NHỮNG ĐÁNH ĐỔI XỨNG ĐÁNG
Là một Quản đốc được tín nhiệm của Công ty TNHH MLB Tenergy (một công ty chuyên về may mặc ở huyện Yên Thành), chị Nguyễn Thị Yến (sinh năm 1985) không chỉ giỏi về chuyên môn nghề may, thành thục trong xử lý kỹ thuật mà có sự chuyên nghiệp trong sắp xếp công việc. Tất cả những kỹ năng này không tự nhiên mà có, nó là “trái ngọt” của tinh thần ham học hỏi, không ngừng hoàn thiện bản thân mà chị đã duy trì suốt nhiều năm nay.
Học xong Cao đẳng Dệt may thời trang Hà Nội, chị Yến về Vinh làm việc ở một công ty may quân đội trong 2 năm. Khi cảm thấy bản thân không thể tiến bộ hơn nếu cứ duy trì công việc này, chị Yến nắm lấy cơ hội tuyển dụng của Công ty TNHH MLB Tenergy ngay tại quê hương. Hồ sơ chị được nhận để đi đào tạo thêm tại Thái Bình trong 1 năm rưỡi. Lúc này, con trai đầu của chị mới được 13 tháng. 1 năm rưỡi đó chưa phải là quãng thời gian khó khăn nhất đối với chị. 5 tháng đi đào tạo tại Nhật sau đó mới là thử thách khiến chị cảm thấy dằn vặt nhất mỗi khi nhớ lại.
Lần đầu tiên xuất ngoại, sống giữa một môi trường không chung ngôn ngữ, không người chia sẻ với nỗi nhớ con quay quắt, đêm nào chị cũng khóc. “Ở Thái Bình thì thỉnh thoảng tôi còn được về với con. Còn ở Nhật thì mỗi tối chỉ có thể gọi điện về nhà nghe con nói đôi câu cho đỡ nhớ. Cái Tết xa nhà năm đó là cái Tết buồn nhất mà tôi trải qua”, chị Yến nén xúc động, thổ lộ.
5 tháng ở Nhật là 5 tháng chị tích lũy kiến thức, kỹ năng nhiều nhất có thể. Chị Yến luôn tự dặn mình: Mình đã đánh đổi quá nhiều cho công việc này, cho cơ hội này, nên mình phải nỗ lực cố gắng để sự đánh đổi, hy sinh đó là xứng đáng. Không chỉ học về nghề may, chị luôn để ý quan sát cách người Nhật tổ chức, quản lý và sắp xếp công việc, học hỏi tính cẩn thận, cầu toàn và ngăn nắp của họ. Thời gian rảnh, khi người khác nghỉ ngơi thì chị lọ mọ tìm tài liệu để tự học thêm tiếng Nhật.
5 tháng dài đằng đẵng nhưng vô cùng giá trị ở Nhật kết thúc, chị trở về quê hương và suy sụp khi cậu con trai nhất định không chịu nhận mẹ. Rồi tình mẫu tử được hàn gắn theo thời gian nhưng nỗi dằn vặt năm nào vẫn còn đó, trở thành động lực để chị cố gắng mỗi ngày, trong cả gia đình và công việc.
Chị Yến nhớ lại: “Thời gian đầu chưa thạo việc nên làm gì tôi cũng phải nghiên cứu thật kỹ rồi mới triển khai thực hiện được. Chưa kể nhân viên mới liên tục cần hỗ trợ. Những việc này chiếm rất nhiều thời gian và bắt buộc tôi phải đưa việc về nhà để giải quyết. Gần như hôm nào tôi cũng trở về với một xấp tài liệu dày và bắt đầu làm việc sau khi con đã ngủ say”.
Chỉ sau một thời gian ngắn, năng lực làm việc và phong thái chuyên nghiệp của chị Yến được ban lãnh đạo công ty ghi nhận, lần lượt giao cho chị đảm nhận những trọng trách quan trọng. Chị bắt đầu nhận nhiệm vụ quản đốc từ năm 2018.
Khi công việc đã vào guồng, lượng công việc ít hơn, chị tiếp tục đầu tư thời gian cho kỹ năng tiếng Nhật. Từ nỗ lực của mình, khả năng tiếng Nhật của chị ngày càng tiến bộ, chị có thể chủ động trao đổi công việc, đọc văn bản, giấy tờ từ cấp trên mà không cần thông qua phiên dịch viên. Điều này không chỉ có lợi cho công tác chuyên môn mà còn có lợi cho vai trò chủ tịch công đoàn của chị.
“Một trong những lý do khiến tôi quyết định gắn bó lâu dài với doanh nghiệp là vì lãnh đạo công ty rất coi trọng yếu tố con người. Họ cho rằng việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết các vấn đề về tâm lý cho công nhân lao động là vấn đề then chốt, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất”, chị Yến chia sẻ.
Với công nhân trong công ty, chị Yến là một người “chị cả” luôn sẵn sàng xắn tay vào hỗ trợ chị em, kịp thời tháo gỡ mọi vướng mắc, là một chủ tịch công đoàn tâm huyết, chủ động lắng nghe, chia sẻ với những khó khăn trong cuộc sống của người lao động. Sự chân thành, quan tâm sâu sắc của chị đối với công nhân khiến những bức thư góp ý nạc danh ngày một ít, hạn chế tối đa những cuộc đình công không đáng có. Kể từ khi chị Yến là chủ tịch công đoàn, công ty đã có thêm những hoạt động văn hóa, thể thao cho người lao động, thêm những ngày nghỉ được hưởng nguyên lương, thêm tiền ăn ca, thêm các chính sách hỗ trợ... Những đề xuất của chị lên lãnh đạo công ty trong những năm gần đây đã góp phần nâng cao năng suất, cải thiện đời sống người lao động một cách rõ rệt.
Khi được hỏi về bí quyết để những đề xuất, ý tưởng của mình được lãnh đạo công ty chấp thuận, chị thổ lộ: “Doanh nghiệp nào cũng sẽ quan tâm đến doanh thu, năng suất lao động đầu tiên. Vậy muốn họ chấp thuận những đề xuất của mình, tôi phải chứng minh được rằng người lao động xứng đáng với sự đầu tư đó. Nghĩa là trước khi đề xuất, tôi cần động viên công nhân nỗ lực sản xuất, nâng cao năng suất. Để làm được điều này, bản thân tôi phải có tiếng nói và uy tín với công nhân, gần gũi với công nhân như với người thân của mình”.