.
bna_15540778_1742022.jpgĐền Thống Chinh được xây dựng vào thế kỷ XVI để thờ Nghĩa Quận Công Tống Tất Thắng (1487 - ?) - Người có nhiều công lao trong việc hộ quốc an dân, dẹp giặc, củng cố triều chính, phục vụ sự nghiệp trung hưng nhà Lê. Ông từng đảm trách nhiều chức vụ quan trọng, được phong tước Nghĩa Quận Công. Nguyên xưa, đền gồm nhiều tòa uy nghi, nhìn ra sông Lam. Trong chiến tranh, đền bị xuống cấp và sụp đổ hoàn toàn. Năm 2001, đền đã được xây dựng lại. Năm 2014, đền được trùng tu, tôn tạo có diện mạo như ngày hôm nay. Ảnh: Huy Thư
Hiện trong khuôn viên đền có các hạng mục, cổng tam quan, bái đường, chính điện, nhà bia… Các công trình này đều được bê tông hóa kiên cố với kiểu dáng kiến trúc truyền thống. Nhà bia bên phải có bia đá cổ. Tấm bia này được dựng vào năm 1853 khắc gần 400 chữ Hán. Tác giả bài văn bia là Thám hoa Nguyễn Văn Giao và Giải nguyên Nguyễn Hữu Lập, những vị đại khoa nổi tiếng vùng "năm Nam" . Ảnh: Huy Thư
Nội dung văn bia ca ngợi công đức của Nghĩa Quận Công đối với quê hương, đất nước, trong đó có đoạn viết (tạm dịch): "Ba trăm năm mươi năm đã trải qua mà chính khí vẫn vang danh khiến lòng người càng mến mộ, khiến chúng ta vẫn cảm thấy như người còn ở trên đời, chúng ta vẫn còn được gặp người ở đây, trên bảng vàng khoa cử có tên người ở hàng đầu…. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng tấm gương trung liệt của người vẫn mãi mãi trong xanh như nước hồ Đàm Thủy". Ảnh: Huy Thư
Theo Ban Quản lý đền, thời kỳ chiến tranh ác liệt, đền bị xuống cấp, người dân địa phương không có điều kiện chăm sóc, tu bổ, nên làng Phú Thọ (xã Nam Tân cũ) lúc ấy đảm trách việc thờ cúng đã di chuyển bàn thờ thần và rước đồ tế khí về nhà thờ họ Nguyễn Hữu ở trong vùng. Ảnh: Huy Thư
Hiện nay đồ tế khí cổ kính cũng như sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam ban cấp cho đền Thống Chinh vẫn đang được dòng họ cất giữ, bảo quản gần như nguyện vẹn. Bộ sắc phong 19 bản là tư liệu quý liên quan thân thế và sự nghiệp của Nghĩa Quận Công Tống Tất Thắng. Trong 19 sắc phong thì 10 bản do các triều vua thời Lê ban cấp, 9 bản thuộc về triều Nguyễn. Bản sắc phong cổ nhất ban cấp năm 1670 thời Lê, niên hiệu Cảnh Trị, bản mới nhất là năm 1924 thời Nguyễn, niên hiệu Khải Định. Ảnh: Huy Thư
Trong bộ hiện vật cổ quý của đền Thống Chinh có 1 chiếc mũ thờ làm bằng kim loại, được tạo tác công phu, tinh xảo, trang trí rồng phượng, hoa văn đẹp mắt. Ảnh: Huy Thư
Giống như chiếc mũ cổ, đôi hia cổ cũng được tạo tác bằng kim loại. Hia có màu đen, cao khoảng 0,4m. Xung quanh hia được trang trí hoa văn, dát kim loại màu vàng óng ánh. Cả mũ và hia cổ được bảo quản cẩn thận trong những hộp gỗ. Ảnh: Huy Thư
Những đồ tế khí bằng kim loại như cổ bồng, mâm, chén, oản, cọc sáp, chim hạc, chuông, hay đồ tế khí bằng gỗ như long ngai, kiệu rồng, gươm đao, giáo mác... khá nguyên vẹn. Ảnh: Huy Thư
Do điều kiện lịch sử, đền Thống Chinh thờ Quận Công Tống Tất Thắng đã phải trải qua những giai đoạn thăng trầm. Sau hơn nửa thế kỷ chỉ còn dấu tích, đền đã được khôi phục xây dựng khang trang trên núi Quải Bái, nhưng đồ tế khí cổ kính lại đang được thờ, cất giữ, bảo quản ở 1 nhà thờ họ trong vùng. Ảnh: Huy Thư
Sau khi khôi phục không lâu, đền Thống Chinh đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh và là một trong những di tích quan trọng liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Tống Tất Thắng ở huyện Nam Đàn. Ảnh: Huy Thư