800 cơ sở được cấp phép sản xuất kinh doanh phân bón hiện nay trên cả nước là quá lớn, cần xem xét giảm xuống 300 doanh nghiệp sẽ dễ quản lý hơn.
Ngoài ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm méo mó thị trường, thì phân bón giả, nhái đã góp phần “tích cực” phá hoại ngành trồng trọt, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản của bà con nông dân, hạ thấp uy tín của nông sản Việt Nam tại thị trường nước ngoài.
Xử phạt hành chính là quá nhẹ
Theo con số thống kê của Bộ Công Thương, hiện cả nước có khoảng 800 cơ sở sản xuất phân bón được cấp phép. Thế nhưng con số thực tế đã lên đến hàng nghìn cơ sở, đơn vị sản xuất phân bón chưa được cấp phép. Thực tế này khiến cho thị trường này ngày càng trở nên khó kiểm soát, khó dập tắt được triệt để nạn phân bón giả, nhái.
Tại buổi tọa đàm “Phân bón giả tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội phân bón Việt Nam tổ chức chiều 9/8, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp phân bón cho rằng, thực trạng phân bón giả vẫn diễn ra hết sức phức tạp, có xu hướng năm sau lại cao hơn năm trước, rất nhiều vụ còn chưa được giải quyết bởi pháp luật của chúng ta còn kẽ hở.
Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nói: “Đã có nhiều cuộc họp diễn ra nhằm sửa đổi, đưa ra Nghị định mới về quản lý phân bón. Hiện nay, Nghị định mới này đã được các bộ tham gia và đặt trên bàn của Thủ tướng. Khả năng trong tháng 8 là được xem xét nhưng điểm tồn tại lớn nhất hiện này cần phải nói là lợi ích nhóm”.
Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc diễn ra thường xuyên trong nhiều năm qua tại nhiều địa bàn gây nguy cơ về nước, ô nhiễm môi trường trường, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính và bà con nông dân.
Các doanh nghiệp trong nước thường xuyên sản xuất các loại phân bón vô cơ, hữu cơ có chất lượng kém nhưng lại dán nhãn hiệu nổi tiếng, có nguồn gốc nước ngoài, hoàn toàn không tuân theo quy chuẩn đã được Bộ Công Thương quy định.
Khó quản lý vì số lượng
Đại diện cho khối các doanh nghiệp sản xuất, ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát Hóa chất Lâm Thao nêu rõ, thực tế cộng đồng doanh nghiệp lo lắng nhất lại chính là chất lượng của phân bón được sản xuất ồ ạt thường được gọi là hàng nhái.
“Hiện chúng ta chưa có quy chuẩn để xác định những sản phẩm phân bón tương đương, nhưng nhiều đơn vị sản xuất vẫn được cấp phép sản xuất, có chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy khiến người dân không thể phân biệt đâu là hàng thật đâu là hàng nhái, chỉ khi kiểm tra chất lượng sản phẩm cụ thể mới phát hiện ra lệch quy chuẩn mà doanh nghiệp đăng ký”, ông Hồng cho hay.
Bởi vậy, theo ông Hồng, phân bón nhái là vấn đề hết sức nhức nhối. Hàm lượng chất dinh dưỡng cho cây trồng trong các sản phẩm phân bón nhái rất ít, trong khi các doanh nghiệp còn “nhập nhèm” trong công bố hàm lượng, mẫu mã bao bì, lừa bịp người dân và cơ quan quản lý.
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Văn Tại, Tổng Giám đốc Công ty Phân lân Văn Điển cho rằng, có thể chống được phân bón giả nhưng chúng ta không thể chống được phân bón thật nhưng chất lượng giả vì tất cả đều được cấp phép, chứng nhận hợp quy, có dấu rõ ràng. “Tôi có cảm giác chúng ta đang chiến đấu với “cối xay gió”, ông Tại ví von.
Trước thực trạng đáng buồn trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân bón, nhiều ý kiến doanh nghiệp đã cho rằng, cần phải siết lại thị trường phân bón bằng cách “dẹp” bớt các đơn vị sản xuất kinh doanh.
“Thực tế con số 800 cơ sở được cấp phép hiện nay đang là quá lớn, cần xem xét “thanh lọc” chỉ với khoảng 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này sẽ là hợp lý và dễ kiểm soát, nhằm tạo ra một thị trường phân bón lành mạnh, tạo ra sự tin tưởng cho những người nông dân”, các doanh nghiệp cùng chung đề xuất./.
Theo VOV