* Ông NGUYỄN VĂN HẰNG - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh.
1hang8834591_6102019.jpg

Trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã quan tâm xây dựng một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản mang tính đặc thù. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm của vùng nông thôn còn mang tính nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu, nên thiếu sức cạnh tranh.

Bản chất của Chương trình OCOP là nâng cao chất lượng của sản phẩm cho các địa phương, từ đó vươn ra thị trường rộng lớn. Do đó Chương trình OCOP sẽ góp phần quan trọng đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của địa phương, đặc biệt trong giai đoạn các địa phương đang xây dựng xã nông thôn mới và nâng cao lên nông thôn mới kiểu mẫu.
Mùa vàng trên cánh đồng xã Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh Trung Hà
* Bà NGUYỄN THỊ NHUNG -  Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh.

Theo Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” của tỉnh, Liên minh HTX tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX và sớm ra đời đi vào hoạt động để hỗ trợ cho các HTX nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao tay nghề, tạo ra nhiều sản phẩm cho HTX, làng nghề đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo yêu cầu thị trường và của Chương trình OCOP như các nghề: mây tre đan, dệt thổ cẩm, mộc dân dụng và mỹ nghệ, trồng nấm, thêu ren...

Hiện, Liên minh HTX tỉnh đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án “Xây dựng và phát triển chuỗi cửa hàng nông sản sạch, an toàn gắn với hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản, thực phẩm cho khu vực HTX, làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó mỗi năm hỗ trợ xây dựng 2-3 cửa hàng nông sản sạch, an toàn gắn với hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm.

* Ông LÊ VĂN KHÁNH - Phó phòng Quản lý KH&CN cơ sở, Sở KH&CN.

Thời gian qua, việc lựa chọn sản phẩm, định hướng xây dựng và phát triển sản phẩm nhìn chung chưa đồng bộ. Hầu hết các địa phương chưa tập trung phát triển các sản phẩm cốt lõi mà đang dàn trải, phân tán. Năng lực của các tổ chức sản xuất và kinh doanh còn hạn chế, tổ chức sản xuất, kết nối, phát triển thị trường còn hạn chế. Mặt khác, có rất ít sản phẩm được chế biến sâu, sản phẩm còn đơn điệu, quy mô nhìn chung còn nhỏ lẻ. 

Chương trình OCOP được triển khai, hy vọng sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương sẽ được chắp cánh, tiếp sức, trở thành hàng hóa có giá trị tiêu thụ rộng rãi trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Làng đa nem Diễn Ngọc (Diễn Châu). Ảnh: Tư liệu - Trần Cảnh Yên

Để đạt được kỳ vọng đó, các địa phương cần lựa chọn, tập trung đầu tư phát triển một số sản phẩm chủ lực; kiên trì thực hiện mô hình theo chuỗi giá trị cho một số sản phẩm ưu tiên; có các chính sách cụ thể cho từng sản phẩm; Ưu tiên tập trung nguồn lực trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm phát huy tối đa thế mạnh của địa phương.

Bên cạnh đó, cũng cần có quy hoạch trong phát triển nguyên liệu, sản phẩm; chính sách hỗ trợ một số khâu nhất định (như giống, chế biến, xây dựng nhãn hiệu) nhằm khuyến khích tổ chức sản xuất và kinh doanh các sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương.

* Bà TRẦN THỊ MỸ HÀ - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương.

Một trong những vấn đề đặt ra hiện nay khi thực hiện Đề án OCOP đó là đầu ra cho sản phẩm. Để làm tốt khâu này, theo tôi, cần chú trọng các vấn đề sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá về sản phẩm OCOP.
Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động phát triển sản phẩm OCOP gắn liền với hoạt động du lịch, quảng bá sản phẩm đến đông đảo khách hàng trong và ngoài nước.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại sản phẩm OCOP, lan tỏa sâu rộng của sản phẩm đến người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường hiệu quả.

Thứ tư, thực hiện hiệu quả hoạt động kết nối giao thương, kết nối cung - cầu giữa các vùng, liên vùng và trong nước. Tìm cách để sản phẩm OCOP được phân phối, có mặt trong các kệ hàng của hệ thống siêu thị… Đây sẽ là cơ hội thực sự cho đầu ra sản phẩm OCOP một cách bền vững.

*Ông LÊ VĂN HẠNH - trang trại sản xuất nấm ở xóm 12, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành.

Tôi có trang trại trồng nấm với 8 cơ sở sản xuất. Hầu hết các khâu sản xuất nấm được thực hiện bằng dây chuyền, máy móc hiện đại; các khu trồng, sơ chế nấm được xây dựng khang trang, thoáng mát, đảm bảo vệ sinh.

Sản phẩm nấm của gia đình chỉ mới ở giai đoạn sơ chế để cung ứng cho khách hàng ăn tươi, chứ chưa được nhà máy thu mua để chế biến, cũng chưa tiếp cận với các siêu thị, cửa hàng rau sạch, do vậy giá trị chưa cao.

