(Baonghean) - Thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị (khóa XI), Nghệ An phấn đấu mục tiêu đến năm 2020 trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của Bắc miền Trung, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Trước yêu cầu đó, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã tham mưu cho tỉnh tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành, Trung ương, các thành phần kinh tế, thu hút nhiều nguồn vốn, dự án phát triển mạng lưới GTVT. Sau 4 năm, hạ tầng giao thông tỉnh nhà có sự phát triển vượt bậc. 

Dấu ấn đột phá 

Dấu ấn sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 26 về xây dựng hạ tầng giao thông phải kể đến tuyến đường Tây Nghệ An. Với hơn 180 km đi qua địa bàn 3 huyện vùng cao là Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong. Sau 10 năm triển khai, công trình bị gián đoạn vì thiếu vốn.

Sau khi có Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho ngành GTVT phấn đấu sớm khánh thành tuyến đường Tây Nghệ An và đưa vào sử dụng. Vì vậy, mà Sở GTVT đã nỗ lực cao độ để kêu gọi, thu hút nguồn vốn, động viên các nhà thầu hoàn thành tuyến đường này.

1506418204289.jpgCầu vượt QL.46 với đường sắt Bắc - Nam. Ảnh: Thanh Lê

Kết quả, đến cuối năm 2015, tuyến đường chiến lược Tây Nghệ An và đường Châu Thôn - Tân Xuân hoàn thành, đồng nghĩa kết nối các huyện Tây Nghệ An với nhau thành một hành trình liên hoàn; kết nối Quốc lộ 7, Quốc lộ 48 và đường Hồ Chí Minh.

Đây là các dự án nằm trong đề án “Phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2355/QĐ-TTg ngày 4/12/2013, tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ, tạo đòn bẩy thúc đẩy KT - XH khu vực miền Tây phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc, tuyến đường kết nối đường vành đai biên giới, góp phần giữ vững thế trận quốc phòng - an ninh biên giới của quốc gia. 

Một dấu ấn đặc biệt là nâng cấp tuyến giao thông quan trọng bậc nhất là Quốc lộ 1A quy mô 4 làn xe qua địa bàn Nghệ An dài gần 74 km, với tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng đã hoàn thành đúng tiến độ, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc, kết nối giao thông nội vùng tam giác Nghi Sơn (Thanh Hóa) - TP. Vinh - Vũng Áng (Hà Tĩnh); kết nối nội tỉnh là tam giác Hoàng Mai, Đông Hồi, Khu kinh tế Đông Nam, Vinh, Cửa Lò - miền Tây Nghệ An.

Cảng hàng không Vinh. Ảnh: Thanh Lê

Với sự nỗ lực, sáng tạo của Sở GTVT đã tham mưu cho tỉnh, làm việc với Chính phủ, Bộ ngành Trung ương và được Chính phủ cho phép mở rộng thêm 7 km đoạn Quán Hành - Quán Bánh (là một trong số ít các địa phương đã có tuyến tránh thành phố được bố trí vốn đầu tư xây dựng) với số vốn hơn 1.000 tỷ đồng nhằm phục vụ mở rộng tuyến cửa ngõ phía Bắc của thành phố và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực đô thị Vinh.

Cùng với đó, trong vòng 4 năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông Nghệ An đã có sự đột phá. Một loạt dự án, công trình lớn được đầu tư với tiến độ nhanh, đảm bảo chất lượng, mỹ thuật như: nâng cấp Cảng hàng không Vinh lên Cảng hàng không Quốc tế, mở thêm các tuyến bay Vinh - Đà Lạt, Vinh - Viêng Chăn và Vinh - Băngkok; khánh thành và đưa vào khai thác đường nối Quốc lộ 1A - thị xã Hoàng Mai - Thái Hòa, cầu đường bộ Yên Xuân, cầu Dùng qua sông Lam; nâng cấp bến số 5 và số 6 cảng Cửa Lò, đường giao thông nối đường N5 Khu kinh tế Đông Nam đến Hòa Sơn, Đô Lương; hệ thống 6 cầu vượt nội thành phố Vinh và các nút giao thông trọng yếu, cùng nhiều tuyến tỉnh lộ, đường vào trung tâm các xã… 

Một trong những thành công của ngành GTVT trong thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị là tham mưu cho Bộ GTVT quyết định nâng cấp 620,4km đường tỉnh thành đường Quốc lộ. Kết quả này cho thấy, dù khó khăn về nguồn vốn, ngành GTVT Nghệ An đã chủ động, sáng tạo trong nắm bắt thời cơ để thu hút hàng năm từ 400 - 500 tỷ đồng nguồn vốn của Trung ương về với địa phương đầu tư nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng các tuyến giao thông...

