(Baonghean) - Xã Nghĩa Phú nằm về phía Đông Bắc huyện Nghĩa Đàn; vốn tách ra từ Nông trường 22/12. Thực hiện xây dựng nông thôn mới, Sau khi khảo sát, xác định hiện trạng, đối chiếu với bộ tiêu chí và các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện, một mặt Nghĩa Phú đề ra lộ trình thực hiện từng tiêu chí qua hàng năm; mặt khác, khi điều kiện cho phép thì tranh thủ cơ hội để về đích sớm. 
 
 
images1799177_1c.jpgMột góc nông thôn mới ở xóm Phú Tiến, xã Nghĩa Phú (Nghĩa Đàn).
Đồng chí Trương Quang Thắng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú chia sẻ: Ban đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, với nhiều khó khăn về nguồn lực đầu tư, người dân cho đến cán bộ cũng có những băn khoăn, lo lắng nhất định. Vì vậy, xã đặt mục tiêu đến năm 2018 mới về đích. Tuy nhiên, quá trình triển khai, từ tuyên truyền tốt và lòng dân đồng thuận; cùng cơ chế hỗ trợ của tỉnh và huyện, đã động viên được sức dân để hoàn thành mục tiêu về đích NTM ngay trong năm 2016.
 
Cùng với tuyên truyền, vận động nhân dân, xã đã ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Một trong những giải pháp được Nghĩa Phú xác định là thay vì ra quân đồng loạt, khi triển khai các tiêu chí, xã chọn một điểm để làm mẫu (trên lĩnh vực ra quân làm giao thông nông thôn mới chọn xóm Phú Hòa); sau đó các xóm đến tham quan học hỏi, họp bàn để có cách tổ chức, vận động sức dân riêng, nhằm thúc đẩy phong trào chung. 
 
Với cách làm đó, mặc dù dân cư không nhiều (xã Nghĩa Phú có 3.000 dân/715 hộ), nhưng trong vòng 5 năm, tính từ năm 2010, Nghĩa Phú đã huy động được 48,447 tỷ đồng từ nhân dân đầu tư, đóng góp, chiếm 38% tổng nguồn lực đầu tư xây dựng NTM. Đầu tư lớn nhất là lĩnh vực giao thông - thủy lợi, xã huy động gần 27 tỷ đồng để làm mới, trong đó nhân dân đóng góp 10,43 tỷ đồng để cứng hóa 27,24 km trên tổng số 34,6 km đường bê tông và nâng cấp hàng loạt hồ đập, mương thủy lợi. 
 
 
Mô hình ổi Đài Loan cho thu nhập cao của ông Phạm Văn Ngãi ở xóm Phú Lộc.
Bên cạnh nâng cấp hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đi lại, một trong những nhóm tiêu chí được xã đặc biệt quan tâm là đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, y tế và văn hóa. Trên thực tế, khi bước vào xây dựng NTM, 3/3 trường học, y tế chưa đạt chuẩn; chưa có xóm nào đạt danh hiệu Làng văn hóa, thiết chế văn hóa thể thao xóm, xã hầu hết đã xuống cấp. Đây là những tiêu chí khó khi về đích NTM, nên xã quyết tâm và có lộ trình đầu tư thực hiện cụ thể. Cùng với huy động nguồn lực từ xã hội hóa và sức dân, xã vận dụng, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư.
 
Trong 5 năm, xã huy động được gần 15 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí, trong đó lớn nhất là giáo dục với 7,824 tỷ đồng. Nhờ đó, đến nay có 3/3 trường và trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 6/6 xóm đạt chuẩn Làng văn hóa và hầu hết các thiết chế văn hóa đạt chuẩn.
 
Cùng với nâng cấp hạ tầng cơ sở vật chất và các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục, y tế hay văn hóa thể thao, qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy nhóm tiêu chí mà xã Nghĩa Phú làm rất tốt và không thua kém các xã khác là phát triển các mô hình kinh tế và xóa đói giảm nghèo.
 
Là địa bàn có đất nông trường chiếm gần 1/3 diện tích đất sản xuất, nên ngoài việc tham gia vào chuỗi sản xuất của nông trường, Nghĩa Phú còn xây dựng được các mô hình cây con riêng. Trong vòng 5 năm, thông qua các đề án và kế hoạch, Nghĩa Phú huy động 63,1 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân. Ngoài diện tích mía, cao su, cam, quýt người dân nhận đất để trồng cho nông trường, thời gian gần đây xã đã phát triển được các cây con cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là mô hình cây có múi (cam, quýt) ở xóm Phú Thắng, ổi Đài Loan ở xóm Phú Lộc, nuôi bò sữa ở xóm Phú Tiến… 
 
 
Cán bộ Hội Nông dân trao đổi với chủ mô hình cây có múi 5 ha ở xóm Phú Thắng, xã Nghĩa Phú (Nghĩa Đàn).
Hiện tại, Nghĩa Phú là một trong những xã tiên phong trong phối hợp với Công ty sữa TH sản xuất mô hình 15 ha mía giống năng suất cao và sắp tới sẽ còn nhân rộng thêm; xã cũng thành lập 1 tổ hợp tác trồng mía năng suất, chất lượng cao với 20 thành viên, thu nhập bình quân 40 triệu đồng/ha/hộ; hàng chục mô hình ổi, cam và chăn nuôi cho thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
 
Nhờ các mô hình đa dạng như trên, nên thu nhập bình quân đầu người từ 13 triệu đồng và hộ nghèo 4,8% năm 2011, đã nâng lên 24 triệu đồng và hộ nghèo giảm còn 2,38% vào năm 2016. Không những vậy, từ sức ép gay gắt do thiếu việc làm hoặc bị thu hồi đất hay nông trường chuyển đổi, đến nay 95,77% lao động đã có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định.
 
Từ một xã xuất phát điểm chỉ với 9 tiêu chí, sau hơn 5 năm, Nghĩa Phú đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM và là điển hình của huyện Nghĩa Đàn về khai thác lợi thế đất đai, phát triển cây con mới. Về Nghĩa Phú hôm nay, các tuyến dân cư vốn là tổ, đội nông tường cũ nay được chỉnh trang mang đầy sức sống mới với nhiều tuyến đường được bê tông hóa đạt chuẩn. Từ vườn nhà đến vườn đồi, đến đâu cũng thấy mô hình ổi, cam, quýt trĩu quả; từ mía giống mới cho đến đồng cỏ chăn nuôi mướt xanh, hứa hẹn tương lai, giá trị mới.
 
 
Trường mầm non Nghĩa Phú.
Đồng chí Trương Quang Thắng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú phấn khởi cho biết thêm: Xã công bố và đón Bằng công nhận đạt chuẩn NTM đúng vào dịp xã kỷ niệm 20 năm thành lập, nên niềm vui được nhân lên gấp bội. Niềm vui lớn nhất, song hành với nâng cấp cơ sở vật chất, phục vụ cho sản xuất, xã đã đảm bảo các điều kiện để người dân an cư lạc nghiệp trên quê hương mới là nâng cấp, mở mang thêm đường sá, hệ thống điện - trường - trạm y tế, nhà văn hóa… 
 
Tin rằng với sự chung sức, đồng lòng của người dân, xã Nghĩa Phú không chỉ giữ vững các tiêu chí đã đạt được mà còn tiếp tục phát triển, đáp ứng tiêu chí, yêu cầu trong giai đoạn mới.
 
Nguyễn Hải