Hy vọng rằng, khi thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, nghề trồng nấm có cơ hội để phát triển bền vững. Tôi mong được hỗ trợ đầu tư sản xuất, liên kết với nhau phát triển hàng hóa.

Quan trọng nhất, các cấp, ngành tạo điều kiện để nghề trồng nấm theo chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ, chế biến sâu các sản phẩm từ nấm (nấm khô, bột nấm, nguyên liệu làm mỹ phẩm, dược phẩm…).

*Ông TRẦN VĂN ĐANG - Phó Làng nghề chế biến hải sản nước mắm Phú Lợi - Quỳnh Dỵ, huyện Quỳnh Lưu.

Hiện làng nghề sản xuất nước mắm Phú Lợi có 3 vấn đề tồn tại cần sớm khắc phục.

Thứ nhất, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết. Mặc dù địa phương đã xây dựng cống thoát nước thải, nhưng nguồn nước thải sau khi chế biến xả thẳng ra sông Mai Giang gây ô nhiễm. Do đó, cần xây dựng bể chứa nước thải, lắng lọc trước khi đổ ra sông.

Thứ hai, trong số 130 hộ chuyên sản xuất nước mắm thì mới chỉ có 22 hộ được cơ quan chuyên môn cấp chứng nhận ATTP, gần 110 hộ còn lại chưa đủ điều kiện cấp chứng chỉ ATTP gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, do đó các hộ này ngoài việc nỗ lực khắc phục hạn chế trong sản xuất cần được các cấp, các ngành tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức và hỗ trợ thủ tục, cấp giấy chứng nhận ATTP, là “vé thông hành” nước mắm trên thị trường.

Làng nghề nước mắm truyền thống ở Diễn Châu. Ảnh: Tư liệu - Hải Vương

Thứ ba, làng nghề chưa có nguồn nước sạch để sản xuất, các hộ phải mua nước với giá cao sử dụng cho việc chế biến nước mắm, tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng giá thành sản phẩm.

Hy vọng khi địa phương thực hiện Đề án OCOP, những bất cập của làng nghề sẽ được khắc phục.

*Ông LÊ MINH TUẤN - Hội Tôm nõn Diễn Châu.

Tôm nõn là sản phẩm tiêu biểu của huyện Diễn Châu, đã được cấp nhãn hiệu tập thể và bảo hộ nhãn hiệu. Nghề chế biến tôm nõn giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động của người dân xã Diễn Ngọc.

Tuy nhiên, nghề chế biến tôm nõn lâu nay vẫn đang áp dụng công nghệ lạc hậu, tôm được sấy bằng lò đốt củi công suất nhỏ, gây ô nhiễm môi trường, thành phẩm không đẹp mắt, không đảm bảo chất lượng tôm.  

Sản xuất tôm nõn ở Diễn Châu. Ảnh: Tư liệu

Khi tỉnh triển khai Đề án OCOP, chúng tôi xác định đây là cơ hội để nghề chế biến tôm nõn Diễn Châu nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc đầu tư máy sấy hiện đại, đáp ứng yêu cầu về công nghệ, giải quyết được tình trạng sản xuất manh mún, lạc hậu. Từ đó, hy vọng sản phẩm tôm nõn của Diễn Châu có thể xuất khẩu ra nước ngoài.

* Chị VI THỊ VUI - Tổ trưởng tổ nấu ăn của bản Khe Rạn, huyện Con Cuông.

Bản chúng tôi có 160 hộ dân là đồng bào dân tộc Thái. Từ năm 2016, bản chúng tôi là một trong những bản được xây dựng mô hình điểm du lịch cộng đồng và được UNESCO công nhận. Hiện tại tổ du lịch cộng đồng của chúng tôi có hơn 20 thành viên, tham gia mô hình này chúng tôi thấy ngoài lợi ích về kinh tế còn tham gia gìn giữ được những mái nhà sàn, giữ nếp sinh hoạt truyền thống lâu đời, trang phục và ẩm thực của dân tộc. 

Khắc luống là nét văn hóa Thái đang được lưu giữ tại bản du lịch cộng đồng bản Yên, xã Yên Khê (Con Cuông). Ảnh Xuân Hoàng

Sau hơn 3 năm phát triển mô hình du lịch cộng đồng, vẫn còn những khó khăn cần được quan tâm đầu tư như: Hỗ trợ người dân làm công trình vệ sinh, tập huấn về cách làm du lịch, homestay, nấu ăn phục vụ du khách, tìm đầu ra các sản phẩm dệt thổ cẩm, đầu tư các gian hàng để trưng bày các sản phẩm bán cho du khách...

Chúng tôi hy vọng địa phương có cơ chế hỗ trợ người dân xây dựng các làng du lịch cộng đồng hiệu quả hơn.