(Baonghean) - Báo Nghệ An vừa nhận được đơn của ông Phạm Bá Bình, xóm 11, xã Nghi Phong (Nghi Lộc) khiếu nại việc UBND xã Nghi Phong lấy đất của gia đình ông làm nhà văn hóa xóm 11 nhưng không có thông báo. Nay ông đề nghị UBND xã trả lại đất của gia đình ông.
Nội dung đơn, ông Bình trình bày: Năm 2000, xã Nghi Phong, xóm 11 lợi dụng lúc mẹ tôi là bà Phạm Thị Hiệu tuổi cao sức yếu, các con công tác xa đã tiến hành chặt hạ cây xanh sau vườn, xây nhà văn hóa xóm trên đất gia đình tôi. Mẹ tôi có ra hỏi và ngăn cản nhưng họ vẫn đào, chặt cây của chúng tôi. Đến năm 2001, tôi về thăm mẹ và làm giỗ cho cha tôi, thấy xã, xóm đã xây nhà văn hóa và đang tổ chức đào, ủi, làm cây nghiêng ngả, tôi ra ngăn cản thì họ mới ngừng. Năm 2006 - 2007, khi mẹ tôi mới mất, xã, xóm lại tổ chức đập phá nhà văn hóa cũ, xây nhà văn hóa mới một nơi khác nhưng một phần nằm trong khuôn viên của gia đình tôi. Vì điều kiện công tác quá xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chúng tôi không có điều kiện về nên im lặng cho xã, xóm làm. Từ cuối năm 2014, tôi quyết định về quê sinh sống và đề nghị xã trả lại đất do ông cha để lại.
“Mảnh đất mà xã lấy làm nhà văn hóa xóm 11 là đất do cha tôi, ông Phạm Bá Quảng canh tác, sử dụng lâu đời. Nay xã lấy xây nhà văn hóa xóm mà không thông báo với gia đình là không đúng. Vì vậy, tôi đề nghị xã, xóm trả lại đất cho gia đình”, ông Bình cho biết.
Ông Bình cho rằng, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, thửa đất phía sau của gia đình là nơi đồn trú, tập kết vũ khí, xăng dầu cho bộ đội. Ranh giới của thửa đất, phía Đông giáp trục đường liên xóm, phía Tây giáp đất nhà ông Trịnh Văn Dung, phía Bắc giáp đình Phượng Cương và phía Nam giáp đất bỏ hoang.
Tuy nhiên, khi làm việc với phóng viên, ông Bình không đưa ra được căn cứ pháp lý nào chứng minh nguồn gốc đất là do ông cha để lại. Trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình được cấp năm 1997, không thể hiện có mảnh đất trên. Đối chiếu với Tờ bản đồ 299, thửa đất của gia đình ông Bình và các hộ liên quan không được thể hiện rõ mà chỉ là một dải đất rộng không có ranh giới. Giải thích về điều này, ông Bình cho rằng, vào thời điểm năm 1997, hầu hết người dân ở Nghi Phong khi kê khai để được cấp GCN QSD đất thì không kê khai diện tích đất cát trồng cây, đất bụi bờ mà chỉ kê khai đất vườn, đất ở. Vì vậy, diện tích đất phía sau không thể hiện trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Năm 2009, xã tiến hành đo vẽ để lập lại bản đồ và cấp đổi GCN QSD đất cho các hộ dân. Theo Tờ bản đồ 2009, đất gia đình ông Bình nằm tại thửa 470, Tờ bản đồ số 18, diện tích 1.495 m2, tăng thêm 250m2 so với giấy chứng nhận cấp năm 1997. Trong GCN QSD đất mới của gia đình ông Bình vẫn không thể hiện phần diện tích mà ông Bình cho rằng xã lấy của gia đình để làm nhà văn hóa. Theo ông Bình, lúc đó ông đang ở xa nên nhờ chị Hoàng Thị Thanh (em dâu) kê khai hộ. “Do em dâu là người nơi khác về, không nắm rõ nguồn gốc đất của gia đình nên khi nghe cán bộ xã nói không được kê khai phần diện tích đất trồng cây phía sau nhà nên chỉ kê khai theo diện tích thực địa mà thôi”, ông Bình cho biết.
Cùng thời điểm đó, UBND xã Nghi Phong đã lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất xây nhà văn hóa. Ngày 31/12/2013, UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND xã quản lý số CT 15822 thửa 436, Tờ bản đồ số 18 với diện tích 2.463 m2.
Sau khi nhận đơn của ông Bình, ngày 13/8/2015, UBND xã Nghi Phong thành lập đoàn kiểm tra xác minh. Ngày 24/8, UBND xã Nghi Phong có Thông báo số 243 kết quả xác minh và trả lời nội dung khiếu nại gửi cho gia đình. Theo thông báo: “Trên cơ sở làm việc với Ban Mặt trận xóm Phong Vinh (xóm 11) và một số cán bộ nguyên là xóm trưởng qua các thời kỳ và kiểm tra trực tiếp số địa chính lưu tại xóm, xã thấy như sau: Thửa đất 436, Tờ bản đồ số 18 trước đây là một dải kỳ nằm giữa các xóm. Năm 1989, xã chủ trương cho các xóm trồng cây trên đất hoang hóa để tránh tình trạng đất bỏ hoang.
