(Baonghean) - Lo lắng về vấn đề tai nạn giao thông tăng cao do sử dụng bia, rượu mà vẫn lái xe và cả để thể hiện tinh thần trách nhiệm, thái độ kiên quyết trước vấn nạn này, mới đây, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa kiến nghị Chính phủ cho phép tịch thu phương tiện của người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức quy định.

Đề xuất này ngay lập tức gây nên một làn sóng tranh luận sôi nổi và khá căng thẳng trên các diễn đàn, phương tiện thông tin đại chúng và trong cuộc hội thảo vừa mới được tổ chức để thảo luận về vấn đề này. Và cho đến nay vẫn bất phân thắng bại. Vì cả phe ủng hộ cũng như phe phản đối đều có những lý do rất chính đáng và lập luận rất có cơ sở cả về mặt pháp lý lẫn thực tiễn cuộc sống. Có lẽ ở đây, chúng ta không bàn về vấn đề được hay không được thực hiện việc tịch thu phương tiện vì nó thuộc về ý chí, quyết tâm của cơ quan quản lý Nhà nước. Một khi thấy cần thiết, người ta sẵn sàng sửa đổi, bổ sung luật pháp, thậm chí là cả hiến pháp để thực hiện cho bằng được. Vì thế, chỉ bàn là nên hay không nên sử dụng biện pháp mạnh này.

Trước hết có thể khẳng định, đây là một biện pháp xử phạt mạnh tay và rất nặng. Có lẽ, chủ đích của đề xuất này là nhằm “gây sốc” nhằm khiến cho người điều khiển phương tiện thấy sợ mà tuân thủ triệt để quy định: đã uống rượu, không cầm lái và đã cầm lái thì không uống rượu. Nghe qua thì thấy có lý, nhưng ngẫm kỹ thì phạt nặng không hẳn đạt được mục đích đã định. Ví như buôn ma túy, đây là mặt hàng cấm, nếu bị bắt không chỉ bị tịch thu phương tiện, tang vật mà còn bị xử ở khung hình phạt cao nhất, từ chung thân đến tử hình.

Mạng sống con người là quan trọng, là quý giá hơn hết thảy mọi thứ. Mất mạng là mất tất cả. Thế mà không ít người vẫn không sợ. Vẫn tìm mọi cách để buôn bán ma túy đấy thôi. Hơn nữa, uống rượu, bia, đặc biệt là uống tới mức say xỉn rồi điều khiển phương tiện không những có thể gây tai nạn cho người khác mà còn tự đưa mình vào chỗ chết. Ai cũng biết điều đó và cũng biết là không có gì đáng sợ hơn cái chết. Ấy vậy mà người ta vẫn lái xe khi say rượu. Thế nghĩa là người ta cũng chẳng thèm sợ cái thứ đáng sợ nhất là cái chết thì còn có thứ gì làm họ sợ nữa đây? Cho nên phạt thật nặng để cho mọi người thật sợ để mà chừa, không hẳn đã đắc dụng. Mà ngược lại, mức phạt quá nặng, nặng tới mức hà khắc còn dễ khiến người ta quay ra chống đối, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời lại tạo điều kiện thuận lợi cho những người có quyền hành trong lĩnh vực này như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông... trục lợi cá nhân. Nhất là trong hoàn cảnh nạn “mãi lộ” diễn ra khá phổ biến. Mức phạt càng nặng thì khả năng ăn hối lộ để cho qua càng cao và số tiền “lót tay” cũng sẽ tăng cao hơn trước. Như thế, có thể thấy, phạt quá nặng không hẳn đã là hay và hiệu quả. Mà không hay, hiệu quả không cao thì không nên làm. 

Vậy thì nên làm thế nào? Có một chân lý hiển nhiên là mức phạt dù nặng, dù hà khắc đến đâu mà không được những người thừa hành tuân thủ và thực hiện nghiêm túc, đến nơi, đến chốn, thực hiện triệt để công bằng ở mọi nơi, mọi lúc thì cũng không có nhiều tác dụng. Thể hiện rõ nhất ở việc luật pháp của ta đã quy định là cấm và xử lý nghiêm những trường hợp uống rượu bia mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông. Thế nhưng, tình trạng người uống rượu bia rồi vẫn lái xe diễn ra khá phổ biến và gây hậu quả nặng nề là vì ta thực hiện luật không nghiêm. Cả về phía nhà chức trách lẫn người dân. Vừa không nghiêm lại không công bằng. Vì cũng là lỗi lái xe sau khi uống rượu nhưng người này thì bị phạt nặng theo quy định, nhưng nếu là người quen biết hay có chút tiền lót tay cộng vài lời nịnh nọt, xin xỏ lại được cho qua.

Thêm vào đó, có không ít trường hợp lại nhờ người thân quen, có vai vế điện thoại xin xỏ hoặc ra lệnh rồi cũng được tha. Hiện tượng này không hiếm. Vì thế, mấu chốt để giải quyết triệt để vấn đề là ở chỗ thực hiện nghiêm minh, công bằng các quy định của pháp luật, các chế tài xử phạt đã được ban hành đối với loại lỗi này. Đây mới là “con át chủ bài” cuối cùng để giải quyết vấn đề chứ không phải là tịch thu phương tiện như ai đó đã nghĩ. Đừng chỉ chăm chắm vào đó  mà bỏ qua các cách làm khác hay hơn, đúng đắn, hợp lý và hiệu quả hơn.

Và để thực hiện được nghiêm minh, công bằng các định chế, chế tài pháp luật xử phạt đối với những người sử dụng rượu, bia rồi mà vẫn ngoan cố lái xe thì cách hiệu quả nhất, như một kiến nghị đã đưa ra là, thay vì đề xuất tịch thu phương tiện, thì nên coi hành vi uống rượu lái xe là tội phạm và đưa nó vào Bộ luật Hình sự. Khi đó, thay vì các cơ quan hành chính (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông), thẩm quyền xét xử và áp dụng hình phạt thuộc về tòa án. Cách làm này vừa nghiêm khắc, vừa bảo đảm tính khách quan, công bằng và có tính giáo dục cao. Nghe nói, đây cũng là xu hướng xử lý chung của nhiều nước trên thế giới đối với vấn nạn này.

Duy Hương