Những ngày qua, toàn bộ diện tích đất bãi ven sông Lam ở Đô Lương ngập sâu, trong đó có gần 300 ha dâu. Vì không thể có lá dâu, nhiều hộ trồng dâu nuôi tằm ở Đô Lương không khỏi xót xa khi phải tự tay mình đổ bỏ những nong tằm do chính mình vất vả chăm sóc.
Chị Nguyễn Thị Lan ở xã Ngọc Sơn - là xã đầu nguồn sông Lam chảy qua địa phận Đô Lương buồn rầu nói: “Gia đình nuôi 5 nong tằm đang đến độ ăn lên, nay nước sông ngập băng, không có lá dâu cho tằm ăn nên tằm cứ yếu dần rồi chết...".
Hiện, nhiều xã có truyền thống nuôi tằm ở huyện Đô Lương như: Ngọc Sơn, Lam Sơn, Thuận Sơn, Bắc Sơn, Đặng Sơn… cùng chung cảnh ngộ.
Dâu bãi 2 bên sông Lam ngập chìm trong nước. Ảnh: Ngọc Phương Tại xã Đặng Sơn có 20 ha dâu bị ngập, 65 hộ nuôi tằm của xã dự tính năm nay sẽ đạt 8 tấn kén, nhưng từ nay đến hết năm sẽ không nuôi được tằm nữa. Theo ông Hoàng Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND xã, đợt này nếu nước rút cũng phải đến 3 tháng sau dâu mới phát triển lại được, tuy nhiên, lúc đó đã sang mùa đông giá lạnh không thể nuôi tằm được nữa, buộc phải chờ sang năm 2019.
Nhiều hộ gia đình đã phải xếp nong tằm, đợi đến sang năm mới nuôi trở lại. Ảnh: Ngọc Phương Hàng năm, người dân Đô Lương nuôi tằm nếu thuận lợi sẽ nuôi được từ 12 - 13 lứa. Giá bán kén trung bình 70.000 đồng/kg, tằm tươi làm thực phẩm 60 nghìn đồng/kg. Riêng bà con xã Ngọc Sơn mất khoảng 700 kg kén trong đợt này; xã Đặng Sơn thất thu trên 1 tấn kén. Toàn huyện mất từ 8 - 10 tấn kén; chưa tính đến những thiệt hại do không nuôi được tằm từ nay đến cuối tháng 11.
Theo tính toán của bà con nông dân, thu nhập từ nghề trồng dâu nuôi tằm cũng khá cao, đối với bãi dâu trồng xen canh ngô, đậu, lạc, vừng bình quân đạt 120 triệu đồng/ha dâu/năm. Đối với diện tích trồng dâu không xen canh do sản lượng lá dâu đạt cao nên có thu nhập từ 180 - 200 triệu đồng/năm.
Tằm chết, xưởng ươm tơ đã dừng hoạt động. Ảnh: Ngọc Phương Không có tằm, đồng nghĩa với việc hàng chục xưởng ươm tơ trên địa bàn huyện Đô Lương phải ngừng hoạt động. Trung bình một tháng mỗi xưởng ươm tơ trên địa bàn huyện thu mua kén và trả tiền công cho lao động khoảng 50 triệu đồng; trừ chi phí này còn lãi ròng từ 17 -19 triệu đồng trong dịp chính vụ. Nay, thì đành gác máy chờ đến mùa tằm năm sau.