(Baonghean.vn) - Là ngư dân, nhưng Trần Văn Sơn đã bỏ qua nhiều điều kiêng kỵ vốn tồn tại bao năm ở làng chài, dám đối đầu với "Hải vương" tới 14 lần để cứu mạng 21 người gặp nạn trên biển.
Sinh ra từ làng “vọng phu”
Anh Trần Văn Sơn (SN 1966) sinh ra từ làng chài Hải Nam, xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ngôi làng chài nhỏ bé nằm ven biển này một thời từng là ngôi làng “vọng phu”. Bởi cứ qua các mùa bão trai làng bám biển vươn khơi một đi đã không trở lại khi bị những cơn cuồng phong của biển cả nhấn chìm cả tàu và người. Trong đó, dân làng vẫn chưa bao giờ quên được trận bão năm 1971 đã nhấn chìm nhiều tàu và cướp đi sinh mạng hàng chục thanh niên, trai tráng trong làng.
Gặp ngư dân Trần Văn Sơn trên con tàu giã cào khi anh cùng các thuyền viên đang chuẩn bị dụng cụ cho một chuyến ra khơi mới. Dáng người mảnh khảnh, mái tóc dài quá chấm vai và nước da đen sạm, rót chén trà nóng mời khách trong cái lạnh đầu mùa tràn về Lạch Vạn, anh Sơn chầm chậm kể chuyện mình:
“Lúc cha tôi bị mất trong cơn bão năm 1971 cùng nhiều ngư dân khác trong làng tôi còn nhỏ nên phần tôi biết, phần nghe mẹ tôi và dân làng kể lại. Tôi chỉ biết nỗi khổ của những người phụ nữ mất chồng vì cuồng phong trên biển là rõ nhất. Những giọt nước mắt và sự khổ ải mỗi lần mẹ ôm tôi khóc như ngấm vào cả da thịt tôi”, anh Sơn bùi ngùi nhớ lại.
Một buổi chiều năm 1971, khi hàng chục tàu thuyền cùng cả trăm ngư dân dọc những làng chài đang đánh bắt cá trên biển như bao ngày thì bỗng trời trở gió, mây kéo về ùn ùn rồi một trận cuồng phong nổi lên ngoài biển cả, sóng vỗ như bức tường thành đục ngàu vào bờ biển.
Những người phụ nữ làng chài chạy ra bờ biển vừa hướng đôi mắt đỏ hoe nước mắt vừa gọi chồng, gọi cha đang đánh cá nơi xa khơi. Những đứa trẻ đen nhẻm, trần truồng cũng chạy theo mẹ ra bờ biển nhìn về xa xa nơi từng cuộn mây và gió tạo thành những cơn cột đen thui, hung dữ.
Sau trận cuồng phong vài ngày, những chiếc thuyền trở về chỉ lác đác, khác với cả đoàn như lúc ra khơi. Dọc bờ biển các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu những mảng tàu vỡ cùng hàng chục thi thể ngư dân gặp nạn dạt vào bờ.
Năm đó, các làng chài dọc bờ biển Diễn Châu tang trắng bao phủ bao mái đầu những người đàn bà và trẻ nhỏ. Trận cuồng phong đó đã cướp đi sinh mạng cha anh Sơn cùng 44 người đàn ông của làng. Hơn 100 đứa trẻ như anh Sơn mãi là những đứa trẻ mồ côi bố, mẹ anh và hàng chục người phụ nữ khác trở thành góa bụa. Cũng kể từ đó làng chài Hải Nam và nhiều làng chài ven biển Diễn Châu trở thành những làng vọng phu.
Sau bận đó, mẹ anh cũng thương chồng mà sinh bệnh rồi ốm nặng. Sớm mồ côi cha, mẹ ốm nặng mấy chị em Sơn phải đi ăn xin và nhặt cá rơi vãi tại các cảng biển để sống qua ngày. Cuộc sống cơ hàn như vậy nên đã buộc Sơn phải sớm bỏ học, đi làm thuê trên các tàu đánh cá để đỡ đần cho gia đình.
Sơn đi làm thuê cho các chủ tàu để học hỏi nghề biển và với sự thông minh, chịu thương chịu khó cùng vốn bơi lội giỏi nên anh đã sớm trở thành một ngư dân giỏi, đầy kinh nghiệm.
Chống lại “Hải vương” cứu sống hàng chục mạng người
Từ kinh nghiệm những năm làm thuê trên các tàu đánh bắt hải sản và có chút vốn nên anh Sơn sớm có ước mơ có riêng cho mình một con tàu. Anh đã bàn với vợ, từ số tiền tích cóp được và vay mượn thêm từ những nguồn vốn vay hỗ trợ của nhà nước, anh đã mua được chiếc tàu 200 mã lực. Có tàu anh đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục thanh niên làng biển Diễn Bích để giúp nhiều gia đình xóa đói, giảm nghèo.
