(Baonghean) - Thời gian qua nhiều tàu cá của ngư dân Nghệ An như Quỳnh Lưu, Hoàng Mai,... liên tiếp về cập cảng trong niềm vui được mùa khai thác hải sản. 8 tháng năm 2017, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh ước đạt 88.208 tấn, tổng giá trị ước đạt 2.249,740 tỷ đồng. Đây là tín hiệu vui cho ngư dân quyết tâm vươn khơi, bám biển.
Tín hiệu mừng từ Hoàng Sa, Trường Sa
Quỳnh Nghĩa là địa phương ven biển của huyện Quỳnh Lưu với nghề kinh tế mũi nhọn là khai thác hải sản. Những ngày đầu tháng 9 này, 44 chiếc tàu cá công suất lớn của ngư dân Quỳnh Nghĩa hối hả cập cảng. Tàu nào cũng cá bạc đầy khoang.
Anh Bùi Văn Tam - một trong những chủ tàu 67 của xã Quỳnh Nghĩa cho biết, ngư dân Quỳnh Nghĩa chủ yếu vươn khơi khai thác ở các ngư trường xa hơn như Hoàng Sa, Trường Sa, Bạch Long Vĩ, Vịnh Bắc Bộ... Vì thế mà sản lượng thường đạt cao hơn. Từ đầu năm đến nay, ngư dân chủ yếu trúng đậm cá hố, mực, cá bạc má... Hải sản đánh bắt về được các thương lái thu mua ngay tại bến, sau đó phân loại chuyển tới các kho đông lạnh và các chợ. Bà con có vốn lại tiếp tục chuẩn bị ngư lưới cụ, xăng dầu, đá lạnh để vươn khơi chuyến biển mới.
Không riêng gì các tàu công suất trên 700 CV mà đội tàu gần 150 chiếc công suất nhỏ hơn của ngư dân Quỳnh Nghĩa cũng trúng đậm mùa biển với nhiều loại hải sản có giá trị xuất khẩu cao. Theo ước tính, trong 7 tháng đầu năm 2017, toàn xã đã khai thác được hơn 7.000 tấn hải sản, giá trị đạt hơn 60 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tại các xã biển khác như Sơn Hải, Quỳnh Long, Tiến Thủy..., ngư dân cũng rất phấn khởi vì có một mùa đánh bắt hiệu quả.
Ở thị xã Hoàng Mai, sản lượng khai thác thủy sản trong tháng 8 đạt 4.376 tấn, lũy kế 8 tháng đạt gần 30.000 tấn, đạt 80,39% kế hoạch của năm, tăng gần 15% so với năm ngoái. Trong đó, sản lượng khai thác tập trung chủ yếu ở phường Quỳnh Phương và xã Quỳnh Lập.
Ngoài các sản phẩm truyền thống như cá cơm, cá đốm, cá trích, cá lưỡng hồng, lưỡng phèn, cá thửng, cá bạc má, mực các loại, ghẹ, tôm tít, bước vào năm nay, nghề lưới rê cá thu của đội tàu 67 ở phường Quỳnh Phương đạt sản lượng khai thác cao, đem về nguồn thu lớn. Các mặt hàng đặc sản như ghẹ, tôm, tôm tít, cá mú, mực, ốc hương... được các tàu nuôi sống sau khai thác, cung cấp cho các cơ sở xuất khẩu đi nước ngoài và bán cho hệ thống nhà hàng, khách sạn với giá cao.
Còn tại xã Quỳnh Lập, đội tàu đi khai thác vùng biển xa Hoàng Sa, Trường Sa cũng có nhiều chuyển biến, thu nhập tăng cao hơn năm trước. Cá biệt, tàu cá anh Phan Văn Hải, ở xã Quỳnh Lập, có những mẻ lưới cho thu nhập 120 triệu đồng.
Thời điểm hiện nay, bà con ngư dân Hoàng Mai đang bước vào khai thác cá cơm, sau 5 - 7 ngày khai thác, cho sản lượng từ 10 - 15 tấn, với giá bán tại bến trung bình là 10.000 đồng/kg. Đây được coi là mùa làm ăn chính của bà con ngư dân Hoàng Mai. Từ sản lượng khai thác cá cơm, hoạt động chế biến, hấp sấy, xuất khẩu cá cơm luôn tấp nập tại các cơ sở chế biến, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nữ của các địa phương vùng biển.
Ở Diễn Châu, dù không phải là trọng điểm về đánh bắt hải sản của tỉnh nhưng 8 tháng đầu năm nay sản lượng 9 tháng đạt 32.700 tấn - cao nhất từ trước đến nay. Thu nhập bình quân của ngư dân đạt 6 triệu đồng/tháng, thu nhập của các chủ tàu đạt từ 500 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Những ngày này, gần 1.500 tàu thuyền của ngư dân đều tranh thủ tăng chuyến bởi cá nam đang chính vụ. Với đà khai thác thắng lợi như hiện nay, ngư dân Diễn Châu phấn đấu đạt sản lượng 35.000 tấn cả năm và hoàn thành đóng mới 50 tàu xa bờ.
