(Baonghean.vn) - Ngày ngày trong ngôi nhà nhỏ ở làng Nam Chính, xã Phúc Thành (Yên Thành) người ta vẫn nghe ngân vang những giai điệu dân ca thiết tha, ngọt ngào. Dân làng Nam Chính gọi vui đó là "ngôi nhà hát".

images1665909_bna_57bd8cd930edb.jpgCác thành viên trong gia đình ông Trần Văn Thành cùng quây quần hát dân ca ví giặm.

Một chiều chớm thu, trong căn nhà nhỏ, ông thổi sáo rồi đánh đàn, bà và các con cháu ngồi quây quần bên nhau cất cao làn điệu ví giặm sâu lắng. Sau mỗi bài hát, mọi người lại hòa vào tiếng cười giòn tan, không khí gia đình trở nên ấm áp. Ông Trần Văn Thành, hiện công tác tại Ban văn hóa xã Phúc Thành cho biết: “Các cháu lập gia đình đều ở gần đây nên đại gia đình thường xuyên tụ tập cùng nhau hát cho vui. Đây cũng là cách mà gia đình truyền tình yêu ví giặm cho con cháu”. Vậy là vào những ngày cuối tuần hay các dịp lễ, bà con hàng xóm láng giềng lại được thưởng thức những làn điệu dân ca mượt mà của các thành viên trong gia đình ông Thành.

Thuở mới lọt lòng ông Thành đã được nghe dân ca, ví giặm qua những lời ru ngọt ngào của mẹ, rồi bị những giai điệu ấy "bỏ bùa" nên từ nhỏ ông đã rất mê ca hát. Ông nội rồi đến cha của ông Thành cũng là những cây văn nghệ có tiếng của làng. Học xong THPT ông về tham gia công tác đoàn từ năm 1982, cũng từ đó ông bắt đầu dành nhiều thời gian cho phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương. Năm 1987 ông làm Đội trưởng Đội Văn nghệ kiêm Phó Bí thư đoàn xã Phúc Thành. Trong những năm làm Đội trưởng Đội Văn nghệ, ông Thành đã tham gia nhiều cuộc thi kịch ngắn sân khấu không chuyên của tỉnh Nghệ Tĩnh và nhiều lần đạt giải nhất ở cuộc thi này.

Vợ chồng ông Thành bà Hiên bén duyên nhờ dân ca. Nay chính họ giữ vai trò trao truyền điệu hò, câu ví tới các cháu con trong đại gia đình.

“Có lẽ mình có duyên sinh ra làm văn hóa, văn nghệ nên ở nhiệm vụ nào cũng có cơ hội thể hiện niềm đam mê với dân ca, ví giặm” - ông Thành bộc bạch. Trong vai trò là một cộng tác viên thông tin tuyên truyền nhiệt huyết của huyện Yên Thành và là người dẫn dắt phong trào văn hóa ở địa phương, hàng năm ông Thành đứng ra tổ chức cho CLB dân ca ví giặm xã Phúc Thành tham gia các hội thi do huyện và tỉnh tổ chức.

Trong CLB dân ca, ví giặm xã Phúc Thành mà ông Thành giữ vai trò hạt nhân đã đạt rất nhiều thành tích. Có thể kể: Giải Nhì Liên hoan CLB dân ca Nghệ An năm 2011, giải Nhì Liên hoan dân ca, ví giặm tỉnh và tham gia chung kết Liên hoan CLB dân ca, ví giặm Nghệ Tĩnh tổ chức tại Hà Tĩnh năm 2013; giải Nhất cụm 1 Liên hoan CLB dân ca Nghệ An năm 2014… Cá nhân ông cũng nhiều lần được xướng tên vinh danh trong các liên hoan, hội diễn do huyện và tỉnh tổ chức. Ngoài ra ông còn là người giữ vai trò giàn dựng chương trình và viết kịch bản cho CLB dân ca của xã. Trong đó có các tác phẩm gây được tiếng vang trên quê lúa như: “Mùa cưới”, “Tháng Năm nhớ Bác”…

Câu ca, điệu ví đã “xe duyên” anh cán bộ xã với cô gái hát dân ca ngọt ngào Nguyễn Thị Hiên. Từ năm 1979, bà Hiên đã là một trong những hạt nhân của phong trào văn nghệ của xã nhà, giọng hát ngọt ngào, sâu lắng của bà từng làm “đốn tim” bao chàng trai làng.  “Sở dĩ tôi có thể có thể dành thời gian để “ăn cơm nhà, vác tù và… là nhờ có bà ấy động viên, hỗ trợ" - ông Thành tự hào chia sẻ. 

Anh Trần Văn Trung và bố trong một tiết mục biểu diễn tại gia

Tình yêu dân ca ví, giặm của vợ chồng ông Thành bà Hiên đã "lan" sang các con. Cả 3 người con của ông bà, 1 trai, 2 gái đều bị ví giặm "bỏ bùa". Đặc biệt là anh con trai cả Trần Văn Trung (hiện giáo viên Trường Tiểu học xã Phúc Thành) đã sớm có niềm đam mê mãnh liệt với ví giặm. Nhà ông Thành là chốn hội tụ của các thành viên đội văn nghệ xã. Từ không gian ấy, dân ca đã "ngấm" vào Trung lúc nào chẳng hay.  Rồi anh thường xuyên theo cha mẹ đi biểu diễn khắp nơi để rồi từ đó Trung sớm chắt lọc được tinh hoa của câu dân ca quê hương.

Năm 2003, Trần Văn Trung tham gia “Liên hoan giọng hát hay, tay đàn giỏi” do tỉnh Nghệ An tổ chức, sau này, Trung tiếp tục tham gia các hội diễn, của địa phương, của trường học, là một thành viên của đội tuyển dân ca huyện Yên Thành. Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm âm nhạc, Trung về công tác tại Trường Tiểu học xã Phúc Thành. Mặc dù bận rộn nhưng anh vẫn dành thời gian tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương, hiện cả ông Thành và anh Trung, chị Hồng (vợ anh Trung) đều là thành viên CLB dân ca, ví giặm xã Phúc Thành.

Chiều chớm thu, ngôi nhà tràn ngập tiếng hát. Tôi thấy mình may mắn khi được đắm mình trong không gian đặc biệt ấy. Những đứa trẻ chỉ vừa biết nói đã bi bô hát những làn điệu dân ca ví giặm. Mới hiểu tại sao Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh được thế giới vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Lan Thái

TIN LIÊN QUAN