Đặc biệt, hơn 40 năm bám biển mưu sinh ngư dân Trần Văn Sơn đã bỏ qua mọi kiêng kỵ và dũng cảm 14 lần đối đầu với “hải vương” để cứu sống 21 người, chủ yếu là ngư dân gặp nạn trong các trận cuồng phong trên biển.
Theo quan niệm của ngư dân trước đây, thì khi ra khơi, nếu gặp người đuối nước trên biển không được cứu vì đó là những người đã được thần biển chọn. Nếu không thần biển sẽ bắt người cứu thế mạng hoặc người cứu sẽ bị làm hại trong khi đánh bắt cá, việc làm ăn trên biển sẽ gặp trở ngại. Tuy nhiên anh Sơn không tin vào điều đó.
Như năm 2005, khi đang đánh bắt trên biển thì một trận cuồng phong nổi lên bất chợt. Tàu của anh lắc lư, chìm xuống rồi lại bị hất lên trên những ngọn sóng cao giữa biển khơi. Với kinh nghiệm nhiều năm bám biển của mình anh đã chèo lái được con tàu của mình vượt qua điểm đen của cơn lốc. Lúc còn đang chưa dứt hiểm nguy, trong sóng to, gió lớn, anh phát hiện 4 ngư dân của tàu bạn đang chơi với kêu cứu giữa biển. Không chần chứ, anh Sơn đã dũng cảm lái tàu đến cứu giúp.
“Hôm đó, tôi cứ tưởng anh Sơn cũng chẳng trở về khi sóng cứ dựng cao từng lớp, chiếc tàu cũng dập dềnh, quay cuồng. Thời điểm đó nhảy xuống biển nghĩa là tự sát thế mà chỉ mình anh Sơn thấy người gặp nạn đã ôm chiếc phao nhảy xuống biển cứu người.
Mãi cả tiếng đồng hồ sau không thấy anh Sơn trở về tàu chúng tôi cũng nghĩ anh ấy … Thế mà sau gần tiếng rưỡi đồng hồ chúng tôi thấy anh bám mạn tàu gọi chúng tôi kéo anh cùng 4 ngư dân gặp nạn lên tàu. Anh đúng là người dũng cảm chống lại cả thiên nhiên vì sinh mạng người khác”, anh Phan Văn Hùng (một thuyền viên trên tàu anh Sơn chứng kiến lần cứu người năm 2005) nhớ lại.
Trong năm 2006 và 2007 anh cũng đã nhiều lần cứu giúp được 7 ngư dân của huyện Quỳnh Lưu gặp nạn trong giông bão. Năm 2009, trong một chuyến đánh bắt gần đảo Hòn Mê, tỉnh Thanh Hóa tàu của anh cũng đã phát hiện một tàu cá của ngư dân xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu bị sóng đánh chìm. Cả 5 ngư dân trên tàu nhảy xuống biển kêu cứu trong sóng lớn. Anh cùng các ngư dân trên tàu đã không ngần ngại sóng lớn bơi ra kéo các đồng nghiệp gặp nạn lên tàu.
Với sự dũng cảm đó anh đã 14 lần chồng lại “Hải vương” cứu sống 21 mạng người giữa biển khơi. Nhưng con số đó anh cũng chẳng nhớ bởi với anh “người gặp nạn mình phải cứu” mà chỉ có những thuyền viên bám biển lâu năm cùng anh nhớ giúp anh.
“Đời người dân biển chúng tôi bám biển đã sẵn trong máu từ khi mới lọt lòng. Nhưng nơi chúng tôi mưu sinh cũng là nơi có thể lấy đi sinh mạng của chúng tôi mỗi lúc nổi giận bằng những cơn lốc, gió bão. Tôi đã ngấm và đã thấy cái mất mát, cái khổ cùng cực của những gia đình mất người thân từ biển cả như gia đình tôi. Nên tôi chỉ mong cứu được mạng người để không còn những làng “vọng phu””, anh Sơn bày tỏ.
Anh Thái Bá Hùng (trú tại xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu) một ngư dân được anh Sơn cứu vớt khi gặp nạn trên biển năm 2009 cảm phục nói: “Khi đó, 4 cha con tôi và 1 người cháu vật lộn với sóng dữ đã đến hồi kiệt sức. Rất may có anh Sơn đến cứu kịp thời, nếu không chúng tôi cũng đã bỏ mạng ngoài khơi rồi. Giờ cũng chẳng biết lấy chi để báo đáp bởi chính anh Sơn đã cho gia đình tôi được sống thêm một lần nữa”.
Không chỉ cứu người gặp nạn mà vợ chồng anh còn là những người nhân hậu hết mực. Cách đây 10 năm biết một gia đình đứa trẻ tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu có hoàn cảnh khó khăn đã nhận về nuôi dưỡng. Giờ đây, đứa trẻ được vợ chồng anh nuôi dưỡng đã lớn khôn và vào miền Nam làm việc./.
Xuân Hòa