(Baonghean)- Làng quê Việt Nam đều có nét chung dọc đường làng rất nhiều bóng tre và hình ảnh những ngõ quê, ngõ tre gắn bó thân thiết.  Ngõ có gì lạ đâu chỉ là ranh giới để phân biệt nhà này, nhà nọ; tường này, tường kia. Nhưng mỗi cái ngõ của mỗi nhà có một số phận riêng, dáng dấp riêng, một tính cách riêng.Mỗi miền quê, vùng quê, ngõ quê cũng khác. Hình như chủ nhà thế nào thì ngõ nhà thế ấy. Ngõ quê, ngõ nhà cho ta biết được quá khứ đã qua, hiện tại đang sống và tương lai tới gần. Ngõ quê giống như bìa sách cẩm nang đời sống mà mở ra ta sẽ bắt gặp muôn sắc thái, sắc màu của sinh hoạt đời thường, của gia phong ứng xử, của nếp nhà, nết người. Có cái thâm trầm bí ẩn tường cao cửa rộng, có cái đơn sơ nhưng không tạm bợ bao giờ. Bởi vì ở đó, qua khuôn cửa đó định hình một sự định vị vững chãi và mực thước.

Tôi nhớ ngõ quê có khi chỉ là một vòm cong của tán cây được tỉa xén   cẩn thận. Đường từ cổng vào nhà là những hàng rào dâm bụt đều tăm tắp có những ngọn dây nan hảo quấn quýt. Lá thì mướt xanh, hoa thì nở thắm với những hàng cau cao vút như một chuẩn mực sống thanh cao, thanh thoát. Từ ngõ vào sân là cả một thế giới bao nhiêu là cây, bao nhiêu là thế. 

Cây cảnh dáng trực, dáng mềm, có dáng cao sang lại có dáng khiêm nhường ẩn khuất. Cau trước, chuối sau và rất nhiều vườn quê trồng bưởi. Thi sĩ Xuân Diệu đã từng ngẩn ngơ: “Hoa bưởi thơm rồi đêm đã khuya”. Chỉ có đêm thật khuya thật vắng mới nhận ra hương bưởi, hương của mái tóc “Người đàn bà giấu tóc vào đêm”. Mâm ngũ quả ngày Tết không thể thiếu bưởi, cỗ Trung thu quả bưởi - quả trăng ấy là trung tâm để xúm quanh nào là hồng, na, ổi…

Một góc làng quê ở Nghĩa Tiến, Thái Hòa - Ảnh Văn Hải
Một góc làng quê ở Nghĩa Tiến, Thái Hòa - Ảnh Văn Hải

Hình như trong mỗi con người đều có những ký ức sâu thẳm nhất là khi đã xa quê. Vùng nhớ ngõ quê vừa có gì thăm thẳm neo buộc, vừa rộng mở, ôm ấp, vừa nhẹ nhàng đón đưa, vừa dịu dàng khép kín. Nhớ ngõ quê là nhớ bóng gầy của mẹ lưng còng quét lá. Mẹ quét sân, quét vườn quét cả ra ngoài ngõ cho đẹp làng, sạch xóm.

Ngõ quê nối nhau giăng mắc vào nhau, ơi ới tiếng mời uống nước chè xanh ăn củ khoai đầu mùa hôi hổi nóng. Mọi tin tức buồn vui cũng bắt đầu từ ngõ quê, ngõ nhỏ mà lan sang, tràn sang vui buồn với cả xóm, cả làng. Người Việt là thế “Bầu ơi thương lấy bí cùng – Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Cái giàn bầu, giàn bí, cánh tay bí, tay bầu đã nâng đỡ tựa vào nhau để thỏng quả lớn xuống, lớn dần không chỉ bằng hình dáng mà bằng sự trĩu nặng yêu thương mong được đến gần hơn tay người hái bởi lưng mẹ ngày một còng thêm, ngõ quê ngày một rộng thêm và đường làng ngày một xa thêm.

Ta nhớ ngõ quê là nhớ những ngày hè nằm trên chiếc chõng tre nghe tiếng ve lổ đổ úp mặt vào bức tường mùa hạ. Đời người theo thời gian già đi, ngõ quê cũng mòn dần theo năm tháng. Cái tiếng kẹt cửa đôi lúc làm ta giật mình. Bước qua ngõ quê là bước vào một thế giới bình an ăm ắp kỷ niệm.

Chạm vào ngõ quê là chạm vào ký ức. Qua bao biến đổi thăng trầm ngõ quê vẫn còn, mở rộng ra cánh cổng làng vẫn còn. Và vẫn còn hương ước - hương ước của tình người, hương ước của những nếp gia phong: “May còn cánh cửa ngõ quê -  Đi mô rồi cũng nhớ về… mẹ ơi!”.

Nguyễn Ngọc Phú

TIN LIÊN QUAN