(Baonghean) - Nghĩa Sơn là một trong những địa phương có diện tích đất nằm trong diện thu hồi phục vụ cho dự án chăn nuôi bò sữa của Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH khá lớn. Sau khi bàn giao đất cho nhà đầu tư, Đảng ủy, chính quyền xã Nghĩa Sơn đã nhanh chóng xây dựng, bổ sung nghị quyết phát triển kinh tế, cùng người dân tìm cách chuyển đổi ngành nghề dựa trên lợi thế của địa phương.

Gia đình anh Võ Xuân Quang, xóm Sơn Liên, xã Nghĩa Sơn đã bàn giao 2,7 ha đất trồng cam cho dự án chăn nuôi bò sữa của Công ty CP thực phẩm sữa TH. Ban đầu, gia đình anh gặp không ít khó khăn vì không có đất sản xuất, trong khi anh chỉ có kiến thức về trồng trọt, nên bế tắc trong việc chuyển đổi ngành nghề sau thu hồi đất. Sau khi có định hướng của đảng ủy, chính quyền địa phương về phát triển các mô hình dịch vụ, chăn nuôi, với khoản tiền đền bù gia đình được nhận, anh Quang đã đầu tư hơn 400 triệu đồng để mua nguyên liệu xây dựng xưởng đóng táp lô và buôn bán gạch ngói, cho thuê cốt pha. Anh Võ Xuân Quang, chia sẻ: “Gia đình tôi có đất nằm trong diện thu hồi. Sau khi bàn giao đất cho dự án nên thiếu tư liệu sản xuất. Được sự hướng dẫn, hỗ trợ của xã, nắm bắt nhu cầu thị trường, gia đình mạnh dạn đầu tư xưởng sản xuất táp lô. Bước đầu, sản xuất ổn định và cho thu nhập khá; tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương”.

Anh Hoàng Xuân Anh (xóm Sơn Đông, Nghĩa Sơn, Nghĩa Đàn) với mô hình ổi lê.
Cũng như gia đình anh Quang, gia đình anh Hoàng Xuân Anh ở xóm Sơn Đông là một điển hình tiêu biểu về năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sau khi tham quan mô hình chăn nuôi ở các địa phương khác, tận dụng diện tích vườn rộng, gia đình anh Quang đã đầu tư nuôi gà siêu đẻ trứng. Với mô hình khép kín, đầu tư chuồng trại quy củ, khoa học, anh nuôi 1.500 con gà, mỗi ngày cho 850 quả trứng, giá bán từ 20 - 25 nghìn đồng/1 chục trứng, mỗi tháng sau khi trừ chi phí, anh lãi gần 20 triệu đồng. Không chỉ nuôi gà, gia đình anh Hoàng Xuân Anh còn trồng 2 sào ổi lê, đây là một trong những giống ổi được ưa chuộng trên thị trường, đầu ra luôn ổn định. Với việc nắm chắc các kiến thức kỹ thuật trồng và chăm sóc, nên 400 gốc ổi lê cũng cho gia đình anh khoản thu nhập trên 15 triệu đồng.  Anh Hoàng Xuân Anh, cho biết: “Sau khi bàn giao đất cho dự án, tôi đã trăn trở tìm tòi chuyển đổi ngành nghề và quyết định đầu tư nuôi gà siêu đẻ. Ban đầu thì nuôi ít, sau khi thấy nhu cầu thị trường lớn, gia đình đã đầu tư mở rộng quy mô hơn. Đồng thời, trồng thêm ổi lê cho quả quanh năm,  đến nay cho gia đình thu nhập ổn định...”.
Thực hiện nghị quyết phát triển kinh tế gắn với xây dựng NTM, Đảng ủy, chính quyền xã Nghĩa Sơn đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển các mô hình dịch vụ, buôn bán, chăn nuôi. Đồng thời, tạo mọi điều kiện để người dân, đặc biệt là các hộ đã bàn giao đất cho dự án có hướng phát triển kinh tế mới dựa vào lợi thế của địa phương, đến nay phần lớn các hộ có đất bàn giao cho dự án đã xây dựng được mô hình kinh tế mới, cho thu nhập cao, thậm chí có nhiều hộ thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Đồng chí Trần Đăng Huy, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Sơn, cho biết: “Sau khi thực hiện thu hồi đất cho Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH, Đảng ủy, chính quyền xã Nghĩa Sơn đã nhanh chóng tìm ra các giải pháp để vận động nhân dân thực hiện việc chuyển đổi kinh tế. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tạo mọi điều kiện để người dân, nhất là những người đã bàn giao đất sẽ xây dựng các mô hình kinh tế hợp lý, chuyển đổi sang các mô hình dịch vụ ăn uống; gia đình nào có đất vườn rộng phát triển chăn nuôi. Đồng thời, xã mở các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho người dân, tận dụng mọi nguồn vốn để người dân vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế”.
Có thể nói, nhờ sự tích cực nhanh nhạy trong chỉ đạo và nắm bắt tình hình của đảng ủy, chính quyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế nên hơn 3 năm nay, tốc độ phát triển kinh tế của Nghĩa Sơn đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, đời sống nhân dân ngày một nâng cao, bộ mặt nông thôn xã Nghĩa Sơn đã có nhiều khởi sắc.
Như Trang (Đài Nghĩa Đàn)