Tuy nhiên, khó khăn đang “dựng đứng” như núi cao trước mặt, bắt buộc họ phải dày công, phải học hỏi rất nhiều từ thực tiễn, từ các bậc tiền bối, trước hết từ những con người xứ Nghệ nổi danh trong lịch sử bóng đá nước nhà.
Một trong những bậc tiền bối đó là tuyển thủ Ngô Xuân Quýnh, người đam mê chơi bóng từ mảnh đất Hưng Nguyên, từ Thành Vinh… để rồi vươn ra Thể Công, ra cả nước và thế giới, trở thành “từ điển sống của bóng đá Việt”.
Báo chí truyền thông viết rất nhiều về sự kiện năm 1967, khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo đoàn vận động viên bóng đá Việt Nam đi tập huấn tại Triều Tiên, người con xứ Nghệ được giao làm trưởng đoàn là Ngô Xuân Quýnh đã phát biểu một câu rất nổi tiếng “sẽ về thi đấu trên sân Vườn Ông Thượng giữa Sài Gòn giải phóng!”.
Đó là khát vọng hòa bình của cả dân tộc, của những người lính, những cầu thủ mặc áo lính! Câu chuyện ấy nói lên rằng, khi khát vọng của những-người-lính-đá-bóng hòa chung với khát vọng của mọi người thì ắt đi tới thành công.
Là một trong những cầu thủ đầu tiên (1954) của Thể Công, từng được bầu chọn là “1 trong 11 cầu thủ tiêu biểu” (1958), Ngô Xuân Quýnh khi đảm trách các nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý Thể Công đều đưa đội bóng này lên vị trí số 1 của bóng đá nước nhà lúc bấy giờ. Ông khẳng định như đinh đóng cột “Cầu thủ Thể Công về chuyên môn phải đạt kiện tướng, về quân sự phải đeo hàm cấp úy, về văn hóa phải học xong phổ thông trung học”!
Ấy là yêu cầu rất cao, rất toàn diện, tài đức đi liền nhau, là bản lĩnh và ý chí của người làm nên chiến thắng, của những người luôn luôn vươn lên để trở thành là số 1 và sau đó còn khó khăn hơn là giữ vững ngôi vị số 1!
Hai mùa bóng 1980, 1981, Thể Công thi đấu bết bát ở giai đoạn 1, Ngô Xuân Quýnh lại xung trận, lại “cầm” và vực dậy đội bóng và ông ngay lập tức đưa đội bóng trở lại quỹ đạo vốn có. Trước đội bóng, như trước hàng quân chỉnh tề, Ngô Xuân Quýnh đọc lời hiệu triệu làm nức lòng quân sỹ (sau này được coi như “Hịch bóng đá”) : “Hỡi toàn đội! Hãy nêu cao ý chí/ Đem tấm lòng son để giành lấy vinh quang/ Để có hôm nay đàn anh của chúng ta đã đổ bao mồ hôi…và có cả máu xương/ Ta, hậu thế-quyết noi gương tiền bối…”*!
Ấy là bản lĩnh vượt khó của người cầm quân, vị chỉ huy nghiêm khắc, đồng thời cũng lại là nhà chính trị mềm mỏng, khéo léo để động viên tinh thần, nâng cao ý chí cá nhân và cả tập thể, đồng lòng vượt qua thử thách chông gai, đi tới thắng lợi.
Năm 1985, Giải bóng đá Nhi đồng toàn quốc lần đầu tiên ra mắt, Ngô Xuân Quýnh chính là người nghiên cứu, cho ban hành và được quyền quyết định các vấn đề liên quan như quy định, luật thi đấu, sân bãi, số lượng cầu thủ tham gia… Ấy là người đột phá, đi đầu, mở ra cả không gian rộng lớn cho bóng đá phong trào, bóng đá trẻ.
Và sẽ không ngoa nếu nói rằng, bóng đá Việt gặt hái thành công hôm nay bắt nguồn từ những đóng góp từ hôm qua của nhiều người, trong đó không thể không nhắc đến vai trò của ông Ngô Xuân Quýnh, khi còn là cầu thủ, rồi huấn luyện viên, trưởng đoàn và các vai trò quan trọng ở Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
Thế đấy, khó khăn, gian khổ thời nào cũng có và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhiệm vụ nào, những người lính như Ngô Xuân Quýnh luôn phát huy cao độ phẩm chất, bản lĩnh đáng quý của người Nghệ. Đó là luôn nêu cao khát vọng phấn đấu, luôn vươn lên số 1 và phải giữ vị trí số 1, luôn linh hoạt, khôn khéo, luôn đột phá, sáng tạo.
Những nhà cầm quân xứ Nghệ hôm nay, những Quang Trường, Huy Hoàng, Văn Quyến, Như Thuật, Quốc Vượng… ở các chiến tuyến khác nhau, khó khăn, thuận lợi khác nhau nhưng hãy đồng lòng, chung hướng, học để sáng tạo như cách của Ngô Xuân Quýnh và nhiều người khác, như chính lời “hịch” năm nào của ông còn vang vọng mãi “Ta, hậu thế-quyết noi gương tiền bối”!