Kenya vừa đưa ra lệnh phạt được coi nghiêm khắc nhất trên thế giới với bất cứ hành vi mua bán, nhập khẩu, sử dụng túi nilong. Cụ thể, bất cứ ai vi phạm sẽ bị phạt từ 19,000 USD tới 38,000 USD và đối diện với án tù tối đa 4 năm.
Sau nhiều năm trì hoãn, cuối cùng lệnh cấm sử dụng túi nilong chính thức có hiệu lực ở Kenya. Với bất cứ hành vi mua bán, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng túi nilong sẽ đối diện với mức phạt tối đa 38,000 USD hoặc 4 năm tù. Được biết, đây là mức phạt được coi nghiêm khắc nhất thế giới khi túi nilong đang được cho là nguyên nhân gây tắc nghẽn đại dương và giết chết sinh vật biển.
Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực tại quốc gia châu Phi này. Điều này cũng có nghĩa toàn bộ túi nhựa bị loại bỏ khỏi chuỗi các siêu thị, cửa hàng mua sắm. Theo ban quản lý môi trường quốc gia, du khách khi đến Kenya cũng bị yêu cầu bỏ lại túi nilong ở sân bay. Ngoài Kenya, hơn 40 quốc gia khác bao gồm Trung Quốc, Hà Lan, Pháp, Italia, áp dụng mức thuế với túi nilong, hạn chế sử dụng hoặc cấm dùng.
Tại Rwanda, quốc gia nhỏ nằm ở vùng hồ thuộc trung đông Phi, sử dụng túi nhựa là bất hợp pháp. Anh cũng đưa ra mức phí 5 pence tại các cửa hàng từ năm 2015, dẫn tới việc giảm 80% sử dụng túi nilon so với trước kia. Tại Mỹ ở thời điểm hiện tại chưa áp dụng việc hạn chế dùng túi nhựa. Mặc dù vậy, ở các bang như California và Hawaii cấm dùng túi không phân hủy được.
Theo số liệu từ Liên Hợp Quốc, người tiêu dùng ở Kenya được cho là dùng khoảng 100 triệu túi nilon/năm. Chính quyền tại quốc gia này đưa ra thời hạn 6 tháng để người dân tự điều chỉnh thói quen dùng túi nhựa. Thời hạn kết thúc vào ngày 27/8 vừa qua. Trước đó, Kenya từng cố gắng ngăn chặn túi nilon vào năm 2007 và 2011 nhưng chưa đạt hiệu quả.
Quy định mới áp dụng mức phạt lên tới 19,000 USD đến 38,000 USD hoặc 4 năm tù giam với những cá nhân sản xuất hay nhập khẩu túi nhựa. Theo Cơ quan quản lý môi trường quốc gia, các loại túi nhựa dùng trong bao bì công nghiệp được miễn thuế. Thay vì túi nhựa trước kia, chính phủ Kenya khuyến khích người dân dùng túi có thể tái sử dụng, bao gồm các loại túi giấy, túi làm từ chất liệu vải hay xơ.
Theo kết quả nghiên cứu từ Dự án môi trường Liên Hợp Quốc, toàn thế giới hiện nay có khoảng 8 triệu chất nhựa dẻo từ túi nhựa thải ra đại dương. Với lượng thải hiện tại, tới năm 2050, thậm chí người ta sẽ dễ dàng “đánh bắt” được túi nilong nhiều hơn là hải sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới động vật hoang dã và du lịch. Tại Kenya, thậm chí người ta còn thấy túi nhựa trong dạ dày bò khi chúng bị đem đi giết mổ.
Theo Dantri