Ngư dân Nghệ An trúng đậm ruốc tép ảnh 1
Mùa khai thác ruốc tép bắt đầu từ tháng 9 âm lịch đến hết tháng Giêng âm lịch. Ruốc tép chủ yếu đánh bắt gần bờ. Có hai thời điểm khai thác ruốc tép, từ 6 giờ đến 18 giờ (gọi là đi ruốc ngày) và 18 giờ đến 6 giờ hôm sau (đi ruốc đêm). Ảnh: Thanh Phúc
Mỗi thuyền khai thác ruốc thường có 6 - 10 người, sau khi phát hiện có ruốc chia nhau bủa lưới, mỗi người một tay kéo lưới, thu hẹp ruốc dần về phần đụt lưới rồi chia nhau vớt ruốc lên thuyền và chạy vào bờ. Ảnh: Thanh Phúc
Sáng 7/11, sau một chuyến đi ruốc đêm, ngư dân Nghi Thuỷ (thị xã Cửa Lò) đánh bắt được hàng trăm tấn ruốc. Thuyền ít nhất cũng đánh bắt được 1,5-2 tấn ruốc, có những thuyền chỉ sau một đêm khai thác đã thu về 5 tấn ruốc như anh Nguyễn Văn Minh. Thuyền cập bến, anh bán cho thương lái, thu về 30 triệu đồng. Ảnh: Thanh Phúc
Thời điểm vào mùa ruốc, các bến cá trong tỉnh vào sáng sớm hay lúc trời vừa tắt nắng luôn nhộn nhịp, đông vui với từng tốp người nhà, thương lái chờ đón những chiếc thuyền chở ruốc đầy khoang cập bến. Ảnh: Thanh Phúc
Mặc dù không phải là một trong những nghề khai thác thủy sản chủ lực của tỉnh nhưng nghề khai thác ruốc luôn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho không ít ngư dân. Năm nay, dù giá ruốc xuống thấp chỉ còn 6.000-8.000 đồng/kg song ngư dân các vùng biển như: Cửa Lò, Diễn Châu, Quỳnh Lưu vẫn vui vì các thuyền luôn “trúng đậm” ruốc… Ảnh: Thanh Phúc
Đi lưới ngày, nếu vào kịp trưa, còn nắng giòn thì phơi khô để con ruốc ngọt đậm đà, còn đi lưới đêm thì ruốc thường dùng để làm mắm. Về những vùng quê biển mùa này, sân trong nhà, ngoài ngõ được tận dụng để phơi ruốc, sàng, sảy, giã muối ruốc. Mùi thơm nồng, đậm vị biển của con ruốc biển trở thành mùi đặc trưng của các làng nghề chế biến hải sản mùa này. Ảnh: Thanh Phúc
So với nhiều vùng biển khác, con ruốc Cửa Lò nhiều thịt, mỏng vỏ, thơm, ngon hơn… Ruốc biển được chế biến thành nhiều món ngon như: Ruốc tươi phui lá chanh; ruốc tươi xào khế; ruốc tươi nấu canh cà kiu, ruốc chiên giòn hoặc mắm ruốc… Ảnh: Thanh Phúc