Thực hiện chủ trương đó, xóm 11 đã chia cho các hộ dân mỗi hộ một thửa để trồng cây. Hộ ông Phạm Bá Quảng cũng được chia một thửa gần nhà để trồng cây và ông đã trồng một số cây bạch đàn trên thửa đất đó... Năm 2001, xóm 11 tiến hành quy hoạch khuôn viên và nhà văn hóa trên diện tích đó nên thuê máy về múc đất, đào một số cây của gia đình ông Quảng. Khi gia đình có ý kiến không đền bù cây, xã đã cử cán bộ xuống giải thích cây của ông Quảng đã đến thời kỳ thu hoạch nên xã không đền bù cho số cây này...
Phóng viên đề nghị được cung cấp hồ sơ liên quan đến chủ trương cho các hộ dân mượn đất vào thời điểm 1989 thì ông Nguyễn Đình Hải, Chủ tịch UBND xã cho biết, chủ trương chỉ bằng miệng chứ không có văn bản, giấy tờ gì.
Tiếp xúc hồ sơ của UBND xã Nghi Phong cung cấp nhận thấy việc kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại của công dân chưa khách quan, toàn diện, đầy đủ. Đoàn chỉ lấy ý kiến của 3 người là ông Lê Văn An, Bí thư Chi bộ xóm 11; Trịnh Văn Chắt, Xóm trưởng xóm 11; ông Trịnh Xuân Tỵ, nguyên Xóm trưởng xóm 11 từ năm 1994 - 1999. Đoàn đã không làm việc trực tiếp với ông Bình, người đứng đơn để nắm bắt các thông tin cũng như nguyện vọng của gia đình. Trong thông báo kết quả xác minh, đoàn cho biết là có lấy ý kiến của Ban công tác Mặt trận xóm 11. Thực tế, một số thành viên Ban công tác Mặt trận không được đoàn lấy ý kiến. Bà Mai Thị Tuất, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm 11 và ông Phạm Thành Trung, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh xóm 11 cho rằng, không được đoàn xác minh của xã mời làm việc.
Cùng đó, qua kiểm tra hồ sơ địa chính lưu ở xóm, xã, đoàn không tìm thấy bất kỳ một nội dung, thông tin nào về thửa đất mà ông Bình đòi lại (kể cả sổ cấp cho gia đình hay hồ sơ mượn đất đều không có). Đoàn chỉ dựa vào ý kiến của 3 cá nhân nêu trên và đi đến kết luận: Căn cứ vào thông tin Ban Mặt trận xóm và các cán bộ xóm qua các thời kỳ, căn cứ sổ địa chính, sổ mục kê lưu tại xã, xóm, UBND xã Nghi Phong trả lời cho ông Nguyễn Bá Bình được biết về đơn khiếu nại của ông là không có cơ sở, không có căn cứ để giải quyết. Làm việc với phóng viên, ông Trịnh Văn Chắt, Xóm trưởng xóm 11 cho biết: “Về nguồn gốc đất thì tôi không biết cụ thể. Tôi chỉ biết, gia đình ông Quảng có trồng sắn và một số cây trên mảnh đất đó. Khi xã về xác minh, tôi cũng trả lời như vậy”.
Để có thêm căn cứ, phóng viên đã đi gặp những người cao niên, các thành viên Ban Mặt trận xóm 11. Các ông: Phạm Huy Văn, Trịnh Văn Tuất, Phạm Minh Trung; Phạm Thành Trung; bà Mai Thị Tuấn khẳng định, từ những năm 1968 - 1969 đã thấy gia đình ông Quảng trồng cây trên mảnh đất đó. Ông Phạm Huy Văn, nguyên kế toán HTX từ năm 1976 - 1985 cho biết: “Trước đó tôi không rõ nhưng từ năm 1970, tôi đã thấy ông Quảng trồng cây trên mảnh đất đó. Ban đầu là trồng sắn, khoai, sau đó trồng phi lao, bạch đàn. Về chủ trương giao đất cho các hộ dân phủ xanh đất hoang hóa tôi không biết”. Ông Trịnh Văn Tuất (SN 1946) cho biết: “Khoảng năm 1964, tôi thấy ông Quảng trồng cây trên mảnh đất đó. Năm 1977, sau khi đi công nhân về, tôi vẫn thấy ông Quảng trồng cây bạch đàn, phi lao. Đến năm 1999, khi ông Quảng mất thì cây vẫn còn và to rồi”.
Có thể nói, mấu chốt của vấn đề là UBND xã Nghi Phong không thực hiện xác minh nguồn gốc thửa đất ông Bình đòi một cách công khai, minh bạch, đầy đủ để có cơ sở xác định gia đình được đền bù hay không theo các quy định của Luật Đất đai. Điều này đã tạo cho ông Bình sự bức xúc và ông tiếp tục có đơn thư khiếu nại gửi các cấp, ngành. Vì vậy, trong thời gian tới, xã Nghi Phong cần tiếp tục điều tra một cách cẩn thận, làm rõ những nội dung khiếu nại của ông Bình và trả lời một cách thỏa đáng. UBND huyện Nghi Lộc cần vào cuộc để nắm bắt thông tin, hướng dẫn xã kiểm tra, xác minh nguồn gốc đất để sớm giải quyết đơn thư công dân theo đúng quy định pháp luật./.
Phạm Bằng