Tập trung cao độ cho giải phóng mặt bằng
So với các huyện khác, Nghi Lộc là địa bàn trọng điểm về
thu hút đầu tư của tỉnh nên công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được xem là nhiệm vụ chính trị ưu tiên thường xuyên. Trong vòng 5 năm lại đây, trên địa bàn huyện đã có hàng chục dự án đầu tư vào địa bàn, đồng nghĩa với việc thu hồi đất hàng trăm lên tới hàng ngàn ha đất và hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng nên khối lượng công việc rất lớn; nếu không quyết liệt và tập trung thì rất khó để kịp bàn giao tiến độ mặt bằng.
Nhà máy may Nghi Lâm vừa xây dựng vừa vận hành sản xuất. Ảnh: Nguyễn Hải Nhờ có đầu mối chỉ đạo thống nhất, nên khi triển khai các dự án, huyện phối hợp nhịp nhàng với các sở, ban, ngành của tỉnh để cùng giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, đồng thời kịp thời đối thoại, giải quyết các khó khăn cho dự án đầu tư ngoài Khu kinh tế.
Từ đầu 2015 đến nay, Nghi Lộc đã giải phóng mặt bằng cho 84 dự án với tổng diện tích thu hồi trên 1.165 ha, trong đó 40 dự án ngoài Khu kinh tế Đông Nam với diện tích gần 300 ha; gần 9.720 hộ dân bị ảnh hưởng, 414 hộ tái định cư; di dời trên 5.000 ngôi mộ; giải ngân, chi trả kịp thời 1.441 tỷ đồng cho các tổ chức, hộ dân bị ảnh hưởng.
“Trong bối cảnh hiện nay, huyện giải phóng được khối lượng mặt bằng cho các dự án trên là nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và của địa phương”.
Đồng chí Nguyễn Bá Điệp - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghi Lộc
Nhà máy sản xuất bê tông thương phẩm tại Cụm CN Trường Thạch. Ảnh: Nguyễn Hải Nhờ làm tốt vai trò cầu nối nên nhiều nhà đầu tư có năng lực tìm đến, tìm được tiếng nói chung và quyết tâm đầu tư nên việc giải phóng mặt bằng và triển khai dự án khá nhanh. Tiêu biểu là thu hồi đất lâm nghiệp cho dự án Khu liên hợp sản xuất vật liệu xây dựng Trung Đô tại xã Nghi Văn, dự án Nhà máy may và giày da tại xã Nghi Diên, dự án Nhà máy may tại xã Nghi Lâm... chỉ trong 6 tháng đã triển khai xong.
Ngoài các dự án lớn trên, nhờ tích cực xúc tiến đầu tư, huyện còn thu hút được một số dự án đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, kinh doanh xăng dầu, sửa chữa ô tô vào Cụm công nghiệp Trường Thạch cũng như một số địa bàn khác đã tạo nên diện mạo mới cho nền kinh tế huyện.
Thêm những điểm nhấn mới
Việc có nhiều dự án đầu tư ngoài khu kinh tế vào địa bàn, trong đó Nhà máy dệt may, giày da xuất khẩu tại Nghi Diên và Nhà máy dệt may tại Nghi Lâm đi vào hoạt động chỉ trong một thời gian ngắn đã tạo điểm nhấn cho huyện. Hai nhà máy trên đã tạo việc làm cho khoảng 1.400 lao động.
Nghi Văn là một trong những xã miền núi nghèo, nhưng vài năm lại đây đã có bước chuyển dịch lớn về phát triển kinh tế, trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư của huyện. Đồng chí Trần Văn Sao - Bí thư Đảng ủy xã Nghi Văn cho biết: “Dự án sản xuất vật liệu lớn vào địa bàn, người dân Nghi Văn phấn khởi vui mừng nên tiến độ giải phóng mặt bằng rất nhanh và thuận lợi”.
Công nhân may tại Nhà máy dệt may Nghi Lâm. Ảnh: Nguyễn Hải Công nghiệp - xây dựng phát triển nên đã thúc đẩy các ngành nghề thuộc lĩnh vực dịch vụ, thương mại của Nghi Lộc sôi động hơn. Trong vòng 5 năm, từ 2015 đến nay, cùng với duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,53%/năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng bình quân cao nhất với 20,11%/năm. Đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 56,1%, tăng 15,4% so với thời điểm năm 2015; bình quân thu nhập đầu người năm 2020 ước đạt 47 triệu đồng/năm, tăng 18,2 triệu so với năm 2015.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết: Việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thu hút các dự án đầu tư ngoài Khu kinh tế Đông Nam, ngoài các khu công nghiệp giúp huyện thực hiện 3 mục đích là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách huyện và giải quyết bài toán về chuyển đổi lao động sau thu hồi đất.
Tổ hợp Nhà máy may và giày da Nghi Diên sử dụng gần 1.000 lao động. Ảnh: Nguyễn Hải Được biết, nhờ nỗ lực kết nối nên huyện Nghi Lộc đang thu hút một số dự án công nghệ cao và sạch vào lĩnh vực nông nghiệp và ngoài Khu kinh tế Đông Nam như dự án Khu lâm nghiệp công nghệ cao Bắc Trung Bộ 63 ha tại xã Nghi Lâm và dự án Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 200 ha thuộc địa bàn 3 xã Nghi Văn, Nghi Kiều và Đại Sơn (Đô Lương). Theo kế hoạch, năm 2020 dự án sẽ được triển khai và nếu đi vào hoạt động sẽ mở ra triển vọng rất lớn công nghiệp chế biến lâm nghiệp cho cả vùng phía Tây huyện.
Bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, nhằm khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên và chủ động đón các dự án đầu tư, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hiện tại, Nghi Lộc đã hoàn thành quy hoạch các tiểu vùng kinh tế để các nhà đầu tư xem xét. Hy vọng với tầm nhìn và sự chuẩn bị kỹ, Nghi Lộc sẽ tạo ra bước đột phá mới đưa kinh tế xã hội huyện nhà phát triển nhanh và bền vững hơn.