(Baonghean) - Những khắc nghiệt của môi trường sống, của gió Lào cát trắng, của mưa chẳng thuận, bão chẳng hòa của mùa Đông buốt giá và mùa nắng cháy da... đã mặc nhiên luyện rèn, hun đúc cho người Nghệ một khả năng kỳ diệu, đủ sức để chịu đựng, chống chọi lại, thậm chí là chi phối sự khắc nghiệt ấy. Nó cũng đã tạo dựng nên cho người Nghệ một cấu kết cộng đồng bền vững, trở thành ngọn nguồn của tinh thần đoàn kết, chịu khó, siêng năng, hiếu học, can trường, bộc trực. Những nhẹ nhàng ngọt ngào, những điềm đạm, những mềm dẻo hay kín đáo... có vẻ như khá xa lạ với cách ứng xử của người Nghệ. Có thể nhận ra người Nghệ, không chỉ từ giọng nói mà cả chính tính cách của họ. Nhiều triều đại trong lịch sử đã lựa chọn vùng đất Nghệ là nơi để chiêu mộ binh sĩ, điều này bởi họ tin, họ cần người Nghệ.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hàng trăm ngàn người con xứ Nghệ tiên phong trên mọi mặt trận. Ngay trong bóng đá, người Nghệ cũng tạo nên một lối chơi “rất Sông Lam”, quyết liệt, không ngại va chạm. Người Nghệ để lại ấn tượng tốt không chỉ với các học giả, các nhà nghiên cứu mà cả với một số vị lãnh đạo cao cấp. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định: “Con người Nghệ - Tĩnh là vốn quý nhất của địa phương và của cả nước”. Ngày nay, trên lĩnh vực kinh tế, rất nhiều doanh nhân người Nghệ đã thành danh ở các vùng miền khác nhau, cộng đồng doanh nghiệp Nghệ ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, thậm chí ở nước ngoài, đều là những tên tuổi không hề kém cạnh...
Sau khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới kinh tế, với sự ra đời hàng loạt khu công nghiệp, nhất là các tỉnh phía Nam, thì người Nghệ là một nguồn lao động đáng kể cả số lượng và chất lượng. Công bằng mà nói sự đóng góp của lao động Nghệ hàng chục năm qua tại các khu công nghiệp là rất lớn, rất tích cực. Chính trong một phát biểu với báo chí ông Bùi Thanh Nhân - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương thẳng thắn bộc bạch: “Ưu điểm rất lớn mà lao động các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh có mà các tỉnh khác không có, hoặc không bằng, chính là sự cần cù, chịu khó, họ không ngại tăng ca, thức khuya, dậy sớm. Không có lao động các tỉnh trên thì Bình Dương không thể phát triển được như ngày hôm nay”. Chúng tôi cho rằng, đấy là một phát biểu khá công bằng. Tuy nhiên, bên cạnh cái tích cực, cái ưu tiên ấy chúng ta cũng cần sòng phẵng nghĩ rằng một số tố chất, hoặc là một số tính chất của người Nghệ cần phải điều chỉnh, muốn chúng ta không muốn tự mình tước đi cơ hội hội nhập. Lao động Nghệ chịu khó, siêng năng, thông minh, nhanh nhẹn, nhưng lại hay nóng nảy, phản đối, tập hợp lôi kéo. Khi đòi hỏi quyền lợi thì quyết liệt, bản tính tự kiêu và cả bệnh sĩ của một số người dẫn họ đến với sự cực đoan, tự ái.
Để lao động Nghệ phát huy được các ưu điểm của mình, hạn chế các nhược điểm, thiết nghĩ, cơ quan quản lý lao động của tỉnh và chính quyền địa phương, truyền thông tuyên truyền rộng rãi cho mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, cần trang bị cho người lao động về kỹ năng hội nhập trong môi trường công nghiệp, trong quá trình đào tạo nghề, cần dành một phần thời lượng và nội dung có tính chuyên biệt cho lao động Nghệ. Ngoài trình độ chuyên môn, tay nghề, họ cần được trang bị văn hóa, kỹ năng lao động trong môi trường công nghiệp. Những phẩm chất tốt đẹp của người Nghệ phải được phát huy, nhưng những gì không phù hợp trong môi trường công nghiệp cũng cần được mạnh dạn loại bỏ. Hơn lúc nào hết người lao động cần nhận ra ngay những yếu điểm của mình để khắc phục. Không ai có thể chứng minh ngoài chính bản thân họ!
Nguyễn Khắc An