Cơ thể cần ngủ đủ ít nhất 7 tiếng vào ban đêm và một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa để đảm bảo năng lượng hoạt động, trí não luôn tỉnh táo.
Ngủ là hoạt động vô cùng quan trọng với sức khỏe. Cơ thể ngủ đủ được tái tạo năng lượng, giảm nguy cơ mệt mỏi và bệnh tật. Một ngày bạn nên đảm bảo có 2 giấc ngủ, một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa và giấc ngủ dài vào buổi tối. Vậy đâu là thời điểm tốt nhất để cơ thể nghỉ ngơi, chìm vào giấc ngủ?
Theo Time, giấc ngủ trưa nên bắt đầu từ 13h, sau khi nạp năng lượng bữa trưa, cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi sau một buổi sáng làm việc. Lúc này một giấc ngủ ngắn 20-30 phút là hợp lý để bạn khôi phục năng lượng cho buổi chiều. Tránh ngủ nhiều, ngủ sâu vào giấc trưa bởi nguy cơ mệt mỏi hay nhức đầu sau khi thức dậy.
Các chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ chỉ ra cần ngủ đủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm để đảm bảo cơ thể được tỉnh táo. Tùy thuộc vào hoàn cảnh, môi trường của từng người mà tính toán giờ ngủ cho bản thân hợp lý. Nếu sáng phải dậy từ lúc 6h thì nên đi ngủ từ 23h đêm hôm trước.
Theo tiến sĩ Matt Walker, Đại học California, Berkeley, Mỹ: “ Một giờ bạn ngủ lúc trước nửa đêm có giá trị với sức khỏe tương đương hai giờ của giấc ngủ sau 1h sáng”. Thức khuya chưa bao giờ tốt với sức khỏe. Các bác sĩ cho rằng thời điểm cơ thể có giấc ngủ sâu và đạt đỉnh thường đến vào 0h-3h sáng. Trước thời điểm ngủ sâu này, cơ thể cần được nghỉ ngơi, do đó giấc ngủ từ 23h là sự lựa chọn hợp lý, nếu bạn không thể ngủ sớm hơn.
Khi đã chọn được giờ ngủ hợp lý, bạn nên nghiêm túc duy trì trong ít nhất 10 ngày để cơ thể quen dần và trở thành thói quen. Những ngày cuối tuần, bạn có thể cho cơ thể "tự thưởng" thêm một tiếng đồng hồ ngủ nướng nhưng đừng ngủ quá nhiều vì sẽ gây mệt mỏi, uể oải vào ngày đầu tuần.
Những điều tối kỵ có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ sâu như tắm nước nóng cận giờ đi ngủ làm nhiệt độ cơ thể ấm lên, khó ngủ. Đem các thiết bị điện tử cầm tay lên giường khiến bạn chập chờn mãi không vào giấc được.
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN