(Baonghean) - Nhân ngày nghỉ, rủ ông bạn già đi tìm thú điền viên nơi thôn dã. Hướng tới là xã Kim Liên - Nam Đàn, xe trực chỉ lăn bánh, bỏ lại phía sau nhịp sống ồn ào nơi phố thị... mở ra trước mắt những cánh đồng lúa đang thì con gái mơn mởn... 
 
images1031127_3b.jpgKhu vực nuôi bồ câu trong trang trại của anh Trần Văn Trà.
 
Sau chừng 30 phút, xe dừng trước cổng một trang trại là cơ sở chuyên gia công sản xuất lúa giống cho Công ty Vật tư nông nghiệp. Chờ chừng 15 phút, chủ nhân trang trại tên Trần Văn Trà mới về, vội vã nói như giải thích: "Mấy hôm nay, sâu bệnh đã lác đác ở những cánh đồng xung quanh trang trại nên tôi đi lấy thuốc bảo vệ thực vật để phòng ngừa lây lan". Nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, Trà - nom trẻ hơn tuổi 41, chậm rãi kể câu chuyện về chinh phục cánh đồng Chùa Gát với bao cách làm ăn mới mẻ của một nhà làm nghề nông chuyên nghiệp… Sau khi có gần chục năm làm nghề thầu xây dựng thì gặp thời buổi suy thoái kinh tế, thắt chặt đầu tư, nghề xây dựng ế ẩm, Trà quyết định chuyển nghề vào năm 2009. Nhớ câu dạy của cha ông: “Nông suy thì bách nghệ bại”, bây giờ gặp cảnh “Bách nghệ bại” thì ta lại tìm về nghề nông. Đó là suy nghĩ của Trà trong ngày tìm hướng chuyển nghề. Chọn cho mình hướng làm trang trại, nhưng trang trại phải mang tính chuyên nghiệp - phải đem lại hiệu quả cao nhất - chi phí thấp nhất, như thế mới có lãi cao. Xã Kim Liên có cánh đồng Chùa Gát rộng chừng 7 ha, thuộc vùng đất xấu, không chủ động được nước, không xóm nào nhận nên xã phải chia đều cho các xóm, xóm lại chia đều cho các hộ, thành ra mỗi hộ chỉ được vài đường bừa. Diện tích manh mún, tưới tiêu không chủ động, làm không có thu hoạch nên dần dần ruộng bỏ hoang. Trà làm đơn lên xin UBND xã cấp cho mình để làm trang trại. Xã đồng ý, nhưng với điều kiện Trà phải đi các xóm để vận động trả đất.
 
Sau hơn 1 tháng vận động với nhiều “chiến thuật” khác nhau, các xóm được chia đất ở đồng Chùa Gát ký vào văn bản trả đất. Có được đất, Trà bước vào quy hoạch. Không như các trang trại khác vừa sản xuất vừa xây dựng, lấy ngắn nuôi dài, Trà lại nghĩ khác: Công tác quy hoạch xây dựng hạ tầng được làm đầu tiên. Với gần 7 ha đất trong tay, anh dành ra 1 ha làm chuồng trại ao cá. Còn 5,5 ha anh thuê máy về san gạt đắp bờ bao thành một cánh đồng liền bờ liền khoảnh. Kế đến là đưa điện từ làng ra đồng. Rồi đúc cột bê tông rào dây thép gai trên diện tích cả gần 7 ha. Riêng làm bờ rào, giá tiền từ 2009, anh đã đầu tư hết gần 50 triệu đồng. Đi qua về lại, ai cũng bảo anh “chập” vì từ xưa đến nay chưa có tiền lệ. Trà lý giải với chúng tôi: "Làm như thế để khẳng định “chủ quyền, lãnh thổ”. Mặt khác, mọi thứ tài sản được bảo vệ trong bờ rào thì mình cũng yên tâm hơn". Và có 1 lý do sâu xa mà sau này Trà mới tiết lộ là ngay từ đầu đã xác định “chiến lược” kinh doanh của trang trại sẽ là 2 vụ lúa, 1 vụ cá. Hàng rào dây thép gai chính là bảo vệ cho vụ cá này. Hàng năm cứ sau thu hoạch lúa vụ 2, dâng nước, bung cá giống từ ao nuôi lên, có bờ bao chắc chắn, hàng rào thép gai bảo vệ, không sợ mưa gió lụt lội, trộm cắp. Đợi cho giáp Tết Nguyên đán, tháo kiệt nước “xúc” cá đem bán, thu tiền về. Theo tính toán của Trà, cá vụ 3 nhiều khi cho thu hoạch cao hơn 1 vụ lúa. 
 
