(Baonghen.vn) - Đó là một trong số những nội dung được đưa ra tại cuộc họp của Thường trực HĐND tỉnh chiều 20/11 để góp ý vào dự thảo Đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh Nghệ An.
Cuộc họp nêu vấn đề: HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, thực hiện chức năng giám sát và quyết định các vấn đề của địa phương. Đặc biệt, hiện nay, nhiều văn bản Luật được ban hành với việc tăng cường chức năng, nhiệm vụ của HĐND, như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công…
Xuất phát từ yêu cầu đặt ra đối với HĐND, ý kiến tham gia tại cuộc họp đều khẳng định sự cần thiết ban hành đề án Nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND.
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền: Dự thảo đề án này đề cập toàn diện hoạt động của HĐND tỉnh, từ quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; tổ chức kỳ họp; hoạt động giám sát; tiếp xúc cử tri; tiếp công dân, xử lý, đôn đốc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; công tác thông tin, tuyên truyền…
Để đảm bảo nâng cao chất lượng trên tất cả các nội dung hoạt động của HĐND, phải có cơ chế, giải pháp nâng cao chất lượng cũng như quy chế đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng tổ chức trong HĐND, gồm Thường trực, các Ban, các Tổ, từng đại biểu HĐND và Văn phòng HĐND tỉnh.
Nêu thực tiễn hoạt động giám sát thời gian qua chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của từng chủ thể giám sát, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Phan Đức Đồng đề nghị cần có giải pháp nâng cao vai trò HĐND, các tổ và từng đại biểu HĐND tỉnh trong hoạt động giám sát, nhất là giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri và tố cáo của công dân.
Bên cạnh đó, cách thức, hình thức giám sát cũng cần thay đổi, từ giám sát thông qua làm việc các đơn vị giám sát để nghe tình hình hoặc giám sát qua báo cáo thì cần tăng cường giám sát, kiểm chứng thực tiễn từ các đối tượng được thụ hưởng hoặc bị chi phối, ảnh hưởng từ các nội dung được giám sát.
Chánh văn phòng HĐND tỉnh Phạm Văn Hóa cho rằng cần đưa vào đề án yêu cầu giám sát tất cả các nghị quyết của HĐND tỉnh đã bàn hành để xem xét hiệu quả của các Nghị quyết, trên cơ sở đó quyết định tiếp tục hoặc sửa đổi bổ sung hoặc bãi bỏ nghị quyết.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại cho rằng để nâng cao chất lượng các quyết định của HĐND tỉnh, ngoài sự phối hợp với các ngành để xây dựng dự thảo các nghị quyết, công tác thẩm tra của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh, thì hoạt động thảo luận, tranh luận tại phiên thảo tổ, thảo luận tại hội trường của các đại biểu HĐND tỉnh cực kỳ quan trọng, đòi hỏi các đại biểu cần phải phát huy trách nhiệm hơn nữa.
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng thảo luận nhiều về quy chế, cơ chế đánh giá nhằm nâng cao chất lượng đại biểu HĐND tỉnh, nhất là số đại biểu không chuyên trách; nâng thời lượng phiên chất vấn tại kỳ họp; chú trong công tác thông tin, phản hồi các ý kiến, kiến nghị của cử tri; nghiêm túc và tránh hình thức trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu; đổi mới công tác tiếp xúc cử tri.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn yêu cầu tổ doạn thảo đề án tiếp tục toàn bộ ý kiến tham gia của các đại biểu để hoàn thiện trên cơ sở làm rõ thực trạng hoạt động, các yêu cầu và giải pháp cho thời gian tới một cách cụ thể, chi tiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn để thực hiện.
Chủ tịch HĐND tỉnh cũng lưu ý một số vấn đề, đó là cần quan tâm phát huy vai trò các chủ thể giám sát theo luật quy định; việc phản hồi ý kiến, kiến nghị của cử tri qua tiếp xúc cử tri cần kịp thời và đầy đủ; nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ của Văn phòng HĐND tỉnh….
Liên quan cơ chế đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, cần cần nhắc đưa vào dự thảo đề xuất với cấp ủy, quá trình quy hoạch, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý là đại biểu HĐND tỉnh thì cần có ý kiến của Đảng đoàn HĐND tỉnh.