(Baonghean) - Tựa lưng vào núi Ngọc sừng sững, được sông Lam, sông Gang bồi đắp vỗ về, làng Ngọc Sơn (xã Ngọc Sơn, Thanh Chương) là nơi hội tụ linh khí đất trời, để làm nên hồn cốt của một vùng quê nổi tiếng với bề dày văn hoá hun đúc tự ngàn xưa. Quần cư dưới chân núi Ngọc (rú Nguộc) nên tên làng gọi là Ngọc Sơn…

Nơi đây, núi non, sông nước giao hoà. Lưng chừng núi Ngọc, ẩn giữa cây rừng cổ thụ sum suê là đền thờ thánh Ba. Tương truyền, Ngài đi đánh giặc về, tạ thế ngay chân núi, dân làng chài chôn cất và lập đền thờ tự. Qua thời gian, chiến tranh đổ nát, đền đã được khôi phục, nhân dân khói hương chu đáo, tiếng suối Cửa Đền róc rách ngày đêm làm huyền bí thêm những câu chuyện mà dân gian truyền tụng. Từ cửa đền thu vào tầm mắt xóm làng, sông, bãi, nhấp nhô. Trước mặt, bên trái là cồn Mả tổ, nơi yên nghỉ của các vị thủy tổ dòng họ Nguyễn Cảnh – một vọng tộc của xứ Nghệ với 18 quận công, 76 tước, hầu, và nhiều cống hiến lớn lao cho sự nghiệp hộ quốc an dân trong thời hậu Lê. Tiêu biểu như: Phúc khánh Quận công Nguyễn Cảnh Huy, Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan… Làng Ngọc Sơn tự hào là nơi phát tích một dòng họ trâm anh thế phiệt; giữa làng, nay còn có nhà thờ thứ chi. 

Đình làng Ngọc Sơn (xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương).
Đình làng Ngọc Sơn (xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương).

Làng xưa có 3 xóm: Ao, Cồn, Nha. Xóm Cồn sát bến sông, ngày trước tồn tại 2 ngôi đền đứng gần nhau dưới bóng những cây sui, cây quắn hàng trăm năm tuổi. Đền Cả thờ Bụt, còn gọi là chùa Bà Bụt, uy nghi với nền tế trời ba cấp. Đền Hai thờ Cao Sơn, Cao Các thượng đẳng đại vương. Trong chiến tranh, đền Cả bị dỡ, đền Hai bị bom Mỹ ném sập. Dấu tích còn lại của đền xưa là vườn cây rậm rạp, những hòn đá kê chân cột và một tảng đá lớn, tương truyền là ngôi mộ thần linh thiêng. Xóm Cồn một thời có tên Bàn Thạch là vì vậy.

Cạnh chợ Tàu là quán Ngọc Sơn gồm hai nhà: thượng, hạ. Quán thờ ông Lỗ Ban – vị thần của “làng thợ” và Phục Hy Thần nông Hoàng đế - vị thần của dân cày. Mỗi năm, dân “làng thợ” và dân “làng cày” tổ chức cúng thần để cầu mong sức khoẻ, mùa màng và nghề nghiệp hanh thông. Trong khuôn viên quán xưa, làng dựng một nhà bia chữ Hán ghi danh những người có học, làm quan, có chức tước, có công trong làng. Những năm “bình dân học vụ”, trẻ con, người già náo nức về đây. Quán là trường học cho làng. Sau chiến tranh, quán chỉ còn bia đá, trên nền đất xưa bây giờ là trạm xá xã Ngọc Sơn.

Gần chợ, cạnh quán là đình Ngọc Sơn. Theo các cụ cao niên, đình được xây dựng từ thời vua Tự Đức, thờ Thành hoàng làng và là nơi sinh hoạt cộng đồng làng xã. Đình thượng chạm trổ hoa văn rất đẹp bởi bàn tay khéo léo của người thợ Ngọc Sơn. Đình hạ 3 gian 2 hồi, “mấy dãy cột lim người ôm không xuể”, tất cả đều lợp ngói âm dương. Cổng đình hai cột uy nghi, Nghê chầu trên đỉnh. Đình làng có một cái chiêng, một cái trống to bằng “nống nậy” chỉ đánh những khi tế lễ. Những ngày cách mạng, dân làng tập trung tại đình Ngọc Sơn để nghe diễn thuyết, đi cướp chính quyền. Trong kháng chiến chống Mỹ, những năm 1966 - 1967, Trường Đảng Lê Hồng Phong đã di tản về làng, từng lấy đình Ngọc Sơn làm trụ sở. Đơn vị quân đội 249 cũng từng về đóng ở nơi đây… Sau thời gian dài vắng bóng đình xưa, do bom đạn, nắng mưa tàn phá, đầu năm 2013, đình Ngọc Sơn đã được khôi phục khang trang trong sự mong đợi của người dân. Những ngày lễ tết, con cháu tha phương lại được về thắp hương trong mái đình làng cổ. 

Theo cụ Nguyễn Văn Xuân 87 tuổi, làng xưa trù mật, đời sống dân cư khấm khá, nhiều người học hành đậu đạt, thông nho. Đàn bà, con gái chăm chỉ lúa ngô, siêng quay tằm dệt lụa. Đàn ông, con trai giỏi chuyện cày bừa, khéo tay làm mộc, xong mùa vụ là đi làm nghề tứ xứ. Ông cố của cụ Xuân cũng là một trong những người thợ đã góp sức làm nên đình làng. Nghề mộc của làng không chỉ nổi tiếng trong vùng, trong huyện, mà còn lan ra hàng tỉnh: “Thợ cưa Nghi Lộc, thợ mộc Ngọc Sơn”. Ban ngày, mọi người chuyên chú làm ăn. Đêm về, không kể trai thanh gái lịch, đều say mê hát vè, hát ghẹo, hát phường vải giao duyên. Dân trong làng còn lập phường hát ghẹo, mỗi phường thường có một “thầy bắt chuyện” giỏi chữ Nho, hay thơ phú, đưa đi hát các làng và mời các làng về hát. Những đêm trăng sáng, mê hát thâu đêm, tận cả miệt Nam Đàn. Câu ghẹo đối đáp năm nào, người Ngọc Sơn còn nhớ như in: “Gái Xuân Liễu, đi chợ Liễu, mặt hoa má liễu, đẹp bằng tiên/ Trai Ngọc Sơn, đội nón sơn, chân đi giày sơn, hình giống tướng”… 

Sông Lam đã bồi bãi trước. Chợ Tàu đã dời về sau. Lỗ chỗ hố bom trên núi Ngọc đã lành vì màu xanh cây núi. Dẫu bao sự đổi thay, mảnh đất này vẫn còn in khắc những nếp xưa làng cổ, đậm hồn quê Việt. Về Ngọc Sơn, ngắm mái đình làng, nghe câu hát dân ca, thêm nặng tình đất, tình người! 

Bài, ảnh: Huy Thư