Nghĩa Đàn là huyện miền núi, đất rộng nhất là đất lâm nghiệp. Tổng diện tích đất tự nhiên là 75.578 ha, trong đó đất lâm nghiệp là 27.527ha. Tuy nhiên, diện tích đất lâm nghiệp của huyện hiện nay vẫn chưa phát huy và khai thác hết tiềm năng sẵn có.

Để giúp người dân tăng thu nhập và tạo việc làm mới, năm 2009 - 2010, Hội Làm vườn huyện Nghĩa Đàn phối hợp với Trung tâm KNKN tỉnh Nghệ An xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh cây mây nếp với quy mô 19 ha và có 22 hộ tham gia.

 Nghĩa Đàn: Hiệu quả mô hình trồng thâm canh cây mây nếp ảnh 1

 Giống mây K83 phát triển sau 2 năm trồng tại xã Nghĩa Lợi

Mô hình được xây dựng tại 3 xã: Nghĩa Bình, Nghĩa Lợi, Nghĩa Khánh. Sau 2 năm thực hiện mô hình đã đạt được một số kết quả khá tốt. Cây phát triển tốt, chiều cao đạt trung bình 85 - 90cm, màu lá xanh đậm, cây có tay cuốn dài bám vào cây trụ thân gỗ. Cây mây không có sâu bệnh, độ che phủ đất tốt, với điều kiện sống dưới tán cây rừng thì rất phù hợp trồng xen với cây rừng.

Theo nhận định của những hộ trồng cây mây nếp, triển vọng của mô hình trong những năm tới là rất khả quan, mở rộng diện tích trồng chia theo đầu hộ quản lý, tăng cường trồng xen canh với cây trồng rừng mới sẽ tiết kiệm được diện tích trồng và cây mây phát triển tốt hơn.

Thực tế trồng cây mây dưới tán cây rừng cho hiệu quả kinh tế khá rõ, nếu chúng ta trồng mây có chăm sóc đầy đủ: như bón phân cân đối, làm sạch cỏ thì cây mây phát triển tốt.   

Trồng cây mây nếp, sau 4 năm có thể cho thu hoạch 3 - 4 tấn cây mây/ha, giá trị thu được là 4 - 4,5 triệu đồng/ha. Chu kỳ kinh tế của cây mây có thể cho thu hoạch trong 20 - 25 năm tiếp theo, trong đó, năm đạt năng suất cao nhất có thể lên đến 40 - 50 tấn/ha. Bên cạnh năng suất cao cây mây còn có tác dụng che phủ đất, chống xói mòn và tạo việc làm cho người nông dân. Bởi vậy, mô hình trồng cây mây nếp tại huyện Nghĩa Đàn có thể sẽ được nhân rộng, phát triển trong những năm tiếp theo.

Thúy Hà