(Baonghean) - Những năm gần đây nhu cầu việc làm của sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng ngày càng trở nên bức thiết. Định hướng sai nghề nghiệp; tâm lý thích “làm thầy”, không muốn “làm thợ”, sính bằng cấp là một nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội...
Học… “ngược”!
Anh Dương Xuân Phúc, Trưởng phòng Thông tin thị trường, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: “Hàng tháng, trung tâm tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm vào các ngày 10 và 25. Thực tế cho thấy, lao động đến sàn phần lớn có trình độ cao đẳng, đại học, thậm chí là thạc sỹ (chiếm gần 70%). Ví như ở phiên giao dịch ngày 25/1, trong số hơn 200 lao động đến tham gia tuyển dụng có hơn 150 người có trình độ đại học, cao đẳng. Trong lúc đó, các doanh nghiệp tham gia sàn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có nhu cầu tuyển dụng công nhân cơ khí kỹ thuật và lao động phổ thông. Còn đối với các lao động ở phân cấp trình độ đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đều yêu cầu có kinh nghiệm, trong khi hầu hết lao động đều vừa tốt nghiệp hoặc tốt nghiệp được một thời gian nhưng chưa tìm được việc làm. Vì vậy, số lao động tìm được việc qua các phiên giao dịch việc làm rất ít. Còn nếu muốn đi làm bắt buộc họ phải làm trái nghề ở những công việc có thu nhập khá thấp, ví như học kế toán thì có thể làm thu ngân, bán hàng, làm kho…”.
Tại lớp may công nghiệp của Trường Trung cấp nghề kinh tế kỹ thuật Bắc Nghệ An (đóng tại Thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu), chúng tôi gặp Đậu Thị Thảo (SN 1992). Được biết, Thảo từng theo học hệ cao đẳng, khoa Kế toán doanh nghiệp của Trường Đại học Kinh tế Nghệ An. Tốt nghiệp năm 2013, Thảo không thể tìm được một công việc phù hợp. "Ban đầu, em nghĩ tốt nghiệp cao đẳng mà lao động chân tay thì cũng ngại. Nhưng hơn một năm trời em đi khắp nơi vẫn không thể xin được việc, thấy bạn bè học nghề may đều tìm được việc làm với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng nên em quyết định đăng ký học nghề này” – Thảo tâm sự.
Thầy Nguyễn Văn Tài, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề kinh tế kỹ thuật Bắc Nghệ An cho biết: “Học ngược” nghĩa là những em từng tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng không tìm được việc làm, tìm đến trường để học trung cấp, sơ cấp nghề, không phải là chuyện hiếm. Ngoài Đậu Thị Thảo còn có các trường hợp Chu Thị Hải (Đại học Huế), Hoàng Thị Yến (Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp), Trương Thị Thúy Hiền (Đại học Vinh)… đều tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được việc làm, hiện đang theo học nghề tại trường”.
Đến Trung tâm dạy nghề huyện Anh Sơn, chúng tôi gặp Vi Văn Ước (SN 1990) trú ở xã Hội Sơn đang cùng các bạn lớp gò hàn cặm cụi bên các dụng cụ thực hành. Ít người biết, trước đó 2 năm, Ước từng hãnh diện cầm trên tay tấm bằng đại học sau khi tốt nghiệp Khoa Chính trị, Trường Đại học Vinh. Trong số 4 người con trong gia đình, chỉ mình Ước có trình độ đại học, nên là niềm hy vọng của cả nhà. Nhưng sau 2 năm liên hệ khắp nơi, Ước không thể xin được việc làm và cuối cùng, Ước quyết định đi xuất khẩu lao động sang Malaysia. Sau khi được tư vấn các ngành nghề, Ước quyết định học nghề gò hàn. Ước cho biết: “Giá như khi chọn nghề, em tỉnh táo hơn, chọn đúng nghề mà xã hội đang cần thì không bị lãng phí thời gian và tiền của như vậy”. Trường hợp Nguyễn Hữu Minh (SN 1986) trú tại xã Tường Sơn cũng là một ví dụ về chuyện định hướng sai nghề nghiệp. Minh từng là sinh viên khoa Toán Tin – Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Năm 2007, cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp, Minh trở về quê với hy vọng sẽ trở thành thầy giáo, nhưng đi khắp nơi ở đâu Minh cũng nhận được những cái lắc đầu từ chối. Em từ bỏ hẳn hy vọng trở thành giáo viên, về quê theo học một lớp thú y và mở trang trại chăn nuôi. Hiện nay trang trại của Minh cho thu nhập khoảng vài trăm triệu đồng/năm.