Giúp ngư dân vươn khơi
Theo Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sản lượng khai thác hải sản 8 tháng năm 2017 ước đạt 88.208 tấn hải sản các loại, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng giá trị ước đạt 2.249,740 tỷ đồng.
Nhìn chung, trong 8 tháng đầu năm năm 2017, các nghề khai thác vây, câu, chụp, lưới rê và lưới kéo... đều đạt được hiệu quả, đặc biệt là nghề lưới vây. Đối tượng khai thác của đội tàu này chủ yếu là nhóm cá nổi, có giá trị kinh tế cao như: cá đốm, cá bạc má, cá hố... Đội tàu vây cho sản lượng, doanh thu cao và ổn định, sản lượng bình quân mỗi tàu đạt 15 - 20 tấn/chuyến. Chi phí cho mỗi chuyến biển từ 65 - 90 triệu đồng; Bình quân mỗi lao động được 8 - 10 triệu đồng/tháng.
Tiêu biểu phải kể đến tàu cá mang biển số NA - 90802 - TS của ông Nguyễn Văn Minh trú tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu. Tàu có 17 lao động, doanh thu trung bình mỗi tháng đạt 650 - 700 triệu đồng; riêng tháng 6/2017 đạt tới 1 tỷ đồng. Bình quân mỗi lao động đạt từ 12 - 15 triệu đồng/tháng; Tổng thu nhập của một lao động 08 tháng đầu năm 2017 là 110 - 115 triệu đồng/người.
Ông Nguyễn Chí Lương - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Năm nay, kế hoạch đề ra đạt sản lượng 120.000 tấn. Hiện nay chúng tôi động viên khuyến khích bà con vươn khơi bám biển bằng nhiều chính sách hỗ trợ: máy thông tin tầm xa cho tàu đánh bắt xa bờ (26 bộ) tổng số tiền 728 triệu đồng; 20 hầm bảo quản cá bằng vỏ PU (mỗi mô hình hỗ trợ 35 triệu đồng)...
Hầu hết các tàu, thuyền được hỗ trợ trang bị đầy đủ các thiết bị kỹ thuật để phục vụ liên lạc, xác định vị trí, khối lượng đàn cá, bảo quản sản phẩm như ra đa, định vị vệ tinh, thiết bị liên lạc ICOM, máy dò cá, hầm bảo quản lạnh sử dụng vật liệu PU,...
Việc hiện đại hóa trong khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy hải sản đã góp phần nâng cao tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản. Đặc biệt, sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 67 NĐ/ CP của Chính phủ về hỗ trợ đóng tàu công suất lớn đã góp phần nâng cao thu nhập, tạo niềm tin và động lực cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Ông Đặng Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho hay: “Tính đến thời điểm này, huyện Quỳnh Lưu đã có 35 tàu đi vào hoạt động và khai thác đạt hiệu quả, trung bình mỗi chuyến biển tàu 67 khai thác được từ 20 - 30 tấn hải sản có giá trị hàng trăm triệu đồng. Riêng trong 7 tháng đầu năm nay, ngư dân huyện Quỳnh Lưu đã khai thác đạt gần 43.400 tấn, bằng 61% kế hoạch năm, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Nhằm khuyến khích ngư dân phát triển kinh tế, huyện cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp ngư dân yên tâm bám biển phát triển kinh tế”.
Đến ngày 31/8/2017, Nghệ An đã có 75 tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ đã hạ thủy và hoàn tất thủ tục hồ sơ tham gia hoạt động khai thác thủy sản (trong đó nghề lưới rê: 14 chiếc; nghề vây: 31 chiếc; nghề chụp: 24 chiếc; hậu cần: 06 chiếc). Đa số các tàu tham gia khai thác hải sản đều có hiệu quả cao.
“Với đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu và nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực như hiện nay, 120.000 tấn sản lượng trong năm nay chắc chắn sẽ vượt.” - lãnh đạo Chi cục Thủy sản cho biết.
Tổng công suất tàu cá toàn tỉnh là 596.864 CV. Công suất bình quân 152,03 CV/tàu, so với cùng kỳ năm 2016 đạt 113,94 %. Đối với tàu trên 90CV, tổng công suất là 542.974 CV, công suất bình quân là 394,89 CV/tàu. Nghệ An hiện có 18.565 người trực tiếp đánh bắt trên biển, trong đó, số lao động khai thác vùng khơi là 14.288 người. |
Nhóm P.V