vay dựa trên giá trị quyền sử dụng đất.

Khi khởi công xây dựng dự án, các chủ đầu tư đã rao bán căn hộ hoặc biệt thự xây dựng trên nền đất đó. Ngân hàng lại cho khách mua dự án nhà ở của dự án này vay tiền để mua nhà, căn hộ. Như vậy, một dự án được thế chấp vay vốn hai lần cho hai đối tượng vay khác nhau, ngân hàng cho rằng việc sử dụng tài sản thế chấp như vậy là rủi ro. Nếu chủ đầu tư dự án đã được ngân hàng cho vay, thì phải trả hết nợ cho ngân hàng, ngân hàng mới cho người mua nhà vay. Ngân hàng phải “nắm đằng chuôi” vì việc xử lý nợ xấu đang ráo riết.

Ông Nghiêm Chí Mỳ, nguyên Viện trưởng Viện Phân tích kinh tế xã hội Hà Nội cũng cho rằng, ngân hàng càng thận trọng thì các nhà kinh doanh bất động sản càng gặp nhiều khó khăn. Chủ đầu tư không vay được tiền thì dự án khó triển khai và ngân hàng không hỗ trợ khách mua căn hộ khi chủ đầu tư chưa trả hết nợ thì dự án sẽ rất khó bán. Theo đó, việc bán sản phẩm hình thành trong tương lai là căn nhà, căn hộ sẽ có khả năng bị ách tắc ngay trong dịp cuối năm này.

Theo Gia đinh.net

TIN LIÊN QUAN