(Baonghean.vn) -Như tin Báo Nghệ An đã đưa: Vào chiều 4/9/2013, hàng trăm giáo dân quá khích đã tụ tập bao vây, gây rối, la ó, lăng mạ trước trụ sở UBND xã Nghi Phương - huyện Nghi Lộc, nơi đang diễn ra cuộc họp quân dân chính mở rộng do chính quyền xã tổ chức. Những giáo dân này còn dùng đá và các loại hung khí tấn công người dân, cán bộ và lực lượng bảo vệ đang có mặt tại hiện trường, khiến rất nhiều bị thương nặng.

>>Sự xuất hiện của Linh mục tại vụ gây rối ở trụ sở xã Nghi Phương (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An)

Từ những tiếng la ó, hô hét, những băng rôn với nội dung mang tính kích động, nhóm phóng viên Báo Nghệ An liên tưởng đến hàng loạt sự việc đáng tiếc đã diễn ra tại đây. Để bạn đọc và mọi người dân lương cũng như giáo thấu rõ bản chất sự việc, xin được cung cấp một số thông tin, mà chúng tôi cho đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến vụ việc hỗn loạn này. 

Câu chuyện bắt đầu bằng việc cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành bắt tạm giam và khởi tố vụ án hình sự đối với 2 đối tượng Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải vì "hành vi gây rối trật tự công cộng”, “hủy hoại tài sản công dân”, “bắt giữ người trái pháp luật” và “cố ý gây thương tích” vào ngày 27/6/2013. Trước đó, vào ngày 22/5/2013, những đối tượng này đã cùng một số người cực đoan hô hoán, kích động đám đông bao vây, đánh đập người gây thương tích một cách vô cớ và đập phá nhà anh Đậu Văn Sơn, ở cùng xã, gây thiệt hại tài sản hàng trăm triệu đồng.

Sau sự việc này, một số linh mục thuộc Văn phòng Toà Giám mục Xã Đoài - Giáo phận Vinh, người nhà của các đối tượng trên cùng một số phần tử giáo dân quá khích liên tục có những văn thư, hành động nhằm tạo sức ép, yêu cầu chính quyền phải thả người. Đặc biệt là sau ngày 26/8/2013, khi Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp từ nước ngoài trở về thì tình hình càng trở nên căng thẳng.

Đỉnh điểm là vào 8 giờ 30 phút sáng 3/9/2013, có khoảng trên 200 giáo dân đã kéo lên trụ sở UBND xã Nghi Phương đe dọa, phong tỏa trụ sở làm việc và giam giữ trái pháp luật 6 cán bộ bao gồm: Phó Chủ tịch UBND huyện, Bí thư và Phó Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cùng Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nghi Phương ngay trong phòng làm việc của Chủ tịch UBND xã. Đến 13 giờ 30 phút cùng ngày, số lượng giáo dân kéo về trụ sở UBND xã mỗi lúc mỗi đông, ước tính có trên 400 người, để tiếp tục gây áp lực với cán bộ chính quyền huyện và xã đòi thả các đối tượng đã bị bắt giữ.

802522_small_104816.jpg

Cuộc họp dân chính đảng mở rộng tại trụ sở xã Nghi Phương chiều 4/9





Người dân kéo đến trụ sở xã Nghi Phương và giữ người trái phép, ngày 3/9

Trong thời gian giam giữ người trái pháp luật, các đối tượng quá khích đã không ngừng chửi bới, lăng mạ, xé rách áo, thậm chí đã dùng tay tát vào mặt các cán bộ chính quyền. Một số giáo dân đã uy hiếp, dùng vũ lực buộc Chủ tịch UBND phải viết giấy cam kết, ký tên, đóng dấu đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh thả 2 đối tượng vi phạm pháp luật đã bị bắt giữ nói trên ngay sau đó một ngày (cụ thể là vào lúc 16 giờ ngày 4/9). Các đối tượng này còn buộc đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phải ký xác nhận vào giấy cam kết. Sau khi thỏa mãn yêu cầu, đến 17 giờ 45 phút ngày 3/9 các đối tượng quá khích mới giải tán. Lúc này các cán bộ huyện và xã mới ra về.



Mặc dù lực lượng chức năng đã khuyên ngăn nhưng đám đông vẫn hung hãn ném đá



Người dân tụ tập gây mất trật tự bên ngoài trụ sở UBND xã Nghi Phương

Trong suốt thời gian diễn ra vụ việc vi phạm pháp luật của một số giáo dân quá khích tại trụ sở UBND xã Nghi Phương vào ngày 3/9 nói trên, các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An, huyện Nghi Lộc đã nỗ lực, bằng nhiều cách (chuyển văn thư mời Đức  Giám mục Nguyễn Thái Hợp tới trụ sở UBND tỉnh để bàn bạc, thống nhất giải quyết sự việc; cử đoàn cán bộ đến tận Tòa Giám mục Giáo phận Vinh nhưng Giám mục Nguyễn Thái Hợp vẫn không gặp gỡ, thể hiện thái độ bất hợp tác với chính quyền, không làm tròn bổn phận của đấng bề trên đối với những con chiên).

Tuy nhiên, những nỗ lực, thiện chí của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng đã không nhận được sự hợp tác mà còn bị các đối tượng quá khích cố tình phá hoại, xuyên tạc, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật có tính hệ thống (gây rối, đánh đập, gây thương tích, bắt giữ người trái phép). Đỉnh điểm là cuộc hỗn loạn không đáng có vào chiều 4/9. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật cực kỳ nghiêm trọng, đang được các cơ quan chức năng điều tra, xử lý để đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật.

Báo Nghệ An sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này tới bạn đọc./.


Nhóm phóng viên