Trở lại câu chuyện về những ngày đầu, cải tạo đồng ruộng xong, sau một vụ làm thóc thịt thấy lợi nhuận đem lại không cao, Trà chuyển sang ký hợp đồng với Công ty Vật tư nông nghiệp sản xuất thóc giống. Giống, vật tư phân bón công ty chịu. Làm thóc giống đòi hỏi phải có kỹ thuật cao, điều kiện sản xuất tuân thủ quy trình nghiêm ngặt như: cấy bằng tay, với 1 khóm 1 dảnh. Trong quá trình chăm sóc phải phát hiện những cây lúa lẫn để loại bỏ gọi là khử lẫn. Trong 1 vụ lúa phải 3 lần khử lẫn để có được hạt giống thuần nhất. Để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật đề ra nghiêm ngặt với lúa giống, trang trại đã cơ giới hóa các công đoạn trong sản xuất. Trà bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy bơm, chỉ còn khâu cấy do yêu cầu kỹ thuật nên còn phải cấy bằng tay. Đến mùa chỉ cần 1 ngày là cả cánh đồng 5,5 ha được gặt xong, xe công ty đón đầu bờ cân thóc chở về nhà máy để sấy. Rồi máy cày được đưa xuống ruộng chỉ 3 ngày sau 50 thợ cấy từ khắp nơi trong vùng được tập trung về, sau chừng 1 tuần lúa phủ kín mặt ruộng. Đất vào chu kỳ khai thác thứ 2 trong năm. 
 
Theo Trà, bí quyết mà anh thành công trong mấy năm nay đó là làm cái gì cũng phải chuyên nghiệp, đối với nghề nông cũng vậy. Sở dĩ anh chọn làm lúa giống vì không phải ai cũng làm được, chính vì vậy mới có sự chênh lệch 2 ngàn đồng/kg so với thóc thường. Sở dĩ lúa nhà Trà luôn đạt năng suất cao, chất lượng tốt, được khách hàng chấp nhận, ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp khoa học kỹ thuật, thì người sản xuất phải theo dõi quá trình phát triển của cây lúa để chọn thời điểm thích hợp nhất tác động vào mới cho năng suất cao, chất lượng tốt. Trà thí dụ: Trong bón đón đòng để cho năng suất cao chỉ có 1 thời điểm, khi nó mới hình thành trong gốc rạ. Thời điểm này rất ngắn, nếu phát hiện bón đúng thì hiệu quả mới cao. Bón sớm, muộn đều đem lại hiệu quả thấp. Để phát hiện được điều đó, ngoài kinh nghiệm phải có kiến thức, người làm nghề phải học hỏi, tích lũy… 
 
Với 5,5 ha ruộng mỗi năm 2 vụ lúa, năng suất 6 tấn/ vụ ăn chắc, tính ra thu nhập trên 100 triệu đồng/ha cộng với cá vụ 3 cho thu nhập bình quân trên 150 triệu đồng/ha/năm. Đây là con số ước mơ của nhiều trang trại. Không chỉ trồng lúa mà trong chăn nuôi, Trà cũng chọn cho mình một hướng đi riêng. Trang trại nuôi nhiều thứ: 2 ao cá, 11 con lợn nái giống ngoại để cung cấp giống lợn thịt, hàng trăm gà lai chọi và hơn 500 cặp bồ câu. Và bồ câu đang là hướng lựa chọn số một của trang trại. Để có sự lựa chọn này chủ trang trại cũng đã qua nhiều năm trải nghiệm. Bài toán kinh tế mà Trà rút ra: Chi phí cho một quả trứng (chưa kể chi phí thời gian nuôi từ nhỏ cho đến lúc gà đẻ) hết 1,7 - 2.000 đồng (tương đương 150 gam thức ăn). Giá trứng bán ra 2.200 đồng, mỗi quả trứng lãi 200 đồng. Mỗi con gà siêu trứng mỗi năm cho khoảng 200 quả, trứng đem lại lợi nhuận cho người nuôi khoảng 40.000 đồng. Một cặp bồ câu bố mẹ mỗi năm cho 8 cặp chim con, giá bán thấp nhất là 75.000 đồng, thu về 600.000 đồng/năm. Chi phí thức ăn hết 300.000 đồng/năm, người nuôi lãi 300 ngàn đồng. Căn cứ vào lợi nhuận nuôi bồ câu nhốt sẽ là lựa chọn chính cho hướng chăn nuôi của trang trại. Nói đoạn, Trà khoe với chúng tôi có người đang gạ mua lại trang trại: Họ trả với giá 3 tỷ đồng, đồng ý là chồng tiền ngay, nhưng em chẳng bán, bởi vì mỗi năm thu nhập từ trang trại đã lên đến tiền tỷ, đất hợp đồng 20 năm. 
 
Chúng tôi đã đi nhiều trang trại, nhưng đến đây phải thực sự khâm phục cách làm trang trại của Trà, gặp anh trên đường cứ ngỡ là một công chức chứ không phải là chủ trang trại “chân lấm tay bùn”. Có lẽ sự thảnh thơi đó bắt đầu từ cách làm chuyên nghiệp - khái niệm này dường như đang xa lạ với nhà nông.
 
Anh Tuấn