(Baonghean) - Bên cạnh sự hỗ trợ từ Nghị định 67, ngư dân Nghệ An chung vốn phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ. Theo đó, tàu to máy lớn tăng nhanh, tổng công suất tàu cá toàn tỉnh hiện đạt gần 570.000 CV, so với năm 2015 tăng gần 13%.
» Thu nhập 'khủng' nhờ nghề biển
Xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) thu nhập chủ yếu dựa vào kinh tế biển, toàn xã hiện có 170 phương tiện, tổng công suất 53.300CV (tăng 6.300CV so với năm 2015). Với mục đích đánh bắt ở ngư trường xa bờ bằng phương tiện hiện đại, ngư dân xã Quỳnh Long chú trọng đầu tư nâng cao năng lực phương tiện. Riêng trong năm 2016 đã phát triển mua, đóng mới 19 phương tiện nghề vây khơi (đóng mới 8 tàu, mua mới 10 tàu, và 1 tàu chuyển đổi từ 4 sào sang vây khơi).
Ngoài ra, có 6 chiếc đóng mới theo Nghị định 67CP. Quý 1/2017, ngư dân trong xã tiếp tục đóng mới, chuyển đổi nghề lộng, chụp 2 sào sang 4 sào hoặc sang nghề vây. “Vài tháng tới, sẽ có thêm 8 phương tiện nữa hạ thủy, chủ yếu nghề vây nên sản lượng thủy, hải sản của chúng tôi sẽ còn tăng cao hơn nữa” - ông Trần Quang Vệ - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Long cho biết.
Ở Quỳnh Long hiện có nhiều hộ mạnh dạn vay vốn đầu tư tàu thuyền công suất lớn, đơn cử như hộ anh Nguyễn Văn Minh, hộ anh Nguyễn Sáng ở thôn Đại Hải, mỗi hộ có 3 chiếc. Mỗi tháng hộ anh Minh, anh Sáng thu nhập trên 300 triệu đồng. Cái hay của ngư dân xã Quỳnh Long, đó là việc họ không một mình đầu tư mua tàu thuyền mà khoảng 7 - 10 hộ chung nhau một chiếc tàu.
“Làm như thế để nhỡ tàu này không được thì có tàu khác bù vào tránh bị lỗ vốn và cũng để mỗi người đều có trách nhiệm với chính tài sản, sản lượng đánh bắt của mình. Chẳng có chuyện ông chủ - người làm mà tất cả đều là chủ, đều là thợ, ai giỏi việc gì làm việc đó. Vì thế anh em rất tình cảm, hòa đồng, tình làng nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt lại giúp nhau phát triển kinh tế gia đình nữa”- anh Nguyễn Sáng chia sẻ.
Ở xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu), anh Tô Duy Thế - Phó Chủ tịch Hội nghề cá của xã cho hay, hiện trên địa bàn xã có 3 cơ sở đóng tàu thuyền. Vì nguồn nhân lực có hạn, lao động nghề cá khó khăn nên tàu thuyền có xu hướng không tăng về số lượng, chỉ duy trì 120-130 chiếc nhưng chú trọng nâng công suất tàu. Ở Quỳnh Nghĩa hiện nay chủ yếu tàu to máy lớn, công suất bình quân 500 CV/tàu (cách đây 2-3 năm chủ yếu tàu dưới 300CV).
Trong khi tiếp cận nguồn vốn theo Nghị định 67 khó khăn, ngư dân Quỳnh Nghĩa chủ động đóng tàu công suất lớn bằng nguồn vốn tự có. “Những năm 2007-2008 xăng dầu đắt nên có hiện tượng ngư dân nằm bờ do không tải được chi phí đầu vào nhưng những năm gần đây không có hiện tượng đó, hoạt động đánh bắt diễn ra thường xuyên liên tục’- Phó Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Nghĩa cho biết thêm.
Hay ở thôn Tân An (giáo xứ Phú Yên, xã An Hoà, huyện Quỳnh Lưu), ngư dân cũng mạnh dạn đầu tư đóng tàu công suất lớn. Trên địa bàn thôn có 1 cơ sở đóng tàu của giáo dân Nguyễn Văn Tuấn. Năm 2016, cơ sở đóng được 2 con tàu theo Nghị định 67 cho người dân ở giáo xứ Phú Yên, ngoài ra còn đóng nhiều tàu có công suất từ 90 CV trở lên. Ngoài đóng tàu, gia đình anh Tuấn còn tham gia đi biển đánh bắt xa bờ. Trong những tháng đầu năm, tàu của con trai anh Tuấn đánh bắt đạt sản lượng cao, mỗi chuyến thu về 200- 250 triệu đồng.
Có thể thấy, nhờ việc đánh bắt thuận lợi, được giá nên đa số ngư dân Quỳnh Lưu chủ động tìm kiếm nguồn vốn để đóng tàu vươn khơi. Ông Bùi Xuân Trúc - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Trong năm 2016, Quỳnh Lưu có khoảng 100 phương tiện xuống cấp, công suất nhỏ được ngư dân bán để đóng tàu mới, hiện đại nhằm đánh bắt xa bờ. Huyện luôn khuyến khích ngư dân nâng cấp tàu có công suất lớn để đánh bắt có hiệu quả, giảm dần đội tàu khai thác gần bờ.
Theo tổng hợp từ Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, tổng số tàu cá toàn tỉnh là 3.917 tàu, trong đó, tàu xa bờ công suất 90CV trở lên có 1.347 tàu, tàu công suất 20-90CV có 991 chiếc; tàu công suất dưới 20CV có 1.579 chiếc. Ông Hồ Thế Xuân – Trưởng phòng Quản lý tàu cá và cơ sở dịch vụ hạ tầng nghề cá, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho biết: Ngư dân có xu hướng đóng mới tàu to máy lớn vươn khơi xa thay vì máy công suất nhỏ khai thác gần bờ kém hiệu quả trước đây.
Vì thế, về cơ bản số tàu thuyền không tăng nhiều so với trước đây nhưng tăng mạnh về công suất. Tổng công suất toàn tỉnh đạt gần 570.000 CV, bình quân là 142,62 CV/tàu, so với năm 2015 tăng gần 13%. Đối với tàu trên 90CV công suất bình quân là 374,20 CV/tàu, so với năm 2015 tăng hơn 11%. Năm 2017, dự kiến số tàu đóng mới nội tỉnh khoảng 90 chiếc. Trong đó, tàu từ 30 - 90 CV là 10 chiếc và tàu trên 90CV khoảng 80 chiếc.
Nhóm P.V