(Baonghean) - Đang chính vụ, nhưng giá dưa hấu giảm mạnh, khó bán, cộng thêm việc thời tiết diễn biến bất thường, sâu bệnh nên năng suất giảm mạnh khiến cho người nông dân huyện Nghĩa Đàn rơi vào cảnh khó khăn.

Cùng thời gian này vào năm ngoái, người nông dân Nghĩa Đàn đang rất phấn khởi khi cây dưa hấu vừa được mùa, vừa được giá. Trung bình, mỗi kg dưa bán tại vườn có giá trên 7.000 đồng; mỗi ha dưa, người nông dân thu về gần 100 triệu đồng. Nhưng vụ dưa năm nay, giá dưa rớt mạnh, chỉ còn từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, năng suất dưa chỉ bằng một nửa năm ngoái khiến cho nhiều nông dân gặp khó khăn, thua lỗ. Ông Lê Văn Lý, xóm 4, xã Nghĩa Lâm buồn rầu cho biết: Giá dưa rớt mạnh quá. Đầu mùa vụ, giá dưa có lúc đã lên đến 6.000 đồng/kg nhưng chỉ được vài ngày, giá giảm mạnh xuống còn 3.200 đồng/kg nhưng vẫn rất khó bán. Nhà ông Lý trồng 8 sào dưa, năng suất giảm 30% so với năm ngoái.

Tình trạng dưa mất mùa, rớt giá như hộ ông Lý không phải là cá biệt. Trong 109 ha dưa của toàn xã Nghĩa Lâm, thì khoảng 20 ha đã nhiễm bệnh chết xanh. Do chưa có thuốc đặc trị nên người nông dân chỉ còn biết nhìn dưa chết dần. Cộng với đó là thời tiết diễn biến thất thường nên cây dưa phát triển không đồng đều, quả nhỏ, dẫn đến năng suất dưa giảm mạnh. Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm - bà Nguyễn Thị Thanh Vinh, cho biết: Do giá mía năm ngoái rớt mạnh nên xã đã vận động người dân chuyển đổi gần 50 ha sang trồng dưa. Nhưng đến vụ thu hoạch này thì giá dưa lại rớt mạnh, trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến lợi nhuận của người dân giảm đi rất nhiều. Đã vậy, dưa trong miền Nam đưa ra bán với giá rẻ hơn khiến dưa của nông dân trên địa bàn xã càng khó bán.

                           Thu hoạch dưa hấu ở Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn).

Đến xã Nghĩa Sơn hỏi về cây dưa hấu, nhiều nông dân lắc đầu chán nản. Ông Lê Văn Tình than thở: “Nhà tôi có 7 sào đất thì đã chuyển cho Dự án nuôi bò sữa của TH. Gia đình sang Thanh Hóa thuê được 1 ha đất để trồng dưa nhưng giá rớt mạnh quá, chỉ mong được hòa vốn”. Tại thời điểm này, giá dưa loại trên 1,5kg/quả được bán với giá 3.800 đồng/kg nhưng vẫn rất khó bán. Năm nay thời tiết khắc nghiệt, khi cây phát triển non tơ thì bị mưa dập, tới khi dưa chuẩn bị cho thu hoạch thì nắng hạn kéo dài không có nước tưới. Đã vậy, cây dưa lại có thêm 2 loại bệnh tấn công, đó là bệnh chết xanh và quăn lá, dựng ngọn, làm cho các vườn dưa bị thiệt hại từ 30-50%.

Toàn xã Nghĩa Sơn có tổng diện tích trồng dưa là 230,5 ha. Nhưng diện tích thực trên địa bàn xã là 50 ha, số còn lại được người dân đi thuê tại Thanh Hóa, Nghĩa Mai, Thị xã Thái Hòa… Theo ông Nguyễn Hữu Qúy, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn cho biết, thì trong số diện tích của xã đã có đến 1/3 bị nhiễm bệnh chết xanh. Số còn lại do ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất giảm. “Nếu như năm ngoái, một sào dưa người nông dân có thể lãi khoảng hơn 100 triệu đồng/ ha thì năm nay chỉ còn khoảng 20 triệu đồng/ha. Nhưng số gia đình có lãi cũng không phải là phổ biến.

Đặc biệt, từ nhiều năm nay, trên cây dưa hấu xuất hiện bệnh chết xanh (do nhiễm vi khuẩn nấm Fusarium) khiến cây bị héo và chết dần. Hiện nay, bệnh này vẫn chưa có thuốc đặc trị nên khi cây bị bệnh rất khó chữa và tình trạng xóa bỏ là điều không thể tránh khỏi. Theo khuyến cáo, những diện tích đất đã bị bệnh 3 vụ thì vụ tiếp không nên trồng dưa mà nên chuyển sang các loại cây khác như ngô, lạc, mía. Nhưng tại nhiều xã, người dân không thực hiện đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn nên tiếp tục trồng dưa và dẫn đến cây mắc bệnh khi mới trồng được hơn 1 tuần. Bên cạnh đó, khi dưa hấu bị chết thì ý thức tiêu hủy bệnh của người trồng dưa chưa cao nên bệnh có điều kiện phát triển rộng ra nhiều diện tích khác.

Với tình trạng mất mùa, mất giá như năm nay, nhiều nông dân ở Nghĩa Đàn đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Phạm Bằng