Kiểm tra thi công cầu D4 thị trấn Quán Hành, Nghi Lộc. Ảnh: Thanh Lê

Như thế, với sự nỗ lực của ngành giao thông và sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, nhiều dự án trọng điểm tưởng như bế tắc đã sớm được triển khai hiệu quả. Tổng nguồn vốn huy động cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong 4 năm qua lên tới trên 4.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: “Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị như một “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, mở ra đường hướng, tạo động lực để tỉnh tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong quá trình kêu gọi nguồn vốn từ Trung ương đến các cấp, các ngành để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà”.

Nhiệm vụ nặng nề

Thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, một trong những nhiệm vụ trọng yếu hiện nay đang được ngành GTVT tập trung quyết liệt đó là triển khai Dự án đại lộ Vinh - Cửa Lò.

Sau thời gian thi công kéo dài, mới đây với việc Chính phủ chỉ bố trí 1.100 tỷ đồng từ nguồn vốn trung hạn, Dự án đại lộ Vinh - Cửa Lò cũng buộc phải điều chỉnh quy mô so với ban đầu. Đại lộ Vinh - Cửa Lò là tuyến đường động lực, cực tăng trưởng của tỉnh, có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển đô thị Vinh, Cửa Lò nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An nói chung.

Khi Dự án hoàn thành còn góp phần thực hiện thắng lợi Đề án phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 26/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Dự án này sẽ được khởi công trong năm nay; theo kế hoạch, đến cuối tháng 12/2018 đảm bảo hoàn thành thảm bê tông nhựa và thông tuyến giai đoạn 1. Hiện nay, Dự án đang còn rất nhiều việc phải làm, mà một trong những khâu khó khăn nhất phải kể đến là công tác giải phóng mặt bằng, cần tiến hành di dời 682 ngôi mộ, di dời 316 hộ dân, xây dựng 9 khu tái định cư... mất rất nhiều thời gian. 

Cùng với đó, Sở GTVT đang tích cực thu hút nguồn vốn để triển khai dự án tuyến đường ven biển từ Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến Cửa Lò nằm trong tổng thể quy hoạch đường bộ ven biển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu lớn nhất của quyết định đầu tư tuyến đường này là nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, tạo liên kết vùng, củng cố quốc phòng - an ninh nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

Tuyến đường Tây Nghệ An kết nối giao thông, tạo động lực phát triển vùng Tây Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Ngoài ra, Sở GTVT đang phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm như: Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An; Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn qua cửa khẩu Thanh Thuỷ mở ra nhiều triển vọng trong đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của cả 2 nước Việt Nam - Lào.

Đồng thời nâng cấp, mở rộng cụm cảng biển quốc tế Cửa Lò sẽ được xây dựng thành một cảng biển hiện đại, tiếp nhận được tàu hàng tổng hợp, container, tàu chuyên dụng có trọng tải đến 100.000 DWT trong tương lai, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Nghệ An và các tỉnh lân cận khu vực Bắc Trung bộ, thu hút một phần hàng của nước bạn Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Cùng với cảng biển là tiếp tục nâng cấp, mở rộng sân bay quốc tế Vinh, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt…

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, nhiệm vụ của ngành Giao thông Vận tải Nghệ An về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới là rất nặng nề và phải thực hiện trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi ngành GTVT phải nỗ lực cố gắng, phấn đấu nhiều hơn nữa, nhất là cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ, sáng tạo trong huy động và sử dụng nguồn lực có hiệu quả để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Phát huy truyền thống “đi trước mở đường”, với cách làm sáng tạo, cùng sự quan tâm của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và của tỉnh, ngành GTVT Nghệ An sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng, tạo những bước tiến mới vững chắc./.

Thanh Lê

TIN LIÊN QUAN