(Baonghean.vn) - Đôi chân bước những bước đi tập tễnh do dị tật bẩm sinh, không thể ngồi xổm, cũng không thể làm việc nặng… nhưng cũng chính những điều đó là nguồn động lực với Nguyễn Khắc Cường trong 31 năm qua.
Anh Nguyễn Khắc Cường là người Nghệ An duy nhất vừa nhận giải “Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng 2017” do Cộng đồng tình nguyện Việt Nam tôn vinh. Ít ai biết Cường đã phải trải qua những năm tháng đầy éo le, khó khăn.
Nguyễn Khắc Cường sinh ra tại phường Bến Thuỷ, thành phố Vinh, Nghệ An. Cường không may mắn bởi từ khi lọt lòng mẹ đã là một đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh khiến đôi chân của anh không thể đi lại bình thường. Anh không thể làm việc nặng, đôi chân tập tễnh khiến anh gặp không ít khó khăn trong mỗi lần di chuyển. Anh cũng không thể ngồi xổm hay cúi người xuống như những người bình thường khác.
Từ nhỏ, Cường đã kém may mắn so với bạn đồng trang lứa. Cường vẫn đến trường học nhưng anh luôn được nhà trường miễn môn thể dục. Chân cà nhắc nên Cường luôn phải đi bộ đến trường dù mưa hay nắng suốt những năm tháng học sinh. Mãi sau này, khi trường học xa nhà, anh mới tập đi xe đạp. Mỗi lần tập đi xe là mỗi lần anh ngã xuống đường, và không ít lần đầu gối hay cánh tay anh sợt da, chảy máu. Nhưng anh chưa bao giờ có ý định dừng lại. Cường nhớ mãi những câu nói của bạn bè trêu chọc mình là đồng hồ quả lắc, là thằng đi cà xiểng… “Những câu nói miệt thị ấy không làm mình khóc, ngược lại nó còn giúp mình tự nhủ phải cố gắng hơn người ta gấp trăm lần. Hoàn cảnh của mình không cho phép mình gục ngã”, Cường tâm sự.
Suốt những năm tháng đi học cho đến khi là một nam sinh cấp 3, Cường luôn là học sinh tiên tiến, học sinh giỏi. Cuộc đời không cho Cường sự trọn vẹn về hình dáng, nhưng lại bù đắp cho Cường một ý chí kiên cường như chính cái tên của anh vậy. Gia đình khó khăn, bố mẹ không có công việc ổn định nhưng lại phải chăm lo cho 5 đứa con đang tuổi ăn học. Cường là anh lớn trong nhà, sau mỗi buổi tan lớp, Cường đều giúp mẹ đi chợ bán rau. Một buổi đi học, một buổi anh phụ mẹ bán rau ở chợ Bến Thuỷ. Đêm đến, Cường lại tranh thủ nấu nước chè bán trên đê Hưng Hoà gần nhà để phần nào giúp bố mẹ bớt đi khó khăn.
Ước mơ của Nguyễn Khắc Cường là trở thành một giáo viên dạy Tiếng Anh. Song hoàn cảnh đã phần nào đẩy lùi ước mơ ấy xa rời anh. Cường thi vào một trường trung cấp ở Vinh để học chuyên ngành Công nghệ thông tin. Miệt mài và đầy nghị lực, cuối cùng chàng trai có bước đi tập tễnh ấy cũng đã nhận được bằng tốt nghiệp trong tay. Với những người bình thường, đó có thể là một kết quả hiển nhiên và đơn giản. Nhưng với những người khuyết tật như Cường, đó là cả một quá trình nỗ lực nhọc nhằn hơn ai hết.
Cường hoạt động Đoàn từ những ngày còn học cấp 3. Thời gian ấy, anh được tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh nghèo khó quanh mình. Những người lao động nghèo khổ quanh năm không đủ ăn đủ mặc khiến anh động lòng. “Mình đã khóc khi một lần nhìn thấy những người đi xúc đất thuê ở gần nhà chia sẻ cùng nhau một quả cam bị người ta đánh rơi bên đường. Hình ảnh ấy đã thôi thúc mình phải làm một điều gì đó ý nghĩa cho cuộc sống này”. Đó chính là khởi nguồn cho sự ra đời của Tổ chức hoạt động xã hội Thanh niên vì cộng đồng Nghệ An 37 vào năm 2010, một câu lạc bộ tình nguyện do Cường khởi xướng và đứng đầu.
Nguyễn Khắc Cường lan tỏa tình yêu thiện nguyện, đam mê cống hiến vì cộng đồng cho hàng trăm bạn trẻ, sinh viên. Câu lạc bộ của Cường gồm 60 thành viên với mục tiêu “Đoàn kết cộng đồng - Kết nối trái tim - Chia sẻ yêu thương - Giúp đỡ người nghèo” với mong muốn là nơi gắn kết các thanh niên, các câu lạc bộ trong tỉnh cùng nhau làm tình nguyện, chắp cánh ước mơ cho các em có hoàn cảnh khó khăn, cũng là nơi các thanh niên sát lại bên nhau, rời xa các tệ nạn xã hội…
Trải qua 7 năm hoạt động thiện nguyện, Câu lạc bộ của Nguyễn Khắc Cường đã tổ chức hàng trăm chương trình như Tết ấm, Tiếng hát thiện nguyện, Vầng trăng yêu thương, Chủ nhật xanh…mang đến hàng nghìn món quà ý nghĩa đến tay các bạn nhỏ, các gia đình nghèo trên địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh.
Tâm sự với chúng tôi, Nguyễn Khắc Cường nói: “Chính bản thân mình rơi vào hoàn cảnh tàn tật là lý do lớn nhất thôi thúc mình làm thiện nguyện. Mình là người khuyết tật nên có thể thấu hiểu nỗi đau của người khác, và cũng nhìn vào người khác để thấy được mình còn may mắn hơn hàng nghìn, hàng vạn người”. Đó cũng là câu trả lời cho việc Cường chọn làm giáo viên dạy những đứa trẻ tự kỷ, tăng động… ở một trung tâm chuyên biệt ngay trên quê hương mình hiện nay./.
Thiên Thiên