Và những hệ lụy
Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, ước tính mỗi năm, Nghệ An có khoảng 20.000 tân sinh viên và số lượng cử nhân tốt nghiệp ra trường cũng tương ứng con số trên. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, đơn vị và cơ hội việc làm hàng năm cho các cử nhân trên địa bàn tỉnh rất hạn chế (theo số liệu từ Sở Nội vụ, mỗi năm, theo nhu cầu các đơn vị gửi lên, toàn tỉnh chỉ có nhu cầu tuyển dụng 150 công chức và khoảng 1.000 - 2.000 viên chức). Ở một số cơ quan, nhu cầu chỉ tuyển 1 - 2 vị trí nhưng có đến hàng trăm bộ hồ sơ nộp vào. Như vậy, với tình trạng này, có thể nói, con số cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp ở tỉnh ta đang ngày càng tăng. Toàn tỉnh hiện có khoảng 4.000 cử nhân thất nghiệp hoàn toàn (nghĩa là không có công việc gì để làm). Áp lực việc làm khiến chuyện nhiều người ngậm ngùi cất kỹ bằng cao đẳng, đại học để đi làm lao động chân tay như Đậu Thị Thảo, Vi Văn Ước… trở thành chuyện thường.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết là do những năm gần đây, có thêm nhiều trường đại học và đồng thời nhiều trường đại học liên tục mở thêm chuyên ngành mới. Và số lượng tuyển sinh năm sau luôn cao hơn năm trước. Thậm chí không cần nộp hồ sơ, đến năm học mới, nhiều học sinh cũng nhận được giấy báo hoặc điện thoại mời về trường A, B, C… để nhập học. Mặt khác, do tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ vẫn còn phổ biến, dẫn đến học theo phong trào mà chưa có nhận thức đầy đủ về nhu cầu thị trường lao động. Cùng với đó, chất lượng đào tạo của nhiều trường đại học, cao đẳng hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội. Ông Hồ Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An cho biết: “Qua các phiên giao dịch việc làm, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh phản ánh nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa thực sự chủ động trong công việc, thiếu những kỹ năng “mềm” hay kỹ năng giao tiếp, dẫn đến khó tạo được ấn tượng tốt khi xin việc hoặc nếu được nhận thử việc thì hiệu suất làm việc không cao, để rồi dần dần bị đào thải. Nguyên nhân là do chương trình của các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam còn nặng về lý thuyết mà thiếu thực hành, cũng như thiếu các tình huống thực tế”.
Để có được tấm bằng đại học, cao đẳng, phải mất khoảng thời gian 3 - 5 năm liên tục “đèn sách”, nhưng học xong không có việc làm hoặc chấp nhận làm trái ngành để kiếm sống là một sự lãng phí lớn về thời gian, công sức và tiền bạc. Hiện nay, nhiều gia đình nông dân nghèo đang rơi vào tình cảnh khốn đốn bởi không biết lấy đâu ra hàng trăm triệu đồng để hoàn trả cho Ngân hàng Chính sách xã hội khi thời hạn cho vay ưu đãi đối với sinh viên đã hết, nhưng con em họ chưa tìm được việc làm. Điều đó khiến bản thân các cử nhân và gia đình đều nôn nóng tìm kiếm việc làm bằng mọi giá. Nắm bắt được nhu cầu tìm kiếm việc làm, nhiều đối tượng lừa đảo đã lợi dụng cơ hội này để bày trò “chạy việc” nhằm vào những sinh viên mới ra trường đang “khát” việc làm. Điển hình là vụ Bùi Xuân Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh lừa chạy việc chiếm đoạt số tiền hơn 10 tỷ đồng vào năm 2011; vụ Dương Thị Tuyết, giáo viên nghỉ hưu tại xã Hưng Lộc (TP. Vinh) lừa đảo chiếm đoạt hơn 1,1 tỷ đồng…. hay mới đây là vụ Phan Thị Liên (trú ở xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên), giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cũng lừa đảo hàng chục người với thủ đoạn tương tự….
Mặt khác, một nghịch lý là trong khi cử nhân thất nghiệp ngày một nhiều và không thể tìm được công việc phù hợp, thì Nghệ An cũng như nhiều tỉnh, thành trong khu vực lại rất cần một lượng lớn lao động có tay nghề cao làm việc tại các khu công nghiệp công nghệ cao hoặc các công ty kỹ thuật liên doanh, liên kết với nước ngoài. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, số lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn chiếm chưa đến 45%; riêng lao động kỹ thuật cao (có trình độ từ trung cấp nghề trở lên) chỉ mới được khoảng 7%. Vì vậy, nếu lựa chọn những ngành nghề phù hợp ở các trường cao đẳng nghề, cơ hội tìm kiếm việc làm cũng cao hơn rất nhiều. Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng nghề tìm được việc làm sau khi ra trường là 85%. Ông Nguyễn Duy Nam - Hiệu trưởng Trường CĐ nghề công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc cho biết: Kể từ khi thành lập đến nay, trường đã hợp tác tốt với các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho học viên thực tập và có việc làm sau khi ra trường, đặc biệt là ở các ngành nghề như cơ khí động lực, công nghệ hàn, cắt gọt kim loại... Vì vậy, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp có được việc làm với mức lương trung bình trở lên là trên 90%.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh vào tháng 12/2014, trong một phiên thảo luận ở tổ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi đã khẳng định: “Lâu nay chúng ta quen đánh giá thành tích của ngành Giáo dục qua tỷ lệ học sinh giỏi, tỷ lệ học sinh thi đậu và các trường đại học, cao đẳng. Nhưng trước thực trạng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng thất nghiệp nhiều như hiện nay, cách đánh giá đó cần có sự thay đổi, đồng nghĩa với việc chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phân luồng học sinh, thay đổi tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ, hướng học sinh đến với các trường nghề nhiều hơn thay vì các trường đại học, cao đẳng như hiện nay”. Bên cạnh đó, các trường nghề cũng cần đổi mới về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và cơ cấu ngành nghề để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo sát với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của thị trường lao động, để tạo thêm nhiều việc làm cho người học.
Minh Quân