(Baonghean) Để giữ gìn vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, vai trò của những ngư dân kiên cường ngày đêm bám biển, vừa sản xuất vừa tích cực làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an ninh trên biển là rất quan trọng. Thực hiện tốt những việc làm trên, ngư dân Ngô Trí Đông ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu là một điển hình.
Khi trên biển có bão số 4 (tháng 7/2012), tôi mới gặp được Ngô Trí Đông, bởi lúc này tàu cá của anh mới cập bến nghỉ dăm ngày. Tuy là về tránh bão nhưng tàu anh vẫn đánh bắt được 6 tấn cá chim, thu, lưỡng, thèn... bán trừ mọi chi phí lãi khoảng 30 triệu đồng.
Vì không muốn khai thác bó hẹp, nhỏ lẻ ở vùng lộng nên năm 2005, khi các tàu cá nhà nước đầu tư cho ngư dân làm ăn không có lãi, anh Đông là người đầu tiên ở Diễn Châu mạnh dạn mua lại 2 tàu xa bờ, cải tạo, nâng cấp thành đôi tàu với công suất 600CV/chiếc. Gắn bó với nghề biển, anh Đông hiểu rất rõ giá trị mà biển cả đã mang đến cho cuộc sống ngư dân. Đôi tàu xa bờ của anh Đông luôn đánh bắt ở vùng khơi, cách bờ 130-140 hải lý, tại vùng biển đánh cá chung Việt Nam–Trung Quốc. Anh Đông cho biết: Đi trên biển thì gặp rất nhiều tình huống như nhiều tàu thuyền chưa đầu tư đầy đủ phương tiện đảm bảo an toàn, nên khi gặp nạn thì mọi người hỗ trợ nhau đưa người và tài sản về bờ . Khi gặp sự cố tàu lạ uy hiếp, có dấu hiệu xâm lấn lãnh thổ thì mình báo cho Biên phòng hoặc lực lượng nào mà mình thông tin nhanh nhất.
Năm 2010, khi Bộ Quốc phòng thực hiện xây dựng điểm trung đội dân quân biển tại Diễn Ngọc, anh Đông và con trai là Ngô Trí Nguyên mới 23 tuổi đã tham gia vào lực lượng. Ngô Trí Nguyên được chọn làm trung đội trưởng. Với việc đầu tư đầy đủ phương tiện liên lạc như điện thoại, máy Icom nên đôi tàu của cha con anh Đông thực sự là “tai mắt” của Biên phòng và các lực lượng chức năng trên biển. Bên cạnh đó, anh còn tích cực tham gia cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn cho hàng chục tàu cá gặp nạn. Ông Nguyễn Xuân Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc nói: Tàu của anh Đông là tàu đánh bắt hải sản chủ lực của Diễn Ngọc. Chúng tôi lấy hai đôi tàu đó làm nòng cốt hoạt động dân quân biển, có thông tin về an ninh trên biển là anh Đông lại đàm thoại về đất liền ngay. Như năm ngoái, tàu anh Đông cứu hộ được 6 chiếc tàu gặp nạn.
Đôi tàu của anh Đông vươn khơi làm ăn có hiệu quả đã “kích thích” nhiều ngư dân Diễn Châu chung vốn đầu tư tàu xa bờ hàng tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện đã phát triển lên 10 đôi tàu xa bờ. Với kinh nghiệm, hiểu biết về ngư trường và về luật biển đã giúp đôi tàu anh Đông đánh bắt an toàn trên biển. Những chuyến ra khơi vì thế mà sản lượng cao hơn, cho nhiều loại hải sản có giá trị. Và một điều ai cũng biết, đó là có những người như anh Đông những chuyến đi biển của ngư dân vững vàng biết bao nhiêu. Trong câu chuyện rôm rả về nghề khai thác hải sản của anh, tôi cảm nhận được tình yêu biển cả và một quyết tâm vững chắc gắn bó với nghề truyền thống. Anh Đông cho biết thêm: “Cha con tôi quyết tâm hướng ra biển thôi. Mình là thành viên của Hiệp hội nghề cá, là lực lượng dân quân biển thì trước hết mình phải có ý thức bảo vệ vùng biển, bảo vệ nguồn lợi hải sản để cho tương lai con em mình sau này”.
Đã vào tuổi 50, kinh tế gia đình cũng đã khá giả, nhưng Ngô Trí Đông vẫn cùng 30 thuyền viên của mình ngày đêm bám biển lao động sản xuất; góp sức mình để bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Người con của biển
Mai Giang