(Baonghean) - Sau đại hội đảng bộ huyện Nghĩa Đàn nhiệm kỳ 2010 - 2015, công tác quản lý, giáo dục đảng viên và phát triển đảng viên mới được Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm chỉ đạo, nhờ đó số lượng, chất lượng đội ngũ đảng viên trong toàn đảng bộ ngày một nâng cao.

Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn có 6.079 đảng viên, sinh hoạt tại 51 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 31 đảng bộ và 20 chi bộ, 464 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở.

Để đẩy mạnh công tác phát triển Đảng và nâng cao chất lượng đảng viên, Huyện ủy Nghĩa Đàn giao trách nhiệm cho Ban Tổ chức chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng thường xuyên quan tâm làm tốt công tác quản lý đảng viên và tạo nguồn phát triển đảng viên mới; Chỉ đạo UBKT các cấp làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đảng viên. Nhờ đó, trong nửa nhiệm kỳ qua toàn huyện đã kết nạp được 575 đảng viên mới (vượt 48 % chỉ tiêu Nghị quyết đại hội đề ra), chuyển đảng chính thức cho 492 đồng chí; mở 12 lớp bồi dưỡng nhận thức về đảng cho 986 quần chúng ưu tú. Nhiều tổ chức cơ sở đảng có cách làm sáng tạo nên đã nâng cao chất lượng đảng viên, phát triển được nhiều đảng viên mới.

Nghĩa Long là xã thuần nông, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí còn thấp nhưng nhiệm kỳ qua toàn đảng bộ đã phát triển được 28 đảng viên mới. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy xã Nghĩa Long đã xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên cho toàn khoá và từng năm.

Trên cơ sở nguồn của các chi bộ, hàng năm đảng ủy giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên cho từng chi bộ, lấy chỉ tiêu phát triển đảng viên để đánh giá, xếp loại chi bộ cuối năm. Ngoài ra để tạo nguồn kinh phí, Đảng ủy đã vận dụng trích nguồn kinh phí hoạt động phục vụ công tác đảng hỗ trợ một phần cho các chi bộ để tổ chức quần chúng ưu tú tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị.

Tại Nghĩa Sơn, việc phát triển Đảng cũng như quản lý đảng viên cũng có giải pháp tốt. Là một xã nông trường có số lượng đảng viên đông, trình độ dân trí khá cao, tuy nhiên việc phát triển và quản lý đảng viên gặp khó khăn vì có nhiều đảng viên đi làm ăn xa và tham gia lao động thời vụ tại Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH. Xác định được khó khăn này nên từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển đảng viên, qua nửa nhiệm kỳ Đảng bộ đã phát triển được 19 đảng viên mới. Để quản lý đảng viên, đảng ủy thường xuyên liên hệ với các đơn vị có đảng viên của đảng bộ lao động để nắm bắt tình hình, chủ động thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đảng viên. Nhờ làm tốt công tác quản lý đảng viên nên 3 năm qua Đảng bộ xã Nghĩa Sơn không có đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, Đảng bộ được Tỉnh ủy tặng cờ đảng bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền 2008 - 2012.

Việc phát triển đảng viên để xóa xóm, bản không có chi bộ cũng là một cách làm sáng tạo của Nghĩa Đàn. Xóm Nung thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã Nghĩa Đức với 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đã nhiều năm xóm không thành lập được chi bộ vì duy nhất chỉ có một đảng viên, phải sinh hoạt ghép với chi bộ xóm 4, mỗi lần sinh hoạt chi bộ phải đi 7 km đường rừng.

Trước tình hình đó, đảng ủy thực hiện phương án đưa đảng viên chi bộ cơ quan xã về sinh hoạt và quyết định thành lập chi bộ xóm Nung vào đầu năm 2012; sau khi thành lập, chi bộ đã phát triển được thêm 02 đảng viên mới. Một số tổ chức đảng đã làm tốt công tác phát triển đảng viên như: Đảng bộ cơ quan đảng - đoàn thể của huyện, công an huyện, Đảng bộ xã Nghĩa Hồng, Chi bộ trường THPT Cờ Đỏ…

Chi bộ đơn vị xã Nghĩa Hồng chuẩn bị nội dung sinh hoạt định kỳ.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Đức, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Nghĩa Long, chia sẻ: “Trong điều kiện hiện nay, để làm tốt công tác phát triển đảng viên thực sự rất khó khăn, thanh niên có năng lực, trình độ thì thoát ly khỏi địa phương, đảng viên trẻ thì xin miễn sinh hoạt đi làm ăn xa rất khó quản lý, trong khi đó đội ngũ cán bộ làm công tác đảng ở cơ sở mỏng, kiêm nhiệm nhiều việc nên hoạt động rất vất vả. Đảng ủy đã có những giải pháp tháo gỡ, trong đó tập trung làm tốt công tác tư tưởng cho đảng viên, đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt của chi bộ và các tổ chức đoàn thể, quản lý và phân công nhiệm vụ cho đảng viên chặt chẽ, có theo dõi, kiểm tra, giám sát”.

Tuy đạt được những kết quả quan trọng nhưng việc nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của huyện Nghĩa Đàn vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định: Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thực sự coi trọng công tác quản lý, rèn luyện, giáo dục đảng viên; chưa có biện pháp uốn nắn, xử lý kịp thời những đảng viên vi phạm; việc đánh giá chất lượng đảng viên có nơi, có lúc còn hình thức; việc phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số, đồng bào theo đạo gặp nhiều khó khăn; việc xóa xóm, bản không có chi bộ còn bất cập…

Đồng chí Vũ Ngọc Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết thêm: “Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng nắm chắc thực trạng chất lượng đảng viên; duy trì nghiêm và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, các tổ chức đoàn thể; làm tốt công tác tập hợp, giáo dục đoàn viên, hội viên để tạo nguồn phát triển đảng; quan tâm bồi dưỡng, rèn luyện phát triển đảng viên là người theo đạo, người dân tộc thiểu số; bồi dưỡng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để đưa vào Đảng, từ đó xóa xóm, bản trắng đảng viên”.

Bằng những giải pháp tích cực, sáng tạo, trong thời gian tới Nghĩa Đàn sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đảng viên trong toàn đảng bộ, qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Xuân Huệ (Huyện uỷ Nghĩa Đàn)