Theo đó, ông Ngô Văn Xu (46 tuổi, ngụ thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) vào chiều ngày 6/1 khi đi thu hoạch cá ở khu vực đầm phá thị trấn Phú Lộc đã thấy một con chim lạ to lớn khác thường bị mắc vào lưới. Ông Xu gỡ chim ra và đưa về nhà.

Qua kiểm tra, con chim có hình dáng giống như chim bồ nông nhưng rất to lớn với chiếc mỏ dài màu vàng, cân được trọng lượng 9 kg, sải cánh dài 1,2 mét. Đáng chú ý con chim này có chiều cao khi vươn cổ đến 1,6 mét, như chiều cao của một người trưởng thành. Chú chim này có màng bơi dưới chân như chân vịt. Dưới mỏ và cổ chim này là một túi chứa thức ăn màu vàng. 

151027-1.jpgÔng Ngô Văn Xu bên con chim có kích thước khủng bắt được.

Nhiều người dân trong làng đã đến xem. Có người muốn mua nhưng ông Xu không bán. Sau đó tại khu vực này còn có 1 người dân bắt được thêm 1 con chim tương tự như con ông Xu bắt được.

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế, cho biết, đây là loài chim bồ nông chân xám. Bồ nông chân xám là loài quý hiếm có tên trong Sách Đỏ UICN các loài cần bảo vệ; tên khoa học Pelecanus philippensis, thuộc họ Pelecanidae. Loài này phân bố ở Nam Á từ nam Pakistan qua Ấn Độ đến Indonesia, và cũng có tại Việt Nam.

Theo ông Tuấn, loài chim này có đặc điểm nhận dạng rất hay. Cụ thể vào mùa hè, lông trên cổ kéo dài thành mào lông màu nâu nhạt, các lông khác ở đầu và cổ màu trắng, gốc màu nâu. Lông bao cánh và cánh sơ cấp đen nhạt, lông vai, lông đuôi và lông cánh thứ cấp có màu nâu. Phần còn lại của bộ lông màu trắng, phần cuối lưng, sườn và dưới đuôi phớt hồng tím.

Vào mùa đông, lông chim chuyển màu. Lông đầu, cổ và lưng có màu trắng, cánh và đuôi màu nâu. Bồ nông chân xám sống ở các hồ đầm, vùng cửa sông và dọc bờ biển. 

Chú chim lạ có kích thước to lớn, chiếc mỏ dài, lông đổi màu theo 2 mùa hè và đông. Phần dưới mỏ chú chim bồ nông này có chứa rất nhiều cá.

Hiện loài bồ nông này đã bị giảm sút số lượng nghiêm trọng, phân hạng bảo vệ EN (nguy cấp). Nguyên nhân chính là do nơi kiếm ăn bị mất dần hoặc bị thu hẹp và bị nhiễu loạn nặng nề. Cơ quan chức năng khuyến cáo cần hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng gây nhiễu loạn các bãi kiếm ăn của loài này ở các khu bảo tồn, bãi triều ở cửa sông.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức thả hai con chim bồ nông chân hồng trên về với tự nhiên.

2 chú bồ nông to lớn được người dân ven đầm phá Cầu Hai tại tỉnh Thừa Thiên Huế bắt được.
 
Có 1 thiết bị định vị gắn ở lưng chú chim bồ nông.