(Baonghean) - Tạo sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương, đưa ra giải pháp tốt để thực hiện các tiêu chí đã là những kinh nghiệm quý của Nghi Mỹ trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Đây là sự nỗ lực lớn để Nghi Mỹ cán đích nông thôn mới đúng lộ trình khi được huyện Nghi Lộc chọn làm điểm xây dựng NTM từ năm 2012.

Đi lên từ sự đồng lòng

Trước khi xây dựng nông thôn mới, Nghi Mỹ chỉ là một xã nghèo, sản xuất thuần nông, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém. Thế nhưng sau 5 năm xây dựng nông thôn mới, miền quê này đã "thay da đổi thịt". Nhiều công trình được xây dựng mới khang trang, những con đường đất lầy lội năm xưa nay được thay bằng những con đường bê tông, đường nhựa.

Trụ sở UBND xã và nhiều công trình ở Nghi Mỹ được xây dựng khang trang. Ảnh: Hà Chi
Trụ sở UBND xã và nhiều công trình ở Nghi Mỹ được xây dựng khang trang. Ảnh: Hà Chi

Những ngày này, ông Ngô Trí Diện ở xóm 6, Nghi Mỹ cũng như bao người dân trong xã không giấu nổi niềm vui khi địa phương được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Diện tâm sự: “Năm nay đã hơn 80 tuổi rồi, tôi tự hào khi được chứng kiến cảnh quê hương đổi thay. Tôi thấy sự năng động, táo bạo, của đội ngũ lãnh đạo địa phương, bà con nhân dân đồng thuận, đoàn kết đã giúp Nghi Mỹ có được sự bứt phá như vậy”.

Là xã bán sơn địa nằm ở phía Tây của huyện Nghi Lộc, Nghi Mỹ có 4.676 nhân khẩu người được phân bố ở 13 xóm. Để đạt được tiến độ về đích năm 2015 khi được huyện Nghi Lộc chọn làm điểm xây dựng NTM năm 2012, Đảng ủy, chính quyền xã Nghi Mỹ đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.

Từ việc công khai bản đồ quy hoạch đến việc tổ chức hàng chục cuộc họp để tuyên truyền đến tận mỗi hộ dân về chủ trương xây dựng NTM nên chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào quần chúng tham gia xây dựng NTM được nhân rộng khắp trên địa bàn toàn xã và đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng. 

Điển hình như phong trào hiến đất mở đường giao thông nông thôn được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ, toàn xã đã có hơn 30 hộ tự nguyện hiến đất làm lại công trình kiến trúc, đóng góp hàng vạn ngày công với hàng chục tỷ đồng. Tiêu biểu trong phong trào này có hộ ông Hoàng Trung Lương ở xóm 6 hiến 70 m bờ bao, anh Hoàng Trung Đức xóm 4 hiến 100m2 tường bao...

Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp kết hợp với huy động nội lực từ nhân dân, Nghi Mỹ đã lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án gắn với nhiệm vụ xây dựng NTM. Đến nay, Nghi Mỹ đã đầu tư cho kết cấu hạ tầng đạt tổng kinh phí thực hiện trên 150  tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 69 tỷ đồng.

Giờ ra chơi của cô và trò trường Mầm non Nghi Mỹ.
Nhà văn hóa xóm 10 trị giá hơn 500 triệu đồng do một người con của Nghi Mỹ xây tặng. Ảnh: Hà Chi

Một trong những điểm mạnh của Nghi Mỹ là đã tranh thủ được sự hỗ trợ, đóng góp của con em xa quê. Từ nhà văn hóa xóm 10 trị giá hơn 500 triệu đồng cho đến cổng chào của xã hơn 100 đều là tấm lòng của các doanh nhân thành đạt của Nghi Mỹ đóng góp cho quê hương.

Bền vững bằng phát triển kinh tế

Xác định xây dựng nông thôn mới phải bền vững bằng việc nâng cao đời sống của người dân nên Nghi Mỹ đã có nhiều trăn trở cho phát triển kinh tế địa phương.

Nghi Mỹ đưa nhiều giống lúa năng suất và chất lượng cao vào canh tác như AC5, Thiên Ưu. Ảnh: Hà Chi
Nhiều hộ gia đình ở Nghi Mỹ phát triển chăn nuôi bò hàng hóa. Ảnh: Hà Chi

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghi Mỹ cho biết, để tăng nhanh giá trị trên một đơn vị diện tích, phát huy kinh nghiệm thâm canh lúa, xã đã tiến hành chuyển đổi các mô hình sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các bộ giống có hiệu quả cao như lúa AC5, Thiên Ưu vào canh tác. Cùng với đó là phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại.

Tận dụng lợi thế có 2 tuyến đường chạy qua xã là tỉnh lộ 534 và đường liên huyện 535, Nghi Mỹ còn tích cực quan tâm tạo điều kiện thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển ngành nghề phụ và hệ thống dịch vụ trên địa bàn.

Cơ sở sản xuất tôn lớp Tâm Chính - một trong những hộ kinh doanh có hiệu quả của Nghi Mỹ.

Đến nay, Chợ Thượng Nghi Mỹ đã đạt tiêu chuẩn chợ loại III, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa trên địa bàn và các xã phụ cận. Xã có 4 doanh nghiệp, 214 hộ kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ lao động có việc làm toàn xã đạt 98%, thu nhập bình quân đầu người 28,3 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,7%. Trong xã có nhiều mô hình làm kinh tế dịch vụ thương mại hiệu quả cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.  

Nâng cao chất lượng các tiêu chí

Với những nỗ lực không ngừng, 5 năm qua, Đảng bộ xã Nghi Mỹ luôn đạt trong sạch vững mạnh, các đoàn thể đều được huyện xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với sự lãnh chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, chính quyền từ xã đến xóm, sự đồng thuận của người dân, đến nay, xã Nghi Mỹ đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM.

Ông Hoàng Đức Trì - Chủ tịch UBND xã Nghi Mỹ chia sẻ: “Để từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí ở mức cao hơn, bền vững hơn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nghi Mỹ tiếp tục xác định việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm có tính chất lâu dài, thường xuyên, liên tục, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, đồng bộ hơn nữa của cả hệ thống chính trị xã và sự chung tay góp sức của đông đảo bà con nhân dân xã nhà”.

Phát huy những kết quả đã đạt được, để giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong thời gian tới, Nghi Mỹ tiếp tục đầu tư nhiều các hạng mục công trình, trọng tâm như: tuyến đường liên huyện, trường cấp II, chợ nông thôn và một số khuôn viên nhà văn hóa… góp phần làm nên một Nghi Mỹ ngày càng phát triển, trở thành một điểm sáng của huyện Nghi Lộc./.

Quang Dũng - Hà Chi