Nhà máy, các cơ sở sản xuất nơm nớp lo mất điện

Hiện nay Nghệ An đã trải qua nhiều đợt nắng nóng gay gắt, hồ đập thuỷ điện xuống dưới mức nước chết khiến nguy cơ thiếu điện tăng cao. Huyện Diễn Châu hiện có khá nhiều các cơ sở, nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh lo lắng tình trạng mất điện trong mùa nắng nóng.

Chị Nguyễn Thị Trà, chủ cơ sở kinh doanh hàng đông lạnh hải sản Phùng Trà, xóm Trung Yên, xã Diễn Ngọc chia sẻ: "Gia đình có 2 kho đông lạnh chứa hàng chục tấn hải sản như cá thu, tôm, mực được nhập về từ khắp mọi miền. Giá trị hải sản trên 5 tỷ đồng/kho đông. Để đảm bảo hàng hải sản đạt chất lượng, nhiệt độ trong kho phải luôn đạt -18 độ C đến -22 độ C.

Công nhân đang vận chuyển hàng hải sản tại cơ sở kinh doanh hàng đông lạnh hải sản Phùng Trà, xóm Trung Yên, xã Diễn Ngọc. Ảnh: Văn Trường

Tuy nhiên với sự cố mất điện đột ngột những ngày vừa qua tại một số khu vực tại huyện Diễn Châu khiến cho gia đình tôi không khỏi lo lắng".

Chị Trà cho biết, thời gian vừa qua ở Diễn Châu đã xảy ra tình trạng mất điện, phần nào làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, chúng tôi không dám mở cửa kho đông để bán hàng. Cụ thể là mất điện thời gian 2-3 tiếng đồng hồ sẽ làm cho các mặt hàng hải sản bị kém chất lượng, hoặc nếu mất điện 8-10 tiếng hàng hoá hải sản sẽ bị hư hỏng.

Đại diện Nhà máy may Wooin Vina (Hàn Quốc) xã Diễn Hồng, Diễn Châu cũng biết, nhà máy có trên 2.000 lao động, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 140.000 kWh, nếu thiếu điện sẽ gây chậm tiến độ các đơn hàng, giảm doanh thu.

Nhà máy may Wooin Vina (Hàn Quốc) xã Diễn Hồng, Diễn Châu thay đổi trên 7.500 bóng điện chấn lưu sang bóng led để tiết kiệm điện. Ảnh: Văn Trường

Để chủ động nguy cơ mất điện, nhà máy đã mua thêm 2 máy phát điện, đồng thời thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng như cải tạo hệ thống chiếu sáng, hệ thống nén khí. Đặc biệt hệ thống chiếu sáng trên 7.500 bóng điện sử dụng chấn lưu, nay được thay thế bằng bóng đèn led, thay thế mô tơ điện tử hệ thống máy may.

Trong 4 bộ phận sản xuất có 2 bộ phận là, đóng gói cắt giảm số lượng bóng điện, nhờ các giải pháp trên hàng tháng nhà máy giảm được trên 70 triệu đồng tiền điện/tháng.

Theo báo cáo của Điện lực Diễn Châu, toàn huyện có 105.000 khách hàng, thời điểm vào mùa nắng nóng tiêu tốn trên 600 triệu kWh/tháng. Trong đó toàn huyện có 4 đơn vị tiêu tốn nhiều điện năng gồm: Khu du lịch sinh thái Mường Thanh, Diễn Lâm; Nhà máy may Nam Thuận, Wooin Vina; lò nấu sắt Diễn Hồng, lò nấu kính Diễn Thịnh. Ngoài ra toàn huyện còn có nhiều cơ sở chế biến thuỷ hải sản, các dịch vụ kinh doanh khác.

Địa bàn huyện Đô Lương cũng có nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lo lắng nguy cơ thiếu điện. Đại diện nhà máy nước sạch xã Hòa Sơn, Đô Lương cho biết: Nhà máy có công suất 10.000 m3/ngày đêm, tiêu thụ 26.000 kWh/tháng, cấp nước sạch cho người dân 14 xã thuộc huyện Đô Lương, thời gian vừa qua cũng xảy ra tình trạng mất điện 2-3 tiếng, phần nào ảnh hưởng đến việc bơm nước phục vụ nhân dân.

Nhà máy nước sạch xã Hòa Sơn, Đô Lương thực hiện bơm nước vào giờ thấp điểm. Ảnh: Văn Trường

Để ứng phó với vấn đề thiếu điện, nhà máy đã chuẩn bị 2 máy phát điện chạy bằng nhiên liệu dầu. Quá trình vận hành nhà máy thực hiện tiết kiệm điện như thực hiện bơm nước vào giờ thấp điểm, cắt hệ thống điều hoà ở các phòng, sử dụng điện năng lượng mặt trời tại một số khu vực nhà máy…

Địa bàn huyện Đô Lương có khá nhiều cơ sở nhà máy tiêu tốn lớn điện năng, như Nhà máy xi măng Sông Lam xã Bài Sơn mỗi tháng tiêu thụ 20 triệu kWh/tháng, tương đương 30 tỷ tiền điện, cùng với đó là 3 nhà máy may trên địa bàn…

Ngoài ra nguy cơ thiếu điện cũng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Anh Nguyễn Xuân Sơn, xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên - chủ cơ sở trồng dưa chia sẻ: Cơ sở có 1.000m2 nhà lưới trồng các giống cây nông nghiệp công nghệ cao, trên 700 gốc dưa lưới cùng với nho, trong thời tiết nắng nóng, bắt buộc phải tưới nước cho cây trồng.

"Tôi đang sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt nên cần phải có điện để bơm nước nguồn lên, và sử dụng hệ thống để tưới cây. Những ngày qua đã có thời điểm mất điện, buộc tôi phải tưới bằng tay rất vất vả, dù phương thức tưới này không đạt hiệu quả cao cho cây trồng" - anh Sơn cho biết.

Nguy cơ thiếu điện sẽ ảnh hưởng công tác bơm nước trên hệ thống trạm bơm trên kênh đào ba ra Đô Lương qua huyện Yên Thành. Ảnh: Văn Trường

Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Huệ, huyện Nam Đàn chuyên sản xuất khép kín bột sắn dây, tinh bột nghệ từ khâu đưa nguyên liệu về đến thành phẩm trải qua nhiều công đoạn như rửa, xay xát, tách, sấy, đóng gói...Toàn bộ phải dùng đến máy móc. Đại diện HTX Nông nghiệp Đại Huệ chia sẻ thêm: Nếu không có điện, hệ thống sẽ phải dừng hoạt động, các đơn hàng đã ký kết cũng không thể phân phối kịp cho khách hàng.

Địa bàn Nghệ An hiện có trên 500 trạm bơm điện nằm dọc hệ thống sông Lam ở các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, và sông Con huyện Tân Kỳ… Nếu thiếu điện sẽ ảnh hưởng đến phục vụ nước tưới cho giai đoạn làm đất và tưới lúa vụ hè thu.

Tăng cường giải pháp tiết kiệm điện

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thuỷ văn, thời gian tới nắng nóng vẫn tiếp tục kéo dài, việc cung ứng điện gặp nhiều khó khăn. Để tăng cường công tác vận hành, đảm bảo nguồn điện phục vụ sinh hoạt cho nhân dân và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tăng cường giải pháp tiết kiệm điện.

Một số siêu thị trên địa bàn TP Vinh thực hiện tiết kiệm điện. Ảnh: Quang An

Như huyện Đô Lương, đơn vị quản lý điện tăng cường công tác ứng phó, sửa chữa kịp thời khi sự cố xảy ra, thông báo cho khách hàng khi phải sa thải lưới điện. Huyện đã xây dựng mới thêm được 30 trạm biến áp bổ sung cho các đường dây 0,4 kV. Hạn chế sử dụng tối đa nguồn điện công cộng, tuyên truyền vận động nhân dân hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn trong giờ cao điểm như máy điều hoà, bình nước nóng, bàn là điện …

Với địa bàn huyện Diễn Châu, ngành điện liên hệ với khách hàng sản xuất lớn, đề nghị phối hợp sản xuất phù hợp để ưu tiên đảm bảo cấp điện phục vụ dân sinh, bệnh viện, cơ quan địa phương. Trước mùa nắng nóng Diễn Châu đã nâng cấp được thêm 6 trạm biến áp mới.

Nhằm tiết kiệm điện năng, Công ty Điện lực Nghệ An đã tăng cường kiểm tra lưới điện, phát hiện các điểm xung yếu để xử lý kịp thời. Phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất có sản lượng điện tiêu thụ lớn thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện như: bố trí sản xuất hợp lý, hạn chế các thiết bị sử dụng điện có công suất lớn trong giờ cao điểm; ngừng các phụ tải không cần thiết; tiết kiệm điện hợp lý trong chiếu sáng đô thị, biển quảng cáo…

Nước trong hồ chứa thuỷ điện Hủa Na cách mực nước chết 10-15cm. Ảnh: Văn Trường

Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, thiếu hụt nguồn nước và phụ tải tăng cao, ngành điện Nghệ An mong muốn sự chung tay của các doanh nghiệp, đơn vị, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân cùng nỗ lực thực hiện tiết kiệm điện tối đa, hợp lý, nhằm bảo đảm an toàn lưới điện và việc cấp điện ổn định phục vụ sinh hoạt sản xuất.

Tại địa bàn Nghệ An, thời tiết nắng nóng kéo dài, tất cả các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên khu vực Tây Bắc Nghệ An, tập trung tại huyện Quế Phong và Quỳ Châu tính đến thời điểm này cũng bị cạn trơ đáy, dưới mực nước chết. Sản lượng phát điện chỉ đạt 30 - 50%.

Đối với hồ chứa Thủy điện Bản Vẽ huyện Tương Dương cũng chỉ đạt 166m, cách mực nước chết 11m. Điều này đồng nghĩa với việc trong thời gian tới công tác vận hành cấp nước cho vùng hạ du và phát điện sẽ gặp nhiều khó khăn.