(Baonghean) - Giữa năm 2016, huyện Nghi Lộc có tin vui khi điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2020 được duyệt với những mục tiêu quan trọng, trong đó tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu; dệt may, vật liệu xây dựng; chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp phụ trợ. Giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 48,50% và dịch vụ 36,40%.
Hướng mạnh về phát triển công nghiệp
Với tiềm năng lợi thế ven đô, đất đai rộng lớn, là nơi tập trung các nhà máy, công trình lớn, hệ thống giao thông thuận tiện, rộng mở, cửa ngõ của thành phố Vinh, Nghi Lộc xác định các khâu đột phá: Trước hết đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, trên cơ sở nhanh chóng thu hút đầu tư để lấp đầy các khu công nghiệp tập trung của tỉnh; đồng thời tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, các cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của huyện.
Thứ hai, đầu tư phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, phát huy các lợi thế của huyện về công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí,... Phát triển kinh tế biển dọc theo dải ven biển với các ngành mũi nhọn là đóng tàu; nuôi trồng và đánh bắt hải sản; du lịch biển.
Thứ ba, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường cải cách hành chính đi đôi với đổi mới cơ chế chính sách...
Kết cấu hạ tầng sẽ được quan tâm đầu tư đồng bộ hơn tạo điều kiện cho phát triển. Huyện ưu tiên xây dựng nâng cấp các tuyến đường giao thông kết nối các vùng kinh tế động lực (KKT Đông Nam, Khu du lịch Bãi Lữ, KCN Nam Cấm…), với cảng Cửa Lò, sân bay Vinh và với hệ thống giao thông đối ngoại nhất là Quốc lộ 1A, Quốc lộ 46, nhằm thúc đẩy phát triển nhanh các ngành kinh tế. Xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng KKT Đông Nam và các KCN đồng bộ với các dịch vụ tiện ích cho doanh nghiệp ngay trong KKT, KCN. Hình thành KCN có hạ tầng hiện đại, KCN xanh, tạo sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư vào KKT, KCN.
Theo quy hoạch mới được duyệt, UBND tỉnh nhất trí “Xây dựng Nghi Lộc trở thành một trong những huyện dẫn đầu của tỉnh, là huyện công nghiệp đến năm 2020, là một điểm nhấn về phát triển kinh tế của Nghệ An, thực hiện các khâu đột phá trong các ngành, lĩnh vực của huyện gắn với việc tái cơ cấu kinh tế để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ ổn định xã hội và quốc phòng - an ninh”. |
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho hay: Nghi Lộc hiện có Khu kinh tế Đông Nam với nhiều nhà máy, công trình đang hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động như Nhà máy nhựa Tiền Phong, Nhà máy tôn Hoa Sen, Nhà máy điện tử BSE, Nhà máy thủy sản Royal foods, Công ty CP thực phẩm Masan... Trên địa bàn cũng có hàng trăm doanh nghiệp nhỏ đang hoạt động.
Theo quy hoạch đến năm 2020 được duyệt, Nghi Lộc đã xác định được các ngành, sản phẩm ưu tiên phát triển là công nghiệp - xây dựng, khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm, công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp điện và sản xuất nước sinh hoạt, bên cạnh đó phát triển dịch vụ, đóng tàu, nông nghiệp công nghệ cao.
Sẽ xây dựng hạ tầng đô thị Quán Hành và thị trấn chợ Thượng; Quy hoạch xây dựng thị tứ Nghi Phương, Nghi Văn, Nghi Vạn.
Xây dựng đường quốc lộ ven biển, đường Nghi Thái - Nghi Vạn - Đô Lương, đường nối chợ Sơn - ven Sông Lam, xây dựng, nâng cấp Nhà máy nước Cầu Bạch, Nghi Hoa, Nghi Mỹ, Nghi Lâm, Nghi Diên... Tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng phát triển hệ thống chợ hiện có như chợ Sơn, chợ Nghi Trung và xây dựng mới chợ ở một số xã Nghi Thịnh, Nghi Trường, Nghi Thuận, Nghi Xá, Nghi Phong, Nghi Diên, Nghi Mỹ, Nghi Kiều... Quy hoạch 25 chợ đạt chợ loại 3 trên địa bàn.
Mở rộng không gian đô thị lên phía Tây
Từ nay đến năm 2020, bên cạnh việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng thị trấn Quán Hành - đô thị loại V, dự kiến sẽ thành lập, xây dựng thị trấn chợ Thượng - trở thành trung tâm huyện lỵ trong tương lai, thị trấn Cầu Cấm, thị trấn Mai Trang và hệ thống thị tứ như chợ Sơn, khu Đại học, Nghi Văn, Nghi Lâm, Nghi Công, Nghi Vạn, Nghi Phương. Đầu tư xây dựng 3 thị trấn là thị trấn Quán Hành, thị trấn Cầu Cấm và thị trấn Mai Trang.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 25.119 tỷ đồng. Đây là một nhu cầu rất lớn, để huy động được các nguồn vốn đầu tư phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, Nghi Lộc đang quyết tâm đạt mọi mục tiêu đề ra.
Mục tiêu phát triển kinh tế đến năm 2020 của Nghi Lộc: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 đạt 12,5 -13,5%, trong đó khu vực công nghiệp xây dựng tăng 16,6%, khu vực dịch vụ tăng 13,5%, nông nghiệp tăng 3,4%. Cơ cấu nông, lâm nghiệp, thủy sản 15,10%, công nghiệp - xây dựng 48,50% và dịch vụ 36,40%. Tổng sản lượng lương thực năm 2020 đạt trên 90.000 tấn. Có 19/21 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí về nông thôn mới (đạt 65-72%). Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn (không kể tiền sử dụng đất) đạt khoảng 170 tỷ đồng (bình quân tăng thu ngân sách mỗi năm đạt 18-20%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 25.119 tỷ đồng. |
Châu Lan