Diễn ra trong bối cảnh, mối quan hệ Trung - Ấn đang tăng nhiệt sau quyết định mới đây của chính quyền New Dheli liên quan đến khu vực Kashmir cũng như những căng thẳng thương mại thời gian qua, chuyến đi lần này là thách thức ngoại giao không hề nhỏ trong việc hóa giải căng thẳng giữa hai bên!
“Chuyện 3 người”
Một trong những hành trang quan trọng hàng đầu mà Ngoại trưởng Ấn Độ mang đến Trung Quốc lần này phải kể đến là hồ sơ Kashmir đang nóng lên những ngày qua.
Thực tế, việc Ấn Độ ra quyết định chấm dứt quy chế đặc biệt tại khu vực Kashmir, sáp nhập với hai bang của Ấn Độ không chỉ khiến nước láng giềng Pakistan giận dữ.
Động thái này ngay lập tức cũng đã khiến Trung Quốc “không hài lòng”. Đơn giản, Bắc Kinh vốn khẳng định quyền kiểm soát khoảng 1/5 diện tích khu vực Kashmir nhiều tranh cãi, bao gồm cả cao nguyên Aksai Chin - nơi Bắc Kinh giành quyền chiếm giữ trong cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ năm 1962.
Bởi thế những ngày qua, nếu như Pakistan hạ cấp quan hệ, tạm đình chỉ mọi giao dịch về thương mại với Ấn Độ thì Trung Quốc cũng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ động thái của New Dheli.
Bắc Kinh cũng không ngại tuyên bố ủng hộ Pakistan “trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nước này; đồng thời cũng sẽ hỗ trợ vì sự công bằng cho Pakistan”.
Những diễn biến mới nhất đang khiến mối quan hệ Trung - Ấn tiếp tục phủ bóng đen, kể từ sau cuộc đụng độ biên giới ở Doklam hồi năm 2017.
Bất chấp hai bên đã có một số động thái nỗ lực xây dựng lòng tin, nhưng quyết định mới nhất của Ấn Độ một lần nữa lại khiến quan hệ hai bên dậy sóng.
Diễn ra trong bối cảnh như vậy, chuyến thăm Trung Quốc lần này của Ngoại trưởng Ấn Độ được cho là nhằm xoa dịu căng thẳng hai bên cũng như chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh không chính thức giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dự kiến diễn ra tại Ấn Độ vào tháng 10 tới đây.
Vì thế, một nội dung đáng chú ý nữa trong chuyến công du lần này phải kể đến là cuộc họp thứ hai của Cơ chế cấp cao Ấn Độ - Trung Quốc (HLM) về giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân.
Ý tưởng này vốn được hai bên khởi xướng tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức giữa nhà lãnh đạo hai nước hồi tháng 4/2018 tại Vũ Hán năm ngoái.
Có thể hai bên hy vọng rằng, mối giao lưu hợp tác về văn hóa, du lịch, thể thao... phần nào làm dịu đi những căng thẳng chính trị và tranh chấp lãnh thổ thời gian qua.
Mặt khác về phần mình, New Dheli có lẽ cũng muốn phân hóa bên thứ 3 là Pakistan trong mối quan hệ 3 bên vốn đã quá nhiều phức tạp: Trung Quốc - Ấn Độ - Pakistan!
Nhiều toan tính
Phải khẳng định rằng, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biên giới từ xưa đến nay vẫn là rào cản lớn nhất giữa hai nước láng giềng Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong bối cảnh mới, khi cả Bắc Kinh và New Dheli đều muốn tăng cường ảnh hưởng và vị thế trong khu vực, không ít ý kiến bình luận, những căng thẳng này sẽ được thổi bùng lên vào những thời điểm khác nhau để tạo lợi thế cho một bên nào đó.
Đơn cử như quyết định mới nhất loại bỏ quy chế đặc biệt của Kashmir, giới quan sát cho rằng, không phải Ấn Độ ngẫu nhiên lại đưa ra quyết định vào thời điểm này.
Trung Quốc đang phải gồng mình ứng phó với cuộc chiến thương mại với Mỹ cùng không ít tính toán khác trong khu vực, rõ ràng việc “giữ êm” khu vực biên giới Kashmir đầy tranh cãi sẽ bớt đi một mối bận tâm cho chính quyền Bắc Kinh.
Tất nhiên, Ấn Độ hiểu rất rõ điều đó, và lại càng muốn đối phương “thêm rối”. Chưa hết, nhiều luồng thông tin còn cho hay, có thể Ấn Độ sẽ “cấm cửa” Huawei của Trung Quốc như cách mà Mỹ đã làm.
Ấn Độ một mặt cảnh giác với chiến lược “Vành đai - Con đường” có cái bắt tay giữa Trung Quốc - Pakistan; mặt khác vẫn có nhu cầu hợp tác với Bắc Kinh do cả hai đều là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Cũng có ý kiến cho rằng, rất có thể việc cùng phải ứng phó với những xung đột thương mại với Mỹ sẽ vô tình khiến hai nước Trung Quốc và Ấn Độ xích lại gần nhau.
Đến nay, nếu như Trung Quốc bị Mỹ áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa thì Ấn Độ cũng bị chính đồng minh Mỹ áp thuế 25% lên mặt hàng thép và 10% với mặt hàng nhôm.
Hồi đầu tháng 6, Ấn Độ cũng chính thức bị loại khỏi hệ thống ưu đãi thuế quan của Mỹ. Bởi thế, không khó hiểu khi mới đây, các quan chức ngoại giao Trung Quốc đã “ngỏ lời” liên thủ với Ấn Độ để cùng ứng phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại chưa hạ nhiệt.
Hẳn nhiên, trong bối cảnh dường như Trung Quốc đang cần Ấn Độ nhiều hơn là chiều ngược lại, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi sẽ biết cách “lợi dụng tình thế” để tăng sức ép trong các vấn đề khác, đơn cử như vấn đề tranh chấp biên giới lãnh thổ với Pakistan.
Vì vậy, có ý kiến còn cho rằng, thực tế thời gian qua, Trung Quốc không muốn “dấn sâu” và can thiệp nhiều vào tranh chấp lãnh thổ giữa Ấn Độ và Pakistan, do không muốn căng thẳng với New Dheli.
Điều này lý giải vì sao, bất chấp Ấn Độ những ngày qua đã đưa gần 80.000 nghìn binh sĩ đến khu vực Kashmir thì phía Trung Quốc chỉ dừng ở các tuyên bố cảnh báo, chỉ trích mà thôi!
Và cũng không phải ngẫu nhiên, chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn Độ Subramanyam đến Trung Quốc diễn ra gần như đồng thời với chuyến công du cũng đến Bắc Kinh của Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi.
Chắc hẳn trong các cuộc thảo luận, đàm phán với Ngoại trưởng Pakistan và Ngoại trưởng Ấn Độ lần này, người đồng cấp Vương Nghị cũng như các quan chức Trung Quốc sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng, để vừa làm an tâm đồng minh Islamabad vừa không “làm căng” với “đối tác tình thế” New Dheli.
Đặc biệt trong bối cảnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã sẵn sàng cho một cuộc chiến tiền tệ nóng bỏng với Trung Quốc những ngày